,

Khám phá tiềm năng Ấn Độ

Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp kinh doanh đồ nội thất Ấn Độ đã có buổi kết nối thông tin hiệu quả với doanh nghiệp Việt Nam tại buổi hội thảo về “Thị trường xuất khẩu nội thất Ấn Độ: Quy mô thị trường và tiềm năng xuất khẩu diễn ra trên nền tảng Zoom, do HAWA tổ chức chiều ngày 28/4.

Mở ra nhiều cơ hội

Tháng 4/2023, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục chậm lại với tổng kim ngạch ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%.

Mức sụt giảm ghi nhận ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ lại tăng với mức ghi nhận 1,2%. “Xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với khó khăn chung như các nước khác. Chuỗi cung ứng khó thể phục hồi cao bởi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Nhưng vẫn có những thị trường mới, đầy tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khai phá. Ấn Độ là một trong số đó”, ông Đỗ Duy Khánh, Bí thư thứ nhất, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhận xét.

Ấn Độ là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, với dân số đã vươn lên hàng đầu. Dự kiến, quốc gia này sẽ vươn lên thành nền kinh tế thứ 3 thế giới vào năm 2030. Đây là quốc gia được Bộ Công Thương xác nhận là thị trường tiềm năng, trọng điểm, thu hút đầu tư sang Việt Nam và mở cơ hội để DN Việt đầu tư sang Ấn. “Trong đó, nội thất là mảng được đánh giá rất tiềm năng”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA đánh giá.

Theo ông Phương, Việt Nam hiện đang đứng thứ hai Thế giới về xuất khẩu nội thất nhưng trong vòng một năm trở lại đây, xuất khẩu đã chững lại. Đối diện với khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các hiệp hội và DN phải chú trọng đến sự đa dạng thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đặt ra yêu cầu mở rộng thị trường. Phối hợp cùng các cơ quan xúc tiến thương mại, HAWA đang nỗ lực kết nối với tham tán các nước, tìm kiếm cơ hội cho DN Việt tiếp cận với các đối tác mới.

Khoảng trống lớn

Thị trường đồ nội thất Ấn Độ đạt giá trị hơn 23,12 tỷ USD. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 14 xuất khẩu nội thất vào thị trường này. “Đó là một vị trí chưa xứng đáng”, ông Liyakat Ali Khan, Giám đốc điều hành tại UMG Index Trade Fairs nhận xét.

Theo vị này, Ấn Độ thực sự là nền kinh tế lớn, tăng trưởng năng động và là thị trường mới nổi năng động nhất của thế giới. Tiêu dùng Ấn Độ dự kiến tăng thêm khoảng 13 tỷ USD vào 2025, chỉ riêng cho mảng nội thất. Hiện, các thương hiệu nội thất gây dựng được tên tuổi ở thị trường này chỉ chiếm 1/10. Phần lớn còn lại là nội thất chưa có thương hiệu. Với việc tham dự các hiệp định thương mại tự do, hiện Ấn Độ hoàn toàn không áp thuế với nội thất nhập khẩu từ Việt Nam. Ông khẳng định: “Đây thực sự là cơ hội lớn cho DN các bạn”.

Không chỉ có lợi thế về chính sách, với đặc trưng 1/3 diện tích Ấn Độ kết nối biển, hệ thống logistic toàn quốc rất thuận lợi, thủ tục hải quan đơn giản cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam mang hàng hóa sang đây. Đồng quan điểm, thương nhân Vaibhav Bhandari đến từ Ấn Độ cho biết thêm, thị trường có sức mua lớn thứ 3 thế giới này cũng là nơi hội tụ giới siêu giàu, nhiều tỷ phú hàng thứ 3 thế giới. Dự kiến, Ấn Độ sẽ có gần 19.000 cá nhân siêu giàu trong 3 năm tới, mở ra một thị trường cao cấp đầy tiềm năng.

Với việc bùng nổ dân số và tỉ lệ dân số ở độ tuổi trưởng thành lớn, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở, căn hộ cho người dân. Đó chính là lý do nhiều thành phố ở Ấn Độ tăng trưởng nóng lĩnh vực bất động sản, trong đó, phát triển bất động sản hạng sang chiếm tỉ lệ không nhỏ và bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến sẽ phát triển mạnh trong 3 năm tới. “Sự sôi động của bất động sản là nền tảng để thị trường nội thất Ấn Độ phát triển cực thịnh trong tương lai không xa”, ông Vaibhav Bhandari nói.

Đáng tiếc, danh sách 10 quốc gia xuất nội thất vào Ấn bao gồm: Trung Quốc, Malaysia, Đức, Ý…, không có Việt Nam. Theo thương nhân Anand Vivarekar, rất nhiều DN nội thất Thế giới quan tâm thị trường Ấn như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Anh Quốc và nhất là Banglades… Nhờ mối liên kết rất chặt với các hiệp hội, giao thương nội thất giữa các quốc gia này với Ấn Độ đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, ông Anand Vivarekar cho rằng, cơ hội dành cho các DN Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ không hề nhỏ. Hiện, người dùng đa số tập trung các đại đô thị và các đô thị loại 1, loại 2. Khách hàng rất quan tâm thiết kế và chất lượng sản phẩm. Nội thất gỗ cứng được ưa chuộng tại đây với phong cách đơn giản, tối giản và có khả năng tùy chỉnh. Đặc biệt, nội thất văn phòng cần có thiết kế vuông vứt, đơn giản. “Trong tương lai, lượng người trẻ tại Ấn Độ vẫn lớn, nhu cầu nội thất vẫn cao. Tiềm năng hợp tác giữa quốc gia xuất khẩu nội thất hàng đầu như Việt Nam đến thị trường Ấn Độ là rất lớn”, ông Anand Vivarekar khẳng định.

NGUYỄN PHƯƠNG

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác