Có thể tận dụng triệt để, từ việc làm nguyên liệu sản xuất đồ nội thất đến các phế phẩm, keo tràm ngày càng được các doanh nghiệp trong ngành đón nhận. Nhưng, làm thế nào để phát huy giá trị lớn nhất của nguyên liệu này vẫn là bài toán khó.
Động lực thúc đẩy ngành
Năm 2011, Công ty TNHH Kẻ Gỗ chính thức tham gia xuất khẩu sản phẩm gỗ với mặt hàng thế mạnh là ván ép. Mười năm sau, công ty đã tạo được dấu ấn ở hơn 30 thị trường nhập khẩu. Trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Đức, Pháp, New Zealand, Nhật… Sản phẩm xuất khẩu chính hiện nay của Kẻ Gỗ là dao, muỗng, nĩa dùng một lần. Đáng chú ý, nguyên liệu chính để sản xuất nên những sản phẩm này hoàn toàn từ rừng trồng Việt Nam. “Chúng tôi sử dụng gỗ keo. Khách hàng đánh giá rất cao giải pháp nguyên liệu này”, ông Trịnh Đức Kiên – Phó giám đốc công ty nói về chọn lựa của Kẻ Gỗ như vậy.
Theo ông Kiên, Đức là thị trường đầu tiên nhập khẩu dao, muỗng, nĩa, dùng một lần từ gỗ keo. Nay, sản phẩm đã được dùng trong các nhà hàng, khách sạn… ở hơn 10 quốc gia và thị trường trong nước cũng đang bắt đầu đón nhận. Trước tiềm năng lớn của keo, đại diện Kẻ Gỗ rất mong các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành tiếp tục mở rộng nghiên cứu, mở rộng ứng dụng của gỗ loại nguyên liệu gỗ bản địa này.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàn Lộc – Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty Tekcom cũng cho rằng, keo tràm hiện là cây nguyên liệu bản địa có khả năng trở thành động lực thúc đẩy ngành phát triển. Độ tuổi khai thác không quá lâu, chỉ cần hơn 7 năm trong khi cao su phải hơn 15 năm mới khai thác được tốt. “Mỗi quốc gia thường có loại cây đặc trưng, mang tính biểu tượng và có giá trị kinh thế. Cây keo hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các loại cây phương tây hay các loài thực vật bản địa ở các quốc gia trong khu vực”, ông Lộc khẳng định.
Đột phá từ đâu?
Thực tế, ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn được đánh giá lợi thế ở mặt nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển chung, từ nay đến 2030, chi phí lao động sẽ không còn lợi thế như hiện tại. DN trong ngành đứng trước hai lựa chọn để có lợi thế cạnh tranh. Bao gồm: di chuyển vùng nguyên liệu, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hay ứng dụng công nghệ để giảm phụ thuộc lao động. Ông Lộc góp ý: “Để cây keo, tràm bước ra thế giới, rất cần sự hỗ trợ từ phía chính sách, phải có sản phẩm làm từ nguyên liệu gỗ bản địa đủ tốt và xây dựng hình ảnh bài bản, truyền thông rộng rãi với người dùng thế giới thì mới có thể tạo lợi thế cạnh tranh với các loại nguyên liệu đã định hình trên thị trường toàn cầu”.
Bên cạnh giá trị khai thác làm đồ nội thất, ông Nguyễn Thanh Phong – Chi hội Viên nén, cho biết gỗ rừng trồng trong nước còn có thể ứng dụng sản xuất nguyên liệu sinh khối, cụ thể là viên nén. Giá trị xuất khẩu viên nén năm 2023 đạt gần 700 triệu USD. Trước xu hướng tiêu dùng xanh, thị trường viên nén thời gian tới sẽ phát triển rất mạnh toàn cầu, ngay trong nước cũng sẽ phát triển. Thế nhưng nguyên liệu sản xuất viên nén chính là sử dụng các phế phẩm của ngành gỗ, cơ hội tận dụng keo tràm sản xuất viên nén rất lớn.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland cũng cho rằng, với các DN chế biến gỗ, việc dùng gỗ rừng trồng trong nội thất khá thú vị. Đây là nguyên liệu không bỏ phí gì, có thể khai thác sản xuất nội thất đến các phế phẩm. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn của thế giới nhưng chất lượng rừng trồng chưa ổn, rừng trồng phục vụ DN khai thác sâu là không có. Lâm dân không đợi được 8 đến 10 năm để có giá trị lợi nhuận cao hơn mà thường khai thác sớm, rất khó tìm được rừng gỗ đủ tuổi đó để làm nội thất. Do vậy, rất cần chính sách khuyến khích để giữ rừng trồng cho chế biến gỗ thay vì “bán lúa non” như hiện nay.
Không dừng lại ở đó, theo bà Tuyết, hơn 10 năm trước, khách hàng đã hỏi đến chứng chỉ FSC, tính minh bạch nguồn gốc nguyên liệu gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, đặc thù sở hữu của lâm dân thường có diện tích dưới 1 ha. Do vậy, cần phải hỗ trợ họ liên kết cộng gộp các diện tích trồng để có chứng chỉ. Đồng thời, DN cần tư vấn, có chính sách thu mua giá cao hơn để người dân có động lực theo các tiêu chuẩn FSC. Kinh nghiệm ở vùng nguyên liệu Tuyên Quang, Woodsland đã phối hợp với lâm dân, chọn mua nguyên liệu có giá cạnh tranh tốt hơn để họ có động lực. Tuy nhiên, DN vẫn hết sức quan ngại về độ sẵn có của nguyên liệu rừng trồng trong nước. “Chúng tôi hy vọng chủ trương của Nhà nước sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho rừng trồng gỗ lớn. Mong các cơ quan quản lý quy hoạch được các vùng rừng trồng lớn, rừng “sạch” không bị chồng lấn với rừng tự nhiên vì hiện thị trường châu Âu cũng đã áp dụng truy xuất tính minh bạch của các vùng địa lý trồng rừng”, bà Tuyết nói.
Trước thực tế con đường để đưa Acacia ra toàn cầu rất cần sự chung tay của nhiều bên, từ đơn vị quản lý, hoạch định chính sách, địa phương và DN, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, trước mắt mỗi DN cần chủ động để tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên nước nhà. Bởi cơ chế, chính sách và quyết tâm từ phía Nhà nước để phát triển thêm lợi thế cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có và đã triển khai.
Hoàng Oanh