Việc thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm từ 30 đến 50% hóa đơn tiêu thụ điện. Tại khóa đào tạo Xu hướng phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành chế biến gỗ, thuộc dự án Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho DN ngành gỗ Việt Nam, kỹ sư Trần Đăng Nhơn đã có những tư vấn cụ thể cho việc thực hành tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung trong nhà máy.
Để khuyến khích giảm phụ tải, cân bằng lưới điện, nhà cung cấp điện không cào bằng mà đã đưa ra 3 khung giá tiêu thụ điện đối với DN sản xuất. Thời gian đầu triển khai là thách thức lớn vì chi phí tiêu thụ điện tăng do khung giá giờ cao điểm được nâng lên. Tuy nhiên, khi thích ứng được với yêu cầu mới, khung giá này lại là lợi thế. Nguyên nhân là nhờ DN có kế hoạch sử dụng máy móc hợp lý, sắp xếp hoạt động sản xuất tránh tiêu thụ điện giờ cao điểm, từ đó giảm chi phí tiền điện cho DN.
Điểm vàng giờ cao điểm
Quy định giờ cao điểm tiêu thụ điện là từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 sáng, chiều từ 17 giờ đến 20 giờ gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, ngày chủ nhật không có giờ cao điểm. Để tránh khung giờ này mà không ảnh hưởng đến sản xuất, DN cần theo dõi 1 thiết bị hoạt động trung bình bao nhiêu thời gian/ngày. Khi đã biết tổng thời gian hoạt động của thiết bị, đội ngũ quản lý sản xuất sẽ đưa ra lịch trình chạy máy, sao cho thời gian nghỉ của máy trùng vào khung giờ cao điểm. Chuyền sản xuất của DN chế biến gỗ luôn có sự tham gia của con người, khoảng thời gian nghỉ của máy nên được tận dụng cho việc chuẩn bị từ phía công nhân như: di chuyển, tiếp tế và sắp xếp nguyên phụ liệu sẵn sàng để tránh được tình trạng máy non tải, không tải khi chuyền hoạt động.
Thực tế, sắp xếp lại kế hoạch sản xuất có thể giúp DN tiết kiệm khoảng 10% chi phí năng lượng. Với hóa đơn tiền điện giảm lên đến hàng tỷ đồng/tháng, giảm tiêu thụ điện trong giờ cao điểm, sa thải các phụ tải không cần thiết vào giờ cao điểm giúp DN có thể tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm, giảm được chi phí đầu vào. Do vậy, chuyển đổi cơ cấu sản xuất tránh giờ cao điểm là rất cần thiết.
Động cơ hiệu suất cao
Sử dụng thiết bị hiện đại giúp tiết kiệm điện là ưu tiên hàng đầu và thuận lợi nhất. Động cơ hiệu suất cao kích thước nhỏ gọn, tuổi thọ cao, giảm nhiệt độ, giảm tiếng ồn, tiêu thụ ít điện năng nhưng đắt tiền. Nếu được lựa chọn từ ban đầu thì sẽ giúp DN tiết kiệm năng lượng. DN có thể lựa chọn kích cỡ sao cho hoạt động vận hành đạt từ 65% đến 100% công suất định mức và xem xét thay thế động cơ khi tải nhỏ hơn 40% công suất định mức. Nguyên tắc hàng đầu trong việc lựa chọn thiết bị là động cơ phải phù hợp với đặc điểm tải, nâng cao chất lượng tiêu thụ điện năng.
Tuy nhiên, với một nhà máy, câu chuyện đầu tư thiết bị tối tân không hề dễ dàng. Các nhà máy chế biến gỗ Việt Nam phần nhiều đã có lịch sử hơn 20 năm gây dựng. Thông thường, các DN đầu tư theo dạng cuốn chiếu, tùy theo đơn hàng và yêu cầu từ thị trường mà mua sắm trang thiết bị theo phương châm “liệu cơm gắp mắm” nên sẽ khó có được tính đồng bộ.
Một cơ hội tiết kiệm năng lượng khác cho nhà máy là kiểm soát hiệu quả máy nén khí, cụ thể là áp suất khí nén và công suất tiêu hao. Khảo sát thực tế các nhà máy cho thấy, ngay cả nhà máy hiện đại như Happy Furniture cũng bị rò rỉ 15% khí nén. Có DN rò rỉ đến hơn 80% khí nén, mức lãng phí đáng báo động. Hiện trạng phổ biến trong các nhà máy hiện nay là cài đặt áp cao và rò rỉ khí nén khiến máy nén khí tiêu thụ điện năng cao hơn mức cần thiết. Do vậy, thiết kế hệ thống máy nén khí áp thấp mà vẫn duy trì được sản xuất sẽ giúp tiết kiệm điện ở máy nén khí. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm về việc sụt áp trên đường ống lớn. Để quản lý được tiêu thụ năng lượng ở các máy nén khí, việc thiết kế lắp đặt ban đầu phải hợp lý. Với hệ thống máy nén khí đã được lắp đặt, DN cần dành thời gian tổ chức lại. Chỉ riêng việc đơn giản như vặn siết lại các van dẫn khí cũng đã giúp DN tối ưu được hiệu suất của các máy nén khí.
Còn khá nhiều giải pháp tiết kiệm tiêu thụ năng lượng cho DN chế biến gỗ khác như quản lý hệ thống điều hòa không khí khối văn phòng, quản lý hệ thống lò hơi…. Phần lớn hệ thống lò hơi ở các nhà máy chế biến gỗ Việt Nam đã cũ. Đầu tư lò hơi mới hiệu suất cao, kiểm soát và tối ưu vận hành lò hơi cũng giúp DN giảm được nhiên liệu cho lò hơi, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sử dụng nhiên liệu đốt thân thiện với môi trường, biomass, hay tận dụng gỗ thải, mùn cưa trong hoạt động sản xuất cũng sẽ hỗ trợ DN tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Để đưa ra được một chiến lược tiết kiệm năng lượng hiệu quả, DN cần có thời gian ngồi lại, xem xét cụ thể từng bộ phận, kiểm kê tiêu năng lượng trong mọi hoạt động của DN để có được giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Có thể, hoạt động này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhưng chắc chắn, khi đã quản lý năng lượng tiêu thụ hiệu quả, lợi thế cạnh tranh của DN sẽ được nâng lên.
Giải pháp tiết kiệm cho động cơ điện:
Xây dựng kế hoạch bảo trì bảo dưỡng thiết bị điện, nước chi tiết để quản lý thiết bị hiệu quả.
Duy trì hệ số công suất máy biến bằng cách lắp tụ bù.
Chọn động cơ có công suất phù hợp để tránh hiệu quả sử dụng kém.
Thay các động cơ hỏng, quá tải hoặc non tải thành động cơ hiệu suất cao.
Sử dụng động cơ servo.
Sử dụng bộ biến tần cho các động cơ phù hợp.
Sử dụng bộ tiết kiệm cho động cơ.
Thực tế DN gỗ thường có mặt bằng tầng mái nhà xưởng khá rộng nên tiềm năng lắp hệ thống điện mặt trời là rất lớn. Nếu có chính sách phù hợp, ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt NetZero vào năm 2050.
Kỹ sư Trần Đăng Nhơn – Giám đốc Công ty Năng lượng sạch Ân Đan