Chế biến gỗ Việt Nam không hề bế tắc. Ngành đang ở vị thế tốt nhất, thời điểm thích hợp nhất để có được thứ hạng xứng tầm trên bản đồ xuất khẩu đồ nội thất thế giới.
Ngành gỗ đã có những bước tiến ngoạn mục trong suốt hai thập kỷ qua. Điều kiện thị trường thuận lợi đã khiến các doanh nghiệp (DN) trong ngành dường như “ngủ quên trên chiến thắng”, khi đơn hàng sụt giảm, họ cảm giác như đang bế tắc. Suy nghĩ tiêu cực ấy cần phải loại trừ.
Cơ hội từ cái nhìn mới
DN nội thất toàn cầu đang đứng trước cơ hội lớn. Năm 2022, theo số liệu từ CSIL, doanh số của ngành là 694,3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2022 – 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành là 4,5%/năm. Nhu cầu tiêu dùng nội thất vốn tăng trưởng đều, nay lại càng tăng. Bởi, Covid-19 đã mang đến cho người dùng cái nhìn mới về nội thất. Sau khoảng thời gian giãn cách, khách hàng cảm nhận rõ hơn về tầm quan trọng của các vật dụng kiến tạo không gian sống. Khi nhu cầu cao hơn để có được trải nghiệm sống tốt nhất trong ngôi nhà, mức độ sẵn sàng chi trả để có được nội thất tốt hơn cũng tăng. Dự báo, đến năm 2030 sẽ đạt 945,53 tỷ USD.
Trong cơ hội phát triển chung, Việt Nam lại có thêm cơ hội gia tăng độ phủ thị trường. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu nội thất hàng đầu nhưng những năm vừa qua liên tục giảm thị phần. Chiến lược ưu tiên phát triển các ngành khác của họ khiến xuất khẩu nội thất không giữ được tốc độ phát triển. Thêm tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ, thị trường tiêu thụ nội thất lớn nhất thế giới, sự hiện diện của nội thất Trung Quốc ngày càng mờ nhạt. Nội thất Việt nhờ đó có cơ hội để chiếm thêm thị phần.
Hơn hai mươi năm trong ngành, tôi thường xuyên nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng, đặc biệt là khách hàng mua sắm đồ nội thất cung ứng cho phân khúc cao cấp. Họ khẳng định với tôi, Việt Nam là nơi mua hàng nội thất tốt nhất. Khả năng cung ứng đa dạng, từ hàng cao cấp đến các mặt hàng tầm trung, hàng nội thất lắp ráp… giúp ngành nội thất Việt Nam thu hút được những nhà mua hàng đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, Ấn Độ, Trung Đông… Nội lực chúng ta có, ngoại lực thì khách hàng cần. Chế biến gỗ Việt Nam đang có vị thế tốt nhất và thời điểm phù hợp nhất để phát triển.
Đi sâu vào các giá trị mới
Nhìn vào thực tế thiếu đơn hàng hiện nay, không khó để nhận ra nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan. Rất nhiều nhà máy của DN thành viên HAWA đã chạy đúng công suất trở lại nhờ nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở thị trường mới, thay đổi phương cách sản xuất, đầu tư chăm sóc khách hàng… Khó khăn là cơ hội cho chúng ta chuẩn bị thật tốt để đi trước trong tương lai.
Thách thức sẽ sớm qua đi nhưng giá trị của thời gian sụt giảm đơn hàng vừa qua cũng cần phải được ghi nhận. Chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về tính cạnh tranh. Khi thị trường khó khăn thì lợi thế cạnh tranh sẽ giúp DN chống chịu tốt hơn, có thời gian để tìm giải pháp thích ứng. Thực tế là phần lớn DN Việt Nam làm hàng nội thất giá rẻ, gia công theo đơn đặt hàng. Nếu không mạnh dạn đi sâu vào các giá trị khác trên chuỗi cung ứng, chúng ta sẽ khó có được giá trị gia tăng cao hơn. Đầu tư cho thiết kế, đầu tư cho thương hiệu và đầu tư cho giá trị phân phối… là con đường tốt nhất để DN có được yếu tố độc lập, không phụ thuộc và xa hơn là phát triển bền vững.
Để có được các giá trị ấy không hề dễ. Nhưng so với trước đây, DN đã có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để tiến đến các giá trị ấy. Khi chưa có đội ngũ thiết kế lành nghề, DN hoàn toàn có thể liên kết với đội ngũ thiết kế ở các nước để từng bước thâm nhập. Việc xây dựng hệ thống phân phối đòi hỏi đầu tư nhiều tài lực, nhân lực thì có thể hợp tác cùng nhau. Ý tưởng về một mô hình trung tâm logistic – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở các thị trường chủ lực đang được HAWA tính đến và kêu gọi các DN tâm huyết cùng tham gia.
Dựa trên sự kết hợp giữa các mô hình kinh tế hiện đại: Business Center + Fullfillment Center + Services Center, trung tâm này có thể đảm nhận vai trò của văn phòng đại diện. Các DN hội tụ trong mô hình này có thể chính thống về mặt pháp lý trong việc kinh doanh ở thị trường sở tại: có không gian để tiếp cận khách hàng, dịch vụ thư ký theo yêu cầu… Trung tâm này được xây dựng cốt lõi trên giá trị là hệ thống kho bãi giúp DN có thể trữ hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công tác giao nhận, phản hồi… Ngoài ra, trung tâm còn có thể triển khai các dịch vụ khác như giúp các DN nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, showroom tiếp khách, tiếp cận khách hàng, marketing…
Chế biến gỗ Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 ngành có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia với giá trị thương mại thặng dư hàng đầu. Quy tụ hơn 600.000 nhân lực và có thể lên 800.000 lao động trong năm 2025, đây là ngành đóng góp lớn cho an sinh xã hội. Đặc biệt, nhân lực Việt Nam thích hợp với ngành gỗ, linh hoạt và có khả năng xoay sở rất nhanh. Khi AA Corporation đem công nhân sang thi công ở các công trình quốc tế, họ đều thích nghi rất nhanh. Sự phù hợp về mặt con người chính là lợi thế cạnh tranh không phải quốc gia nào cũng có.
So với các ngành xuất khẩu khác, chế biến gỗ là ngành xuất siêu có chuỗi cung ứng đã hoàn chỉnh. Tôi tự hào khi nói rằng, chuỗi cung ứng của ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn trong tương lai, khi mà các DN cùng nhau nỗ lực hướng tới các giá trị cao hơn. Tổng hòa các nguồn lực, chúng ta có điều kiện và có quyền tự tin vươn ra biển lớn.
Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA