,

Kết nối sáng tạo

Với xuất phát điểm là gia công, định hướng gia tăng hàm lượng sáng tạo để có thể tham gia các phân khúc cao hơn trên chuỗi cung ứng mà ngành nội thất Việt Nam đang hướng đến là hoàn toàn đúng đắn. Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Lâm Việt, hành trình này có thể rút gọn và đạt hiệu quả nếu doanh nghiệp (DN) thiết lập được những kết nối sáng tạo.

 

* Sau thời gian nhiều thử thách, việc đơn hàng trở lại nhiều hơn từ đầu năm 2024 khiến DN trong ngành phấn khởi. Ông đánh giá thế nào về tín hiệu tích cực này?

– Từ cuối năm 2023, đơn hàng đã bắt đầu trở lại. Các nhà máy có điều kiện quay lại nhịp sản xuất cũ nhưng vẫn chưa thật sự an tâm. Đơn hàng dù trở lại nhưng phần lớn là nhỏ và ngắn hạn. Các đơn hàng dài hạn vẫn chưa nhiều như thời gian trước.

Quyết định từ các nhà mua hàng cũng hoàn toàn dễ hiểu. Lạm phát dù được kiềm chế tốt nhưng vẫn còn. Căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn leo thang, thậm chí lan rộng thêm xung đột sắc tộc. Hiện, tỉ giá và logistics là hai yếu tố khiến biểu đồ chi phí của DN sản xuất tăng. Tình tình thế giới khó tiên liệu nên việc đặt hàng, kinh doanh phải cân nhắc nhiều. Tôi nghĩ, sẽ cần nhiều thời gian để ngành nội thất Việt Nam cũng như thế giới quay lại được mốc tăng trưởng đỉnh cao vào năm 2022.

* Lâm Việt đã thích ứng thế nào trước những thách thức trong thời gian ngành sụt giảm?

– Năm 2023, phần lớn các DN sản xuất nội thất đều giảm 20 đến 30%, có DN giảm đến 40%; thậm chí có DN phải tạm đóng xưởng, rời cuộc chơi. Lâm Việt may mắn có được hệ thống quản trị tốt, ứng dụng hiệu quả công nghệ, tối ưu chi phí nên mức giảm dù có nhưng không quá sâu, khoảng 20% so với năm 2022. Nhân lực ngày trước lên đến hơn 1.000 người thì nay còn hơn 800 người.

 

 

Đánh giá tác động của các yếu tố khách quan khá lớn nên ngay từ đầu, Lâm Việt đã xác định phải quản trị tốt mới có thể vượt khó. Chúng tôi tiến hành tái cơ cấu khách hàng, thiết lập lại các chuyền sản xuất sao cho khả năng tối ưu hóa thời gian, nhân lực, nguyên liệu lẫn tài nguyên ở mức cao nhất. Nhờ vậy khi đơn hàng trở lại, Lâm Việt nhanh chóng bắt được nhịp sản xuất.

* Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn việc tái cơ cấu khách hàng?

– Không chỉ đơn thuần mua sắm các thiết bị hiện đại là có thể sản xuất ngay được. Quy trình sản xuất nội thất đòi hỏi DN phải thiết lập sơ đồ nhà máy phù hợp với từng dòng hàng, mẫu hàng… Khả năng tổ chức hệ thống máy móc, con người phù hợp sẽ giúp hiệu năng sản xuất nhà máy tốt hơn rất nhiều. Như vậy, với mỗi khách hàng, mỗi dòng hàng, DN phải thiết lập từng mặt bằng sản xuất riêng (plant layout), phù hợp. Bên cạnh máy móc, phải huấn luyện đội ngũ nhân lực theo đặc trưng từng chuyền mới có thể chuyên môn hóa. Như vậy, với những đơn hàng nhỏ như hiện nay, DN phải liên tục sắp xếp lại mặt bằng sản xuất, huấn luyện lại con người… mất nhiều thời gian và chi phí. Đơn hàng càng lớn thì DN càng thuận lợi trong công việc này. Tái cơ cấu khách hàng là việc DN chọn khách hàng, chọn đơn hàng phù hợp với thế mạnh nội tại để có thể quản trị sản xuất tốt hơn.

* Với vị thế của một quốc gia gia công, làm thế nào DN có thể lựa chọn khách hàng?

– Ngành nội thất Việt Nam đã và đang được đánh giá cao về  năng lực sản xuất. DN hoàn toàn có thể lựa chọn khách hàng phù hợp, nếu kinh doanh chủ động. Thay vì thụ động đợi đơn hàng, DN có thể đầu tư thiết kế để sở hữu giá trị sáng tạo riêng. Cũng nhờ theo đuổi con đường này mà Lâm Việt có thế mạnh cạnh tranh hơn so với trước, chinh phục được khách hàng thuộc phân khúc cao cấp và có được gắn kết lâu dài với họ.

* “Công thức” để gia tăng hàm lượng sáng tạo của Lâm Việt?

– Hiện hơn 50% sản phẩm ngoại thất đang sản xuất là thuộc thiết kế riêng của Lâm Việt. Đầu tư cho đội ngũ thiết kế là một chiến lược dài hơi. Nhân lực trong nước chưa đủ kinh nghiệm cũng như thấu cảm với xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu. Yếu điểm này có thể khắc phục bằng việc chuyển công tác R&D ra nước ngoài theo từng dự án, liên kết cùng khách hàng phát triển mẫu phù hợp… Những kết nối về mặt sáng tạo sẽ giúp DN rút ngắn được quá trình sáng tạo. Bởi chính trong quá trình hợp tác với các chuyên gia quốc tế, đội ngũ thiết kế trong nước cũng sẽ học hỏi được rất nhiều, tích lũy để từng bước có được sáng tạo riêng.

* Theo quan sát của ông, DN nội thất đã chú trọng phát triển thiết kế riêng?

– Đây là xu hướng mà các DN trong ngành đã bắt đầu hưởng ứng. Như chúng ta thấy ở HawaExpo 2024, phần lớn các DN tham gia triển lãm đều trưng bày thiết kế mới là một minh chứng. Hầu hết các gian hàng đều có sản phẩm mới, sản phẩm “đinh”, thu hút khách mua hàng. Vì điều này mà hội chợ vừa qua đạt được hiệu quả giao thương rất lớn, dù nhu cầu thị trường thế giới vẫn còn khá ảm đạm.

Đó là minh chứng cho việc đầu tư sáng tạo sẽ giúp DN có được lợi thế lẫn lợi nhuận tốt hơn trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Tôi nghĩ, với bước đầu thuận lợi như thế, DN nội thất trong ngành sẽ tự tin hơn, tiếp tục con đường này trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Như thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác