Trần Việt Tiến
Những thử thách của nền kinh tế toàn cầu hiện nay có thể không kéo quá dài. Chuẩn bị nội lực và có chiến lược phù hợp sẽ tạo cho doanh nghiệp có những bước nhảy trên thị trường Quốc tế trong tương lai.
Cuối tháng 6/2022, khi con số 9,1% được công bố, mức lạm phát tiêu dùng ở Mỹ thực sự gây đau đầu cho các nhà điều hành. Nhưng, đây chỉ là một trong những Quốc gia đang đối mặt với lạm phát. Các Quốc gia khối châu Âu, Anh… cũng đang phải đối diện với áp lực tương tự. Người dân phải thắt chặt hầu bao, các ngành kinh doanh lần lượt rơi vào thế khó.
Chờ các chính sách hiệu quả
Theo giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – bà Kristalina Georgieva, các gián đoạn do đại dịch gây ra với chuỗi cung ứng đã tạo nên những nút thắt cổ chai từ trước đó. Khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra đã làm trầm trọng hơn những cú sốc này. Kết quả là giá cả hàng hóa, bao gồm các mặt hàng chủ lực đều tăng vọt. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa tháng 7/2022, người đứng đầu IMF cho rằng lãi suất cơ bản toàn cầu có thể không ngừng tăng cho đến năm 2023. Nếu các động thái chính sách từ các ngân hàng Trung ương hiệu quả, khi đó giá cả hàng hóa sẽ hạ nhiệt, lạm phát có thể được kìm chế. Trong bối cảnh đó, thị trường tiêu dùng, trong đó có cả tiêu dùng nội thất, hoàn toàn có thể ấm lên.
Thị trường nội thất thế giới không ngừng gia tăng giá trị. Theo PR Newswire, quy mô thị trường đồ nội thất toàn cầu đạt 637,26 tỷ USD trong năm 2021. Dự báo đạt 945,53 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm trong giai đoạn 2022 – 2030. Nhu cầu làm mới không gian sống của người trẻ rất cao, đặc biệt là thế hệ Z – thế hệ chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân số toàn cầu. Với năng lực sản xuất đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực nội thất, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, giá thành cạnh tranh, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho các đơn hàng nội thất quốc tế.
Những điểm tắc nghẽn dần tháo mở
Một trợ lực khác cho đơn hàng trở lại Việt Nam hậu lạm phát là giá logistics đang giảm, không còn tình trạng thiếu vỏ container, dịch bệnh không còn là trở lại lớn gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Thống kê từ Drewry Shipping Consultants cho thấy giá cước xuyên Thái Bình Dương tuy vẫn còn cao so với trước đại dịch nhưng cũng đã giảm khoảng 10 – 20% so với đầu năm. Đà giảm có thể duy trì đến cuối năm 2022.
Nhu cầu tiêu dùng chững lại do lạm phát chính là thời điểm để các luồng luân chuyển hàng hóa toàn cầu có cơ hội điều hòa trở lại, tạo điều kiện cho cước vận tải biển giảm, tháo bớt áp lực cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, xu hướng từ nay đến cuối năm khi chỗ trống trên tàu tăng lên, giá cước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Tất nhiên, với điều kiện các nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Nếu xung đột Nga – Ukraine sớm có hồi kết, cuộc khủng hoảng nguyên liệu xăng dầu sớm chấm dứt, giá cước vận tải biển sẽ còn cơ hội giảm hơn nữa.
Không chỉ chi phí logistics, khi mà hoạt động sản xuất có dấu hiệu chậm lại, tình trạng khan hiếm gỗ nguyên liệu và giá thành nguyên phụ liệu cao cũng sẽ từng bước được khắc phục. Bởi trữ lượng gỗ trong độ tuổi khai thác cả trong nước và Quốc tế vẫn đang dồi dào. DN sản xuất hoàn toàn có thể “dễ thở” hơn trong việc tiếp cận nguyên liệu thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng giá gỗ dăm đã tăng cao thời gian qua: đầu năm 2022 chỉ 130 USD/tấn nhưng đến giữa năm đã tăng vọt lên 180 USD/tấn. Con số này được ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp công bố tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm. Tổng cục Lâm nghiệp nhận định việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguyên liệu chế biến gỗ nội địa những năm tới. Bởi giá bán tăng gần 40% sẽ khiến người trồng rừng khai thác cây non, khó lòng chờ đợi để phục vụ chiến lược sản xuất gỗ lớn của ngành.
Tái cân bằng hậu Covid trong hệ sinh thái Vuca
Cuối cùng, điểm tắc nghẽn mấu chốt nhất hiện nay là lượng hàng tồn kho từ các đơn vị phân phối. Trong cơn khát hàng nội thất xuất phát từ việc phong tỏa diện rộng ở các quốc gia năm 2021, đơn hàng đã được các nhà phân phối chuyển đi với số lượng lớn. Thế nhưng tắc nghẽn logistics thời điểm đó kéo dài. Người dùng chờ đợi nhưng nhà phân phối lại không có hàng để giao. Đến tận giữa năm 2022, các kho trống mới được lấp đầy, đơn hàng cũ mới được giải quyết. Tình trạng ứ đọng hàng hóa tất nhiên dẫn đến việc tạm ngưng nhập khẩu. Khảo sát sơ bộ tình hình các DN chế biến gỗ Việt Nam cho thấy sản lượng giảm sút trung bình 30%. Tuy nhiên, tình trạng này có thể không kéo dài. Với đặc thù cồng kềnh, chiếm diện tích lớn, dù đó là hàng nội thất lắp ráp thì khả năng trữ hàng trên thực tế là không nhiều. Khi hàng tồn kho được giải phóng, nhu cầu đặt hàng sẽ lại phát sinh.
“Với năng lực sản xuất đứng thứ hai thế giới, kỹ năng chuyên nghiệp, giá thành cạnh tranh, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho các đơn hàng nội thất quốc tế”
Cần chú ý mãi lực cuối năm trong ngành nội thất luôn tăng ở tất cả các thị trường. Để phục vụ mùa mua sắm, trang trí nhà cửa đón các dịp sum họp, lễ hội của khách hàng, nhà phân phối buộc phải có hàng từ tháng 11. Nghĩa là từ tháng 8, tháng 9 đã phải đặt hàng để các nhà sản xuất có thời gian thực hiện.
Đó là chưa kể, sau các biến động chính trị, giá trị đồng USD đang tăng cao thời gian qua, trong khi giá đồng Euro giảm. Giá trị đồng tiền tăng thì lạm phát càng được giảm xuống. Thực tế này tạo động lực nhập khẩu cho các nhà mua hàng ở thị trường hấp thu nội thất Việt Nam lớn nhất hiện nay, là Mỹ.
Như vậy, nhìn rộng từ bối cảnh kinh tế toàn cầu đến thực tế thị trường nội thất các Quốc gia, đều thấy các thách thức vẫn hiện diện nhưng sẽ sớm qua. Do áp lực từ chi phí đầu vào, có thể năm 2022, các DN nội thất sẽ có lợi nhuận không nhiều nhưng biểu đồ tăng trưởng của công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn sẽ duy trì. Con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng là xuất khẩu 16,3 tỷ USD trong năm 2022 hoàn toàn khả thi.