Thị trường gỗ kỹ thuật ước tính sẽ đạt 61,61 tỷ USD vào cuối năm 2033, mức dự đoán cho năm 2023 là 24,86 tỷ USD. Đức là quốc gia dẫn đầu về các giải pháp gỗ kỹ thuật tiên tiến và vật liệu xây dựng bền vững, đáp ứng nhu cầu kiến trúc và xây dựng đa dạng.
Gỗ kỹ thuật” còn được gọi là “gỗ composite” hoặc “gỗ nhân tạo”, dùng để chỉ loại nguyên liệu gỗ được hình thành bằng cách nối hoặc ghép các tao gỗ, sợi gỗ, veneer hoặc các hạt gỗ lại với nhau bằng chất kết dính, resin hoặc các phương thức khác. Do có nhiều ưu điểm so với gỗ nguyên khối truyền thống, chẳng hạn độ bền, độ ổn định và tính bền vững đều cao hơn, nên hoạt động kinh doanh gỗ kỹ thuật đang mở rộng nhanh chóng.
Nhiều ưu điểm
Thị trường sản phẩm gỗ kỹ thuật đang được điều hướng bởi nhu cầu ngày càng tăng về vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, hoạt động xây dựng bền vững. Ngoài ra, gỗ kỹ thuật mang lại hiệu quả về chi phí và tính linh hoạt, khiến nó trở thành lựa chọn ưu tiên cho các ngành công nghiệp khác nhau như xây dựng, nội thất, sàn và đóng gói.
Khi người tiêu dùng ngày càng chú ý đến vấn đề môi trường, nhu cầu với những vật liệu xây dựng “xanh” như gỗ kỹ thuật càng tăng nhanh. Những tiến bộ liên tục trong công nghệ sản xuất như máy móc điều khiển bằng máy tính và kỹ thuật chính xác đang cải thiện chất lượng và hiệu suất của các sản phẩm gỗ kỹ thuật. Những đổi mới này cũng giúp giảm chi phí và mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Xu hướng đô thị hóa toàn cầu cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu về vật liệu xây dựng lâu bền, giá cả phải chăng. Gỗ kỹ thuật, với đặc tính ổn định và chi phí thấp hơn gỗ nguyên khối, đang trở thành một giải pháp hấp dẫn cho các nhà xây dựng và phát triển ở khu vực thành thị. Việc sử dụng gỗ kỹ thuật trong các hệ thống xây dựng làm sẵn cũng đang trở nên phổ biến do dễ lắp đặt, giảm thời gian xây dựng và giảm chất thải. Xu hướng này đặc biệt phổ biến trong các dự án xây dựng khu dân cư và thương mại.
Khả năng tăng trưởng cao
Thị trường gỗ kỹ thuật toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ CAGR là 9,5% trong giai đoạn dự báo (2023 đến 2033). Nhu cầu về các sản phẩm gỗ chế biến từ glulam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,5% trong 10 năm tới.
Sự gia tăng các hoạt động xây dựng nhà ở và thương mại, cùng với mức độ tập trung ngày càng tăng vào các hoạt động xây dựng bền vững, đang thúc đẩy doanh số sản phẩm gỗ kỹ thuật tại Hoa Kỳ. Thị trường này đón nhận gỗ kỹ thuật vì các lợi thế sau:
Tính bền vững: Thị trường gỗ kỹ thuật đang có sự tăng trưởng đáng kể là nhờ nhu cầu ngày càng tăng về vật liệu xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường. Gỗ kỹ thuật thường được làm từ các loại gỗ phát triển nhanh và có thể tái tạo, khiến nó trở thành một lựa chọn có trách nhiệm với môi trường.
Đô thị hóa và xây dựng: Các hoạt động xây dựng và đô thị hóa nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh, đang thúc đẩy nhu cầu về gỗ kỹ thuật, vì đây là một loại vật liệu xây dựng dễ tìm và tiết kiệm chi phí.
Những tiến bộ trong công nghệ: Những đổi mới công nghệ liên tục trong quy trình sản xuất gỗ kỹ thuật đang mang lại chất lượng cao hơn và cung cấp sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng được nhiều nhu cầu xây dựng khác nhau.
Hỗ trợ pháp lý: Các quy định, sáng kiến của chính phủ thúc đẩy thực hành xây dựng bền vững và sử dụng vật liệu xây dựng xanh đang ảnh hưởng tích cực đến thị trường gỗ kỹ thuật.
Chiến lược chiến thắng
Doanh số sản phẩm gỗ kỹ thuật của Đức ước tính sẽ tăng với tốc độ CAGR là 7% trong giai đoạn 2023-2033.Thị trường sản phẩm gỗ kỹ thuật tại Nhật Bản dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ CAGR là 5,5% cho đến năm 2033. Trước khả năng tăng trưởng cao của ngành, các nhà sản xuất sản phẩm gỗ kỹ thuật không ngừng khám phá các công thức mới và thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các công ty chính trên thị trường cũng đang tập trung vào việc mở rộng địa bàn và hợp tác để tăng lượng khách hàng.
Để sản xuất các sản phẩm gỗ tiên tiến, các công ty lớn trên thị trường gỗ kỹ thuật cũng đang đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển. Một số công ty quan trọng đang thiết lập các liên minh chiến lược và hợp tác với các doanh nghiệp khác dọc theo chuỗi giá trị để tận dụng kỹ năng và nguồn lực bổ trợ của họ. Ngoài ra, sự tăng trưởng trong khu vực đang cho phép họ đa dạng hóa nhóm khách hàng, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số lĩnh vực nhất định.
Tháng 10/2022, Boise Cascade – nhà sản xuất các sản phẩm gỗ và phân phối bán buôn vật liệu xây dựng của Mỹ, mua 4,67 mẫu đất gần chi nhánh của họ ở Albuquerque, New Mexico để mở rộng trung tâm phân phối. West Fraser, một công ty lớn chuyên về sản phẩm gỗ có cơ sở ở miền Tây Canada và miền Nam Hoa Kỳ, đã mua lại Norbord Inc. vào tháng 2/2021. West Fraser sản xuất MDF (ván sợi mật độ trung bình), LVL (gỗ dán veneer nhiều lớp), ván ép, dăm gỗ, bột giấy, giấy in báo, năng lượng,… Tháng 12/2022, Boise Cascade mua 18,2 hecta ở Walterboro, Nam Carolina và một mảnh đất rộng 13,8 hecta ở Hondo, Texas, đồng thời mở rộng cơ sở phân phối tại hai thị trường địa phương mới này.
Hiệp Ca (Nguồn: www.newstrail.com)
Những lợi ích của gỗ kỹ thuật
Sức mạnh và độ bền: Các sản phẩm gỗ kỹ thuật được thiết kế để chắc chắn và bền hơn gỗ tự nhiên, khiến chúng trở thành vật liệu lý tưởng cho các ứng dụng kết cấu.
Độ ổn định về kích thước: Gỗ kỹ thuật ít bị cong vênh, xoắn hoặc tách, đảm bảo độ ổn định lâu dài và giảm chi phí bảo trì.
Tính linh hoạt: Gỗ kỹ thuật có nhiều hình thức khác nhau, cho phép ứng dụng linh hoạt vào xây dựng, sản xuất nội thất và thiết kế nội thất.
Tính bền vững: Việc sử dụng những loại gỗ phát triển nhanh và thực hành lâm nghiệp có trách nhiệm trong sản xuất gỗ kỹ thuật góp phần tạo nên danh tiếng thân thiện với môi trường.