,

Kinh tế sáng tạo: Cơ hội mới

Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới tăng từ 208 tỷ USD vào năm 2002 lên 524 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất từ năm 2007. Với giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt 14.153 triệu USD, Việt Nam thuộc Top 10 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

 

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các ngành kinh tế sáng tạo gồm có: thủ công mỹ nghệ, thời trang và thiết kế, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, phim và truyền thông, công nghệ thông tin và kỹ thuật phầm mềm, du lịch và di sản văn hóa, âm nhạc và giải trí, xuất bản và văn học, sáng tạo nội dung số, tiếp thị và quảng cáo số.

Điểm sáng châu Á

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, nhân tố hỗ trợ kinh tế sáng tạo phát triển ở các quốc gia là dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; Nhà nước có chính sách tạo thuận lợi; di sản văn hoá phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng và tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu. Vì điều này mà tỷ trọng hàng hóa sáng tạo trong tổng hàng hóa xuất khẩu ở khu vực châu Á ngày một tăng lên, trong khi ở các khu vực khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh có xu hướng giảm.

Không chỉ hội tụ đủ các yếu tố cần thiết ấy, Việt Nam còn sở hữu thế mạnh lớn về nguồn nhân lực. Là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines), Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới, đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Hiện nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi ở Việt Nam lên đến 62,2%. Tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng hơn 666.000 người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%; lực lượng lao động nữ đạt 24,5 triệu người, chiếm 46,7% lực lượng lao động của cả nước. Hiện, Việt Nam nằm trong Top 3 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hóa sáng tạo, với doanh số xuất khẩu lên đến 14,153 tỷ USD.

Trợ lực từ chính sách

Là một trong những ngành chủ lực của kinh tế sáng tạo, thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường thế giới đánh giá cao. Các mặt hàng thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đa dạng, từ gốm, các sản phẩm đan lát, chiếu cói, làng lụa, gỗ chạm khắc, đồng, đồ chạm bạc, thêu ren…

Bốn tháng đầu năm 2024, chỉ riêng xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 67,73 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tương tự các sản phẩm nội thất, năm 2023, doanh số xuất khẩu các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ của sụt giảm hơn 35%, đạt khoảng 136 triệu USD nhưng đà tăng đã trở lại từ cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thủ công mỹ nghệ thuộc top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, doanh số đạt khoảng 3,5 tỷ USD/năm. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng, được đánh giá đặc sắc, độc đáo. Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Hiện, quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt hơn 750 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. “Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi cả nước có hơn 2.000 làng nghề, với rất nhiều nhân lực có kỹ năng khéo léo, sáng tạo”, ông Tuấn nhận xét.

Theo định hướng phát triển, Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20 tỷ USD, trong đó ngành hàng thủ công mỹ nghệ đạt 5 tỷ USD. Ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), điểm yếu của các sản phẩm Việt Nam là chưa thực sự đa dạng về mẫu mã. Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) luôn nỗ lực đổi mới sản phẩm, ứng dụng nhiều vật liệu mới, gia tăng tính thân thiện với môi trường… nhưng vẫn chưa có được những bước phát triển xứng với tiềm năng.

Đối chiếu với các quốc gia có tiềm lực tương ứng, dễ thấy việc ứng dụng kinh tế sáng tạo đã mang đến nhiều thành quả. Thái Lan, Indonesia… là điển hình. Theo ông Nguyễn Anh Dương, tại Hàn Quốc, nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu thế giới thì kinh tế sáng tạo được quốc gia này đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn từ năm 2013. Chính phủ Hàn Quốc coi nền kinh tế sáng tạo là một chiến lược kinh tế mới. Chính phủ tạo điều kiện và kết hợp phát triển kinh tế sáng tạo gắn liền với văn hóa, truyền thông và chiến lược chuyển đổi số. Nhờ đó, một số ngành công nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc có mức xuất khẩu cao. Tương tự, Chính phủ Mỹ cũng triển khai hàng loạt chính sách hỗ trở để có 4,01% tổng số DN và 2,01% số lao động tham gia vào lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau.

Đồng quan điểm, ông Lê Bá Ngọc cũng cho rằng chính sách đồng hành, hỗ trợ từ phía Nhà nước là điều mà các DN trong ngành đang rất cần. Song song đó, là việc  đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản cho ngành thủ công ở Việt Nam. “Nếu gia tăng hàm lượng sáng tạo thì kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ không chỉ dừng lại ở con số hơn 3 tỷ USD như hiện nay, mà có thể sớm đạt doanh số 10 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng không dưới 30% hằng năm”, ông Ngọc nói.

Hoàng Vũ

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác