Khoảng 177.000 hecta rừng ở các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3, ngành gỗ chịu nhiều ảnh hưởng.
Sáng 24-9, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị bàn giải pháp khôi phục, ổn định sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau cơn bão số 3.
Hơn 170.000 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, tính đến 16 giờ ngày 23-9, tổng số có 13 tỉnh, thành phố bị thiệt hại về rừng với diện tích gần 170.000 ha. Diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt.
Trong đó, 4 địa phương thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh (hơn 110.000 ha), Bắc Giang (hơn 26.000 ha), Lạng Sơn (gần 20.000 ha), Hải Phòng (hơn 10.000 ha).
Về thiệt hại của các doanh nghiệp gỗ, hiện các địa phương chưa có thống kê chính thức, nhưng theo thống kê nhanh của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp bị thiệt hại chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất ván dán, dăm gỗ và viên nén gỗ.
Thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp hội viên thuộc ba chi hội gỗ dán, dăm gỗ, viên nén khoảng trên 510 tỉ đồng. Trong đó, chi hội gỗ dán thiệt hại 130 tỉ đồng, chi hội viên nén gỗ 70 tỉ đồng, chi hộ dăm gỗ trên 310 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số dự án lâm nghiệp do Ngân hàng thế giới tài trợ với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cũng bị thiệt hại.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá với thiệt hại này dự báo lượng gỗ nguyên liệu cung cấp trong ngành chế biến gỗ sẽ chịu nhiều tác động. Cụ thể, gần 12 triệu m3 gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại.
Ngoài ra, chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, giá cao, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Đơn cử tại tỉnh Bắc Giang, giá gỗ nguyên liệu giảm khoảng 370 ngàn đồng/tấn so với thời điểm trước khi bão số 3 xảy ra, bình quân các chủ rừng thất thu khoảng 47 triệu đồng/ha.
Các dự báo cũng cho thấy nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu trong những năm tới. Vì với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm, trong khi đó các diện tích bị gãy đổ do bão phải trồng lại rừng phải 5-7 năm mới khai thác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc, ván dán bị thiệt hại tới máy móc, thiết bị, sản phẩm và cơ sở hạ tầng. Ước tính giá trị xuất khẩu dăm gỗ, viên nén và các loại ván năm 2024 có thể giảm khoảng 300 triệu USD.
Đề xuất có chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất
Để đẩy nhanh hoạt động khôi phục, ổn định sản xuất lâm nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản sau cơn bão số 3, Cục Lâm nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT một số giải pháp.
Một là đề xuất Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương xây dựng phương án tiêu thụ gỗ nguyên liệu bị gãy đổ, phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ sớm phục hồi sản xuất.
Hai là Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các sở/ngành địa phương bị ảnh hưởng bão, lũ khẩn trương có các hoạt động chia sẻ bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, đặc biệt là trồng lại diện tích rừng bị thiệt hại và hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới.
Ba là đề xuất Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng sản xuất.
Đối với các dự án lâm nghiệp bị ảnh hưởng do cơn bão, Cục Lâm nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục đánh giá và hoàn thiện hồ sơ thiệt hại rừng trồng các dự án; xây dựng phương án điều chỉnh thiết kế trình nhà tài trợ và Bộ phê duyệt để trồng lại rừng ngập mặn khi điều kiện về thời tiết và thủy triều ổn định.
Bộ NN&PTNT đề nghị các đối tác quốc tế tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, phục hồi, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư sống gần rừng. Các nhà tài trợ xem xét điều chỉnh kế hoạch hoạt động và dự toán ngân sách để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3; cho phép điều chỉnh các dòng ngân sách hoặc sử dụng ngân sách dự phòng để hỗ trợ việc trồng lại rừng bị thiệt hại.
Nguồn: Báo Pháp Luật