Khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, những tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguyên liệu… sẽ được dùng làm cơ chế phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoàn toàn có thể biến những áp lực từ các cơ chế phòng vệ thương mại thành thế mạnh cạnh tranh với các quốc gia cung ứng khác.
Những hàng rào thương mại
Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang vượt trội so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đã đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với các quốc gia như: Trung Quốc tăng 4,3%; Hàn Quốc tăng 9,6%; Thái Lan tăng 3,9%…
Số liệu công bố tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – EU với chủ đề “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, bên cạnh thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, khối EU đang giữ vai trò là đối tác thương mại chủ lực. 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu từ Việt Nam sang 27 nước EU đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17%, tương ứng tăng 5,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Với đòn bẩy mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và tới đây là Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ…
Tuy nhiên, theo bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ thì chính sách phòng vệ thương mại các quốc gia sẽ tập trung vào chính sách lao động, môi trường, chống bán phá giá… để hạn chế nhập khẩu và bảo vệ DN trong nước. Hiện Việt Nam đang bị EU áp dụng 16 quy định phòng vệ thương mại và sắp tới, những quy định từ EUDR, CBAM, CS3D… sẽ tiếp tục là rào cản. “DN xuất khẩu không thể đứng ngoài cuộc chơi mà cần phải sẵn sàng để thích ứng được với các chính sách mới. Đây là quy định chung của liên minh nên chỉ cần DN bị cáo buộc ở một quốc gia thì việc thực thi sẽ ở cấp độ liên minh”, bà Linh cảnh báo.
DN Việt Nam đã sẵn sàng?
Trong 2 năm qua, các DN thuộc EU đã có thời gian thực hiện chuyển đổi và thích ứng với các quy định của CBAM, từng bước đi vào khung pháp lý của các quốc gia. Ông Trần Việt Hoàng, Giám đốc Energy & GHG product của Bureau Veritas Việt Nam cho biết, các quy định mới ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất, từ xi măng, sắt thép, phân bón, dệt may, da dày, chế biến gỗ… Các DN châu Âu thích nghi thuận lợi hơn nhờ đã có nền tảng, nhưng các DN Việt trước áp lực từ phía khách hàng, cũng đã và đang chuyển đổi để chủ động thích ứng.
Đồng quan điểm, ông Ulrich Weigl, Trưởng ban Thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, những rào cản thương mại mới mà EU đưa ra tập trung vào giải quyết mục tiêu chung toàn cầu là biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Hiện đã có các mô hình chuyển đổi thành công và được phổ biến để các DN toàn cầu có thể đối chiếu và áp dụng. Theo quan sát của ông, tín hiệu đáng mừng là DN Việt Nam đã có sự quan tâm và thể hiện tính sẵn sàng trong chuyển đổi xanh.
Điển hình có thể kể đến là Tôn Đông Á, dù chưa thực sự bị kiểm soát mà chỉ mới ở mức khai báo các quy định của CBAM nhưng DN này đã chủ động chuẩn bị chuyển đổi công nghệ, ứng dụng thêm máy móc hiện đại, thực hành giảm phát thải và kiểm kê từ đơn bị thứ ba… “Chúng tôi chuẩn bị để khi các chính sách thực thi chính thức không phải vướng rào cản, giảm lợi thế cạnh tranh”, giám đốc kế hoạch Tôn Đông Á, ông Nguyễn Thanh Vĩnh Nhật chia sẻ.
Đứng ở phía DN đặt hàng, bà Anastasia Howe, Giám đốc phát triển bền vững H&M cho biết, tuy áp lực không ít nhưng đây chính là cơ hội để nâng tầm các chuẩn mực vận hành, công bằng cho tất cả DN trên chuỗi cung ứng. Đây là bước thay đổi cần thiết để phát triển. Như các thương hiệu toàn cầu khác, H&M có nhà cung ứng ở nhiều quốc gia khác nhau, buộc phải kiểm soát được tính bền vững trên cả chuỗi, quản lý các phụ phẩm, truy xuất dấu chân carbon… Kinh nghiệm của H&M là truyền thông đến đối tác cung ứng bộ quy chuẩn, kêu gọi họ cùng tham gia, thống nhất với tất cả các nhà cung cấp, cho họ thấy được lộ trình và các lợi ích cụ thể sau chuyển đổi. Đồng thời, có các khoản vay cho để các nhà cung cấp, đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ mới…
“Không chỉ nghe DN dệt may, nông nghiệp, nội thất… tính toán về tính tuần hoàn trong sản xuất, tôi cũng đã chứng kiến các bộ ngành Việt Nam đã và đang làm việc chặt chẽ với chính quyền EU để thống nhất, tiến đến xây dựng thị trường carbon, thực hành chuyển đổi xanh… Tôi tin các DN Việt sẽ tuân thủ CBAM, EUDR một cách thuận lợi. Đây là cơ hội làm sạch chuỗi cung ứng, tối ưu hóa nền kinh tế”, ông Ulrich Weigl nhấn mạnh.
Nhật Thanh