, ,

Đường riêng từ quan sát mới

Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa sản phẩm và mạnh dạn triển khai con đường riêng là cách để vượt qua thách thức trong giai đoạn trầm lắng đơn hàng. Theo ông Trịnh Đức Kiên – Phó giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, thị trường đang phục hồi nhưng cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới. Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần có những đột phá về mặt sáng tạo mới có thể giữ được vị thế.

 

* Đơn hàng đang trở lại, doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam hy vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” hiện tại của ngành?

– Sau một năm tạm ngưng đặt hàng, lượng hàng tồn kho đã hết, khách hàng trở lại với nguồn cung ứng từ Việt Nam là điều tất yếu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng sự trở lại của đơn hàng đã đính kèm thêm nhiều điều kiện khác, đặc biệt là chi phí. Khi tổng cầu giảm thì sự cạnh tranh về giá sẽ khốc liệt hơn. DN phải nỗ lực giảm chi phí. Các nhà mua hàng cũng phải thận trọng trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất định, đơn hàng phần lớn là nhỏ và đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh.

* Nghĩa là phải có những thay đổi về mặt nội tại DN?

– Những đơn hàng nhỏ hiện nay cũng đã là quý, giúp DN ổn định về mặt sản xuất. Tất cả các DN đều phải có giải pháp thích ứng với những yêu cầu mới từ thị trường. Với Kẻ Gỗ, chúng tôi xác định bài toán thời gian và chi phí chỉ có thể giải được khi tăng hiệu suất. Tự động hóa là giải pháp cho vấn đề này. Từ quý III/2023, chúng tôi đã trang bị thêm hệ thống máy móc sản xuất, chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường trong năm 2024; đồng thời mở rộng tệp khách hàng bằng cách thâm nhập các thị trường mới là Úc và New Zealand. Hiện sản phẩm của Kẻ Gỗ đã có mặt trên 38 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhờ chuẩn bị tốt, chúng tôi có thể chủ động hơn trước sự dịch chuyển liên tục của thị trường. Tuy nhiên, chìa khóa giúp Kẻ Gỗ cân bằng được các giá trị khi thị trường nội thất sụt giảm đột ngột chính là công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Bên cạnh xuất khẩu ván ép (gỗ dán), thanh gỗ (dùng làm cán chổi), thời gian qua Kẻ Gỗ đặc biệt phát triển mảng bộ đồ ăn gồm dao, thìa, nĩa gỗ dùng một lần. Dù các mặt hàng công nghiệp có sự suy giảm nhưng đồ gỗ dùng một lần lại tăng trưởng đáng kể, giúp công ty duy trì và giữ được mục tiêu tăng trưởng.

* Ông có thể chia sẻ thêm về hướng đi mới?

– Kẻ Gỗ tham gia xuất khẩu từ năm 2011. Trong một lần công tác ở châu Âu, chúng tôi nhận thấy xu hướng tiêu dùng bền vững đang phát triển nhanh. Ngay từ năm 2018, khu vực này đã thống nhất được lộ trình giảm phát thải cụ thể. Hưởng ứng xu hướng ấy, các nhà hàng, khách sạn khi bán mang đi đã thay túi nilon bằng túi giấy để giảm rác thải nhựa. Tuy nhiên, với bộ dụng cụ ăn, họ vẫn phải dùng giải pháp cũ. Nhu cầu trong tương lai của thị trường là đơn hàng vô hình, nếu giải được, DN sẽ có lợi thế tiên phong. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu để một năm sau đó đưa ra được giải pháp.

Bộ muỗng, nĩa dùng một lần, làm bằng gỗ hợp pháp của Kẻ Gỗ được khách hàng ở Đức đón nhận đầu tiên. Hiện giải pháp thay thế đồ nhựa của chúng tôi đã được các nhà hàng, khách sạn ở hơn 10 quốc gia đón nhận. Thị trường trong nước cũng bắt đầu chú ý sản phẩm này. Muỗng nĩa gỗ của chúng tôi đã được ngành hàng không lựa chọn.

* Con đường này mở ra cho Kẻ Gỗ nhiều cơ hội?

– Xu hướng tiêu dùng xanh phát triển, trao cho chúng tôi cơ hội lớn nhưng thách thức cũng khá nhiều. Nhu cầu khách hàng ngành F&B khác hoàn toàn với ngành nội thất. Khách hàng đòi nhà máy phải siêu sạch, phải có chứng nhận an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn BSCI, chứng chỉ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Chúng tôi phải tìm hiểu cả quy trình sản xuất bao bì của ngành F&B để có được giải pháp tương thích.

Nhà máy Kẻ Gỗ đặt ở Bắc Cạn. Nguồn nguyên liệu địa phương không có rừng sở hữu chứng chỉ quốc tế do diện tích rừng trồng nhỏ, lại chồng lấn với diện tích rừng tự nhiên. Chúng tôi phải tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo liên kết với lâm dân để xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ. Việc này còn nhiều khó khăn, rất cần sự cởi mở của chính sách để không chỉ chúng tôi mà các DN chế biến gỗ khác trong ngành có thể tiếp cận với nguồn nguyên liệu bản địa hợp pháp.

* Ngoài yếu tố sáng tạo, mang lại đột phá, đâu là thế mạnh cạnh tranh của Kẻ Gỗ trên thị trường thế giới?

– Các sản phẩm xuất khẩu của Kẻ Gỗ đều sử dụng gỗ rừng trồng trong nước như keo, bạch đàn, bồ đề, mỡ… Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các nguyên liệu gỗ bản địa khác như bằng lăng, bồ đề… để đưa vào sản xuất. Nguồn nguyên liệu bản địa giúp DN chủ động hoàn thiện chuỗi cung ứng, giá cả cạnh tranh và không mất nhiều chi phí lẫn thời gian cho logistics. Đây cũng là nền tảng cho phép các DN nghiên cứu, mang đến lựa chọn mới cho người dùng toàn cầu.

Tôi nghĩ thế mạnh cạnh tranh này không phải quốc gia nào cũng có được. Mong rằng Nhà nước kiên trì và đầu tư hơn nữa về mặt chứng nhận để DN có thể chính danh tiếp cận nguồn nguyên liệu gỗ bản địa quý giá ấy.

Minh Kiên thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác