Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tất cả các bộ, ban ngành sẽ có chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ công tác sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Trong tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước phải triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành.
Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành… đã có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để nắm bắt tình hình khó khăn, định hướng thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thách thức nhiều hơn cơ hội
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy, từ cuối năm đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%. Đăc biệt, tại các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Nhận Bản. số lượng đơn hàng giảm rất mạnh. “Dù có nhiều cơ hội nhưng hiện sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản đối mặt nhiều thách thức, các thị trường xuất khẩu bị co hẹp đáng kể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Trước thực tế này, người đứng đầu Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo về chính sách, hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ duy trì sản xuất, thúc đẩy giao thương… Cụ thể, cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam; xây dựng và trình Chính phủ chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản; quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp để đảm bảo sản xuất phát triển, bảo đảm môi trường sinh thái xanh, góp phần phòng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững…
Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023… để hỗ trợ doanh nhiệp (DN). Bộ Công Thương tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường Quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại với các hiệp hội ngành hàng và DN để hỗ trợ thông tin về chính sách, thị trường tại các quốc gia, giữ vững thị phần ở thị trường chủ lực song song với việc tìm kiếm cơ hội ở các thị trường ngách.
Ưu tiên hỗ trợ tài chính cho DN
Để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho DN, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu tiên tín dụng cho công tác sản xuất kinh doanh, thủy sản, lâm sản; chủ động cung cấp vốn tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất vay, nhất là các DN xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong ngành tiếp cận vốn tín dụng để thúc đẩy sinh kế cho nông – ngư dân. Quan trọng nhất là thực hiện đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.
Bên cạnh bài toán tài chính, để giải quyết mục tiêu nâng cao nội lực cho các DN trong ngành, Thủ tướng cũng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong lúc này, các DN cần chủ động vươn lên, tự thiết kế sản phẩm có mẫu mã độc đáo, đa dạng; nâng cao chất lượng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vai trò của các hiệp hội trong giai đoạn này hết sức quan trọng và cần thiết để ngành có thể tìm được sự hỗ trợ kịp thời trước những thách thức mới từ thị trường toàn cầu. Do đó, thời gian tới, hiệp hội cần làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa các DN trong hiệp hội và các hiệp hội khác. Tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vượt khó.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng kinh tế Việt Nam dù nhiều tiềm năng nhưng vẫn đang đứng trước những thách thức lớn. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu bên cạnh sự chủ động từ phía DN, các cơ quan ban ngành cần mở rộng ngoại giao, tăng cường hợp tác và tìm kiếm các thị trường mới, tạo thêm cơ hội cho DN sản xuất có được đầu ra.
Năm 2022, ngành nông nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng vượt chỉ tiêu với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,36%, mức cao nhất trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, duy trì trong Top 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
MINH KIÊN