Chiều 21/5, Hội thảo trực tuyến “Hợp tác Việt Nam – Ấn Độ trong ngành gỗ và nội thất” do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với HAWA tổ chức đã mở ra nhiều cơ hội để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường đông dân nhất thế giới hiện nay.
Nhu cầu ngày càng lớn
Theo ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Viforest, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 16,28 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm trước. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng đột biến: kim ngạch đạt 122 triệu USD, tăng gần 300% so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng ván plywood chiếm ưu thế với gần 95 triệu USD, cho thấy nhu cầu ngày càng lớn tại Ấn Độ đối với vật liệu gỗ chất lượng cao từ Việt Nam.
Dù nhu cầu thị trường đang mở rộng, doanh nghiệp Việt vẫn đối diện nhiều thách thức khi tiếp cận Ấn Độ. Cụ thể là thuế suất cao (20% cho nội thất gỗ và khoảng 10% cho ván nguyên liệu). Bên cạnh đó, một số sản phẩm như ván MDF lại chịu tác động tiêu cực do các rào cản phi thuế quan, trong đó nổi bật là yêu cầu về chứng chỉ BIS – một trong những điều kiện kỹ thuật khắt khe của thị trường Ấn.
Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu ván MDF tại Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư lớn vào công nghệ ép ván, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao để xuất khẩu. Tuy nhiên, rào cản về chứng nhận BIS khiến nhiều đơn hàng bị đình trệ, gây thiệt hại cả về tài chính lẫn uy tín với khách hàng. Chúng tôi mong muốn phía Ấn Độ có quy trình xét duyệt minh bạch, đồng thời hy vọng có thêm hỗ trợ từ các hiệp hội như HAWA trong việc xúc tiến pháp lý và thông tin thị trường.”
Phát biểu này phản ánh tâm lý chung của nhiều DN vừa và nhỏ tại Việt Nam: sẵn sàng nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu quốc tế, nhưng cũng cần một môi trường thương mại công bằng, rõ ràng và có sự hỗ trợ về chính sách. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin cập nhật, chưa đồng bộ quy chuẩn giữa hai thị trường và chi phí logistics cũng là trở ngại đáng kể. Các đối thủ như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan đã sớm thiết lập chuỗi phân phối hiệu quả tại Ấn Độ cũng khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt bị thử thách nghiêm trọng.
Chiến lược tiếp cận
Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ – khẳng định nhu cầu đồ gỗ tại Ấn Độ còn rất lớn và kêu gọi doanh nghiệp Việt cần xây dựng chiến lược tiếp cận bài bản, tận dụng các hiệp hội để nắm rõ chính sách. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA vai trò ngày càng chiến lược của các hiệp hội trong việc đồng hành cùng DN tiếp cận thị trường mới. Theo ông Bảo, HAWA không chỉ là một tổ chức đại diện mà còn là nền tảng xúc tiến toàn diện, giúp doanh nghiệp hội viên xây dựng năng lực cạnh tranh, cập nhật quy định kỹ thuật từ nước nhập khẩu, và mở rộng mạng lưới thương mại quốc tế thông qua hội chợ, hội thảo và kết nối B2B. “Chúng tôi tin rằng việc phát triển quan hệ thương mại Việt – Ấn cần một chiến lược nhất quán, dài hạn, trong đó hiệp hội đóng vai trò điều phối thông tin, cầu nối kỹ thuật và nền tảng kết nối thị trường. HAWA cam kết tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc vượt qua rào cản kỹ thuật, đặc biệt là tiếp cận hiệu quả chứng nhận BIS và hệ thống phân phối tại Ấn Độ,” ông Bảo khẳng định.
Để khai thác hiệu quả thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cần có tầm nhìn dài hạn. Trước hết, chủ động tham gia các hội chợ quốc tế để tiếp xúc trực tiếp với nhà nhập khẩu. Đồng thời, cần đầu tư mạnh vào năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mang dấu ấn riêng – một lợi thế mà doanh nghiệp Việt đang có nhiều tiềm năng. Ông Rajesh Bhagat – đại diện WOFX – nhấn mạnh việc tham gia các hội chợ tại Mumbai là bước đi then chốt để thâm nhập thị trường hiệu quả và tiết kiệm.
Song song, cần chuẩn bị kỹ hồ sơ xuất khẩu phù hợp quy chuẩn Ấn Độ – từ chứng nhận BIS, xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn đóng gói đến thủ tục logistics. Cuối cùng, xây dựng mối quan hệ với đối tác tại Ấn Độ không chỉ dừng ở giao dịch, mà nên hướng đến sự đồng hành, chia sẻ tầm nhìn phát triển dài hạn.
Hội thảo không chỉ mở ra cơ hội, mà còn vạch rõ hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực tiếp cận thị trường đầy tiềm năng như Ấn Độ. Với sự đồng hành của các cơ quan xúc tiến, hiệp hội như HAWA, và chiến lược bài bản từ chính doanh nghiệp, ngành gỗ Việt hoàn toàn có thể vươn xa – không chỉ tại Ấn Độ mà còn trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.