,

Khi chuỗi cung ứng bắt đầu chậm lại

Đặng Quý Yên

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, dù vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng nửa sau năm 2021 của ngành chế biến gỗ Việt Nam đang thấp nhất trong  hơn hai thập kỷ qua. Ngành đang cần nhiều trợ lực lẫn động lực để duy trì tốc độ phát triển.

Hai tháng gần đây, công tác xuất khẩu các sản phẩm gỗ và nội thất ở tỉnh Đồng Nai giảm đáng kể. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã không còn tăng ca. “DN chế biến gỗ đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Từ việc giá nguyên liệu, logistics, nhân lực… và bây giờ là đơn hàng. Là ngành thâm dụng lao động cao, thực tế này có thể ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người dân”, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.

Cơn khát đơn hàng

Không chỉ có Đồng Nai, DN chế biến gỗ trên địa bàn cả nước cũng đang phải đối diện với những thách thức tương tự.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết, trong tháng 7/2022 xuất khẩu giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 1,6% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt đến 10,42 tỷ đồng, cung ứng cho thị trường hơn 100 Quốc gia trên Thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường có mức suy giảm lên đến 4,9%. Theo ông Nghĩa, năng lực cung ứng của ngành hiện nay đang đạt thấp so với cùng kỳ 2021 và những năm trước đó. Thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào lẫn chi phí sản xuất tăng cao nhưng DN vẫn có thể “gồng” để sản xuất nhưng đến nay, việc các Quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đã trở thành một trở ngại lớn. DN đang bắt đầu “khát” đơn hàng.

Khảo sát do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trend thực hiện trong tháng 7/2022 cho thấy tín hiệu suy giảm của ngành ngày càng rõ rệt. Hầu hết, các DN tham gia khảo sát đều cho biết, thị trường Mỹ đang có doanh thu giảm trung bình 40%. Chỉ có 11% DN tham gia khảo sát có mức xuất khẩu tăng ở thị trường này nhưng mức tăng không cao. Tương tự, ở thị trường EU, mức giảm ở Anh cũng tương đương 41%. Chỉ 14% DN có tăng doanh thu nhưng mức tăng cũng khiêm tốn. Các thị trường chủ lực khác của Việt Nam, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… giảm khoảng 22%.

Tình trạng giảm đơn hàng ở các DN tham gia khảo sát đều dao động giảm ở mức 45%. Dựa vào thực tế sản xuất, dự kiến tình hình từ đây đến cuối năm, 71% DN cho rằng tiếp tục giảm. 21% dự đoán không đổi và 8% dự kiến tăng đơn hàng. “Những con số trên dẫn đến doanh thu phỏng đoán từ các DN đều sẽ giảm từ 30 đến 50%”, tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trend tiết lộ. Theo ông Phúc, vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào… đang là sức ép lớn nhất mà các DN phải chịu.

Thời gian cầm cự

Theo kết quả khảo sát 52 DN của Forest Trend, 23% DN cho rằng họ có thể cầm cự trên 1 năm, 44% cầm cự từ 3 đến 6 tháng, 19% DN chỉ có khả năng cầm cự dưới 3 tháng.

Trước thực trạng này, giải pháp mà hơn 70% DN đưa ra là giảm quy mô sản xuất, 15% chuyển đổi mặt hàng, 9% chuyển thị trường xuất khẩu và 3% chuyển hướng sang thị trường nội địa để tìm kiếm cơ hội. “Điều DN mong muốn nhất hiện nay là sự hỗ trợ từ phía ngân hàng trong việc giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay, hoặc cho vay trên lượng hàng tồn kho, tín chấp… Tốt hơn nữa là khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi”, ông Phúc chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cho rằng, với thực trạng hơn 70% DN phản ánh tình hình kinh doanh của họ đang giảm ở tất cả các thị trường mà HAWA ghi nhận được là con số đáng quan ngại, cần được quan tâm. Trong bối cảnh tồn kho nhiều, dòng tiền của DN đang chịu thử thách thì lãi suất, thời gian đáo hạn ngân hàng sẽ tạo thêm áp lực chọ DN. Do vậy, rất cần ngân hàng hỗ trợ trong giai đoạn này. Ông Phương khẳng định: “Khó khăn của các DN hàng nội thất Việt Nam chỉ ngắn hạn. Cuối năm nay hoặc chậm nhất là 2023, thị trường sẽ hồi phục. Hơn lúc nào, ngân hàng cần đồng hành với DN để họ vững nguồn lực, mạnh mẽ vượt thử thách”.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, HAWA đề xuất Nhà nước nghiên cứu các phương án hỗ trợ như giảm, hoãn nộp thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế GTGT nhanh nhất và giảm phí xuất nhập khẩu cảng biển. Giai đoạn này, nếu Nhà nước đẩy mạnh các chương trình bình ổn giá, gia hạn thời gian và hỗ trợ công nhân đóng bảo hiểm xã hội, thiết kế các gói cứu trợ cho người thu nhập thấp… sẽ tạo thêm động lực để ổn định tình hình. “Phía hiệp hội sẽ chú ý đến công tác cập nhật thông tin kịp thời, đồng hành cùng DN để kịp thời kiến nghị các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Quan trọng hơn nữa là tạo liên kết trong chuỗi cung ứng, giúp DN giảm giá thành, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường”, ông Phương nói vậy.

“Nhà nước cần nghiên cứu các phương án hỗ trợ như giảm, hoãn nộp thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế GTGT nhanh nhất và giảm phí xuất nhập khẩu cảng biển”

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác