,

Lấy lại đà tăng trưởng

Sau một năm sụt giảm bất ngờ, ngành gỗ đang cần một chiến lược phát triển bài bản hơn để tiếp tục giữ vững vị thế, giảm thiểu tính bị động trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những tín hiệu tích cực

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản phẩm gỗ 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ 9 tháng đầu năm ước đạt 2,005 tỷ USD, tăng 24,9 % so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,145 tỷ USD. Trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7 % và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4 %, tăng 24,7 %. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và châu Âu đạt 630 triệu USD, đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Triệu Văn Lực – Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2024 đạt so với kế hoạch đề ra là 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6 % so với năm 2023. Với những con số này, ngành sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, lấy lại đà tăng trưởng sau một năm sụt giảm.

Đứng trước những tín hiệu tích cực, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết doanh nghiệp (DN) trong ngành hiện đang rất phấn khởi và nỗ lực. Theo thông lệ, mùa mua sắm cuối năm doanh số xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn nữa, hứa hẹn đóng góp của ngành gỗ cho GDP quốc gia sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện ngành đang có hơn 3.324 DN tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ. Trong đó các khối FDI có 669 DN, chiếm 20,1% tổng số lượng DN tham gia xuất khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh số của họ đang chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023. “Điều này cho thấy sự chênh lệch khá rõ giữa khối FDI và DN Việt Nam”, ông Lập nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng, những đóng góp của khối FDI là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để liên kết lẫn cạnh tranh trên sân nhà, làm thế nào để xây chuỗi liên kết giữa DN nội địa và khối FDI để có thể tận dụng được lợi thế của nhau và quan trọng hơn là chống gian lận xuất xứ thì vẫn còn là những vấn đề đang được bỏ ngỏ.

Thách thức đã vượt qua?

Theo ông Liêm, DN trong ngành suốt thời gian qua đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tăng cường tìm kiếm thêm khách hàng, xúc tiến thương mại và quan trọng nhất là đầu tư cho thiết kế, phát triển sản phẩm mới… để có thể nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, những tác động ngoại quan như căng thẳng chính trị giữa các quốc gia, giá logistics tăng cao hay làn sóng suy giảm tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu vẫn còn đó… khó thể đảm bảo mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ.

Song song với những bất định của thế giới, ông Trần Lê Huy – Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cho biết, ngành gỗ còn đang đối mặt với những tác động rất lớn từ việc thiếu nhân công, giá lao động và đặc biệt là những đòi hỏi của Quy định chống phá rừng (EUDR) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Sau mốc thời gian 31/12/2024, thị trường sẽ tiếp tục có những thay đổi rất nhanh. Do vậy, DN cần có những thay đổi để kịp đáp ứng.

Đánh giá những yếu tố tiêu cực của tình hình thế giới, ông Phùng Quốc Mẫn –  Chủ tịch HAWA cho rằng, ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội. Do vậy, ngành cần tập trung vào vấn đề có thể tạo nên thế mạnh cạnh tranh. “Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nguyên liệu nhập khẩu phải “sạch”, không đến từ các vùng địa lý rủi ro, DN cần đào sâu lợi thế từ nguồn nguyên liệu bản địa. Trong đó, gỗ cao su và gỗ keo acacia rừng trồng nếu khai thác tốt sẽ là thế mạnh cạnh tranh hiệu quả”, ông Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, diện tích gỗ cao su hiện đã được quản lý chặt. Tiềm năng có thể mở rộng khai thác ở cây acacia. Hiện, nguyên liệu này có trồng trên cả nước nhưng hiện nay chưa khai thác hiệu quả do nhu cầu quay vòng vốn nhanh trong 3,4 năm để bán dăm, viên nén… không có nguồn cung ứng cho DN nội thất. Do vậy, bên cạnh chương trình rừng trồng gỗ lớn mà Cục Lâm nghiệp đang triển khai, HAWA cũng đang tìm hiểu, giới thiệu đến DN vùng nguyên liệu chưa được khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Mẫn đánh giá, vùng nguyên liệu này còn khá phong phú, với rất nhiều nguyên liệu phục vụ được cho cả thủ công mỹ nghệ lẫn chế biến gỗ có thể khai thác. “Những dự án về vùng nguyên liệu của HAWA trước mắt sẽ giúp DN giải quyết được nhu cầu sản xuất hàng ngày, sau nữa là tăng lợi thế cạnh tranh để có thể bước ra thị trường thế giới một cách tự tin hơn”, ông Mẫn khẳng định.

Nguyễn Đặng

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác