Lan Nhã
Tình trạng tồn kho gây khó khăn cho các nhà bán lẻ, kể cả sản phẩm nội thất. Phía sau những kho hàng đang được lấp đầy này có thông điệp gì?
Trong mua bán, doanh nghiệp thường giữ chiến lược quản lý hàng tồn kho theo cách đúng lúc và kịp thời. Lý tưởng là tích trữ vừa đủ sản phẩm trên kệ và trong kho để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian dự phòng tương đối ngắn.
Từ sau đại dịch Covid -19, các nhà bán lẻ chuyển sang tích trữ nhiều hơn vì lo ngại đứt gãy chuỗi cung, không có hàng để bán. Nói cách khác, thay vì nhập hàng vừa đủ bán thì giờ đây các nhà bán lẻ đã nhập nhiều hơn, tăng lượng hàng tồn kho để phòng khi khan hiếm hàng hóa. Lý do là không ai có thể biết được chuỗi cung ứng có thể đứt gãy lúc nào, giá vật liệu đầu vào của sản phẩm và chi phí vận chuyển tăng vọt ra sao do hậu quả của dịch bệnh.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn kho cao hiện nay. Nhận định về việc này, giáo sư Nicole DeHoratius thuộc Đại học Chicago cho biết các nhà bán lẻ gặp bế tắc với lượng hàng tồn kho dư thừa này vì họ đã dự báo không chính xác chi tiêu của người tiêu dùng. Bà giải thích: “Chúng tôi hay nói với nhau rằng các dự báo luôn sai. Bình thường đưa ra dự báo đã khó, và trong giai đoạn này thì việc đó lại càng khó hơn”.
Hàng nằm chờ người mua
Theo trang thương mại Market Place, một số nhà bán lẻ lớn gặp khó khăn do tồn đọng quá nhiều hàng hóa. Họ đang tìm mọi cách để giải tỏa. Chuyên gia phân tích Steph Wissink thuộc Tập đoàn Tài chính Jefferies nói rằng Walmart, Target và một số nhà bán lẻ lớn khác hiện có quá nhiều hàng tồn đọng, không chỉ trong nhà kho mà ngay tại cửa hàng. Ông Wissink nhận xét người tiêu dùng đã mua rất nhiều thứ trong đại dịch như nội thất văn phòng và đồ trang trí nhà cửa. “Các thiết bị nhà bếp, những thứ để trên mặt bàn và ngăn kéo, thậm chí quần áo và vật dụng khác còn tồn đọng rất nhiều. Kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng ít quan tâm đến việc mua các loại hàng hóa đó mà chú trọng nhiều hơn đến các dịch vụ như đi ăn bên ngoài, du lịch”- chuyên gia Wissink nói.
Có cùng suy nghĩ, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Nebraska, bà Jennifer Ryan nhận định: “Người dân không còn ở nhà nhiều, họ không mua đồ gia dụng. Họ sẽ đi ăn nhà hàng, họ trở lại văn phòng”. Nhiều thông tin cho biết Walmart và Target đang chuyển sang lưu trữ thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu khác. Target đang có nhiều thứ, từ đồ nội thất đến thiết bị nằm trong kho nhưng rất ế ẩm.
Tình trạng hàng tồn kho gây tổn hại đáng kể cho các nhà bán lẻ. Theo chuyên gia Mickey Chadha, thuộc công ty xếp hạng tín dụng trái phiếu Moody’s Investors Service, hàng tồn kho làm đội chi phí lên. Ngoài chi phí về không gian lưu trữ, nhiều khoản tốn kém khác như kiểm kê, bảo quản… phát sinh thêm trong thời gian dài.
“Một trong những biện pháp khả thi nhất để “giải phóng hàng tồn kho” là giảm giá – cách hoàn toàn bất lợi cho doanh nghiệp trong hạch toán nhưng có lợi cho người tiêu dùng”
Walmart và Target và vài nhà bán lẻ khác gần đây đã cảnh báo cổ đông của họ rằng họ đã tích trữ quá nhiều hàng. Hồi tháng 5, Walmart tuyên bố gần 20% hàng tồn kho là những sản phẩm mà công ty không muốn giữ lại nữa. Còn tình hình ở Target cũng không khá hơn. Hiện Target không muốn đặt thêm sản phẩm bàn ghế ngoài trời vì lượng tồn kho khá lớn. Các nhà quản lý thừa nhận có những sản phẩm lỗi thời, qua mùa sử dụng và việc bán hàng giảm giá có thể là một cách nhằm loại bỏ một số mặt hàng có khả năng không còn được ưa chuộng nữa.
Người tiêu dùng có cơ hội
Một trong những biện pháp khả thi nhất để “giải phóng hàng tồn kho” là phải giảm giá – cách hoàn toàn bất lợi cho doanh nghiệp trong hạch toán. Nhà phân tích nghiên cứu về người tiêu dùng Brian Yarbrough, thuộc công ty đầu tư Edward Jones nhận định: “Có thể bạn phải giảm giá 20%, có thể 40% hoặc 50% để có thể hấp dẫn người tiêu dùng. Và khi bạn làm cách đó, lợi nhuận sẽ bị siết chặt, hoặc khi giảm quá nhiều, bạn phải bù lỗ đáng kể cho những sản phẩm ấy”. Tuy vậy biện pháp này có lợi cho người tiêu dùng. Họ sẽ có cơ hội sở hữu những món hàng tốt với giá rẻ mà trước đây chưa từng có được.
Dù tình trạng hàng tồn đọng xảy ra ở nhiều nhà bán lẻ nhưng trong thực tế vẫn có một số doanh nghiệp không thể lấp đầy kệ hàng và nhà kho như đánh giá của Market Place. Có những mặt hàng thừa, nhưng cũng có những mặt hàng thiếu. Bà Piegza chỉ ra: “Ở một số doanh nghiệp, tình trạng tồn đọng đơn đặt hàng và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục”.
Do vậy, câu chuyện về việc nhà bán lẻ nào đang bán sản phẩm gì trong nền kinh tế khó dự báo hiện tại và sự chi tiêu khó đoán của khách hàng vẫn chưa kết thúc. Có một số người tiêu dùng đang cắt giảm nhưng cũng có những người chi tiêu rất nhiều – ví dụ như vé máy bay, khách sạn và một số sản phẩm hay dịch vụ khác. Vì vậy, quyết định những gì sẽ lên kệ bán hàng ngay bây giờ và trong vài tháng tới không phải là câu chuyện dài mà là một câu đố.