,

Gỗ mềm Hoa Kỳ: Lựa chọn mới

Cuối tháng 9/2023, đại diện hơn 50 doanh nghiệp thành viên HAWA đã có buổi kết nối thân mật với đoàn doanh nghiệp cung ứng gỗ mềm thuộc Hội đồng Xuất khẩu gỗ mềm Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp đã có điều kiện tìm hiểu những thông tin thú vị về gỗ mềm, từ chủng loại, màu sắc, thuộc tính… đến khả năng cung ứng từ thị trường Mỹ.

 

Tối ưu hóa giá trị nguyên liệu gỗ

Việt Nam là nhà cung ứng đồ nội thất lớn nhất cho người dùng Mỹ, đồng thời là thị trường hấp thu nguyên liệu gỗ lớn nhất của Hoa Kỳ. Bà Nina Phạm, chuyên gia phát triển thị trường quốc tế, Phòng Nông nghiệp đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, mục tiêu xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Mỹ đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà sản xuất đồ nội thất Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Jerry Hingle, chuyên gia Hội đồng Xuất khẩu gỗ mềm Hoa Kỳ cho biết, nhờ chính sách phát triển rừng bền vững, tăng trưởng gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ đã vượt quá sản lượng khai thác kể từ năm 1940. Do vậy, nhu cầu xuất khẩu nguyên liệu gỗ của Mỹ khá cao. Bên cạnh các lựa chọn gỗ cứng quen thuộc, với sản lượng khai thác lên đến hơn 89 triệu mét khối trong năm 2022, gỗ mềm Hoa Kỳ là lựa chọn mang tính mới mẻ cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất Việt Nam với nhiều lựa chọn như: Huyết dụ, linh sam, thông miền Nam, bạch tùng miền Đông…

Hoa Kỳ có một loạt các luật liên bang và tiểu bang quản lý tính bền vững, hợp pháp và quản lý môi trường. Tương tự gỗ cứng, gỗ mềm Hoa Kỳ đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác hợp pháp, hỗ trợ lâm nghiệp bền vững để xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ nội thất chính của Việt Nam, bao gồm: Quy định không phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), đạo luật cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp của Mỹ (Lacey Act), đạo luật cấm khai thác gỗ trái phép của Úc (Australia Illegal Prohibition Act), đạo luật gỗ sạch của Nhật Bản (Japan Clean Wood Act)…

Dựa trên cơ sở phân loại thực vật ở góc độ khoa học chứ không phải độ cứng, có những loài được xếp loại gỗ mềm nhưng lại có độ cứng lớn hơn gỗ cứng. Trên thực tế, gỗ mềm đã được ứng dụng trong sản xuất nội thất từ khá lâu nhờ vân gỗ đẹp, độ bền đã được thử nghiệm… Các tiêu chuẩn phân loại gỗ mềm được áp dụng chủ yếu bao gồm: kết cấu, mặt gỗ, tỷ lệ gỗ sạch, không mắt, lõi. Với gỗ mềm Hoa Kỳ, nguyên liệu này còn được nâng lên một tầm cao mới bởi đầu tư công nghệ chế biến nguyên liệu gỗ ở quốc gia này khá bài bản. Theo ông Jerry Hingle, công nghiệp chế biến gỗ ở Mỹ hiện nay được ứng dụng sản xuất thông minh với những xưởng cưa tối ưu hóa có khả năng chụp cắt lớp thân cây, đo chính xác kích thước mắt gỗ, hình dạng, công nghệ phân tích hình ảnh… để mọi bộ phận của cây đều có thể tận dụng, từ việc làm nội thất, làm viên nén, làm ván ép… “Trung bình một dây chuyền chế biến gỗ ở nhà máy đầu tư lên đến 250 triệu USD. Chúng tôi đầu tư công nghệ cao để tối ưu hóa giá trị của nguyên liệu gỗ”, ông nói.

Ứng dụng rộng rãi

Nhờ xử lý tốt ở khâu chế biến, ứng dụng gỗ mềm Hoa Kỳ được phổ biến rộng rãi từ việc làm nội, ngoại thất đến cả ván sàn ngoài trời ở thị trường thế giới. Điển hình là Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thậm chí là các quốc gia vùng biển Caribe với khí hậu khắc nghiệt.

Sự phong phú của gỗ mềm Hoa Kỳ mang đến cho các nhà thiết kế khá nhiều cảm hứng. Ví dụ, linh sam Douglas có vân và màu sắc đẹp cùng với khả năng chịu lực lớn nên thường được dùng làm ván sàn, trụ dầm, cầu, cấu trúc công trình. Hemfir là loại gỗ màu sắc đẹp, khả năng gia công chính xác dễ dàng nên dùng làm cửa, nội thất trong nhà hay tường gỗ. Với các loài thông, ứng dụng cũng rất khác nhau. Nếu như thông miền Tây và thông trắng miền Đông có thể dùng làm nội thất, ván sàn, tấm ốp tường… do màu sắc sáng đẹp, vân mịn thẳng thì thông vàng miền Nam có tỷ trọng gỗ cao nên sở hữu độ bền cao, khả năng chống va đập, mài mòn cao nên phù hợp khi làm ngoại thất, ván sàn, công trình…

Ông Nick Clark, Chủ tịch Nick Clark Design cho biết, gỗ mềm có khả năng ứng dụng rộng rãi trong việc sản xuất nội – ngoại thất, đặc biệt là nội thất cao cấp. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông chủ yếu lựa chọn gỗ mềm cho các thiết kế của mình. Tuy nhiên, công tác lựa chọn nguyên liệu được ông chú trọng rất lớn. Cụ thể, ông sẽ dành nhiều thời gian xem xét vân gỗ, nghiên cứu thuộc tính tự nhiên của loài rồi mới đưa vào thiết kế cho phù hợp. “Nội thất gỗ phải biểu thị được vẻ đẹp tự nhiên của chính nguyên liệu gỗ. Gỗ mềm Hoa Kỳ cho tôi có những lựa chọn phù hợp với các thiết kế của mình”, ông Nick Clark nói.

Minh Khuê

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác