Xuất khẩu gỗ và lâm sản phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2024. Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đang mạnh dạn đề ra mục tiêu chinh phục 17,5 tỷ USD trong năm 2025.
Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2024, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 17,29 tỷ USD, vượt 14% so với kế hoạch năm 2024, tăng 20% so với năm 2023. Đây là thành quả ấn tượng cho những nỗ lực của doanh nghiệp (DN) trong ngành bởi năm 2023, ngành gỗ sụt giảm đến 16,5%, xuất khẩu chỉ đạt 13,37 tỷ USD.
Niềm vui tăng trưởng
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tăng cao và hàng tồn kho tại thị trường này đã giảm từ những tháng đầu 2024. Ngoài thị trường Mỹ thì EU, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận xét, sự gia tăng trong xuất khẩu cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang hồi phục và sản phẩm của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm gỗ của Việt Nam ra thị trường quốc tế trong tương lai vẫn sẽ đối diện với những áp lực nhất định. Nguy cơ đối diện các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ hay những đòi hỏi mới về quy chuẩn phát triển bền vững ở thị trường châu Âu sẽ trở thành rào cản với những DN thiếu tính chủ động và khả năng thích ứng… “DN cần theo dõi sát sao các chính sách, đơn cử như các quyết định của chính quyền mới ở Mỹ. Đồng thời, cần quan tâm đến các yếu tố khách quan như vận tải biển và các chi phí logistics, sức mua thị trường có thể biến động….”, ông Bảo nói.
Mục tiêu xanh
Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2024, triển vọng xuất khẩu sang các thị trường chính trong năm 2025 khả quan hơn. Để chuẩn bị nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, Cục Lâm nghiệp đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện tốt kế hoạch phát triển rừng, thông tin, khuyến cáo kịp thời cho các địa phương về mùa vụ trồng rừng, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về phát triển rừng. Công tác quản lý chất lượng giống được địa phương nghiêm túc thực hiện.
Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, năm 2024, có đến 39.187 ha rừng được cấp chứng chỉ, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2023, nâng tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ là 619.187 ha. Theo ông Bảo, trong năm 2025, ngành lâm nghiệp phấn đấu trồng 250.000 ha rừng tập trung. Trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 5.000 ha; trồng rừng sản xuất: 245.000 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 22,5 triệu m3, phục vụ cho công tác chế biến. Mục tiêu của ngành là đạt 17,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu lâm sản.
Cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sau khi hợp nhất để có thể quản lý, sử dụng công chức, viên chức, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án của ngành. Thời gian tới, Cục sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2026-2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng song song với khai thác các giá trị của rừng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sử dụng môi trường rừng bền vững, triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cục Lâm nghiệp cũng sẽ chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển rừng ven biển gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ carbon từ rừng, dịch vụ môi trường rừng; các chương trình, dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành lâm nghiệp.
Trước thông tin tích cực là EU đã dời thời hạn thực thi EUDR sang ngày 30/12/2025 cho DN lớn và ngày 30/6/2026 cho DN siêu nhỏ và nhỏ, DN Việt Nam đã có thể giảm bớt áp lực. Theo đánh giá của ông Tô Việt Châu – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT, các ngành nông – lâm nghiệp có thêm thời gian điều chỉnh chiến lược và chuỗi cung ứng. Do đó, DN cần tối ưu hóa chi phí, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số để tăng năng suất và cạnh tranh. Bộ NN-PTNT cũng lưu ý DN cần chuẩn bị cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn về giảm phát thải nhà kính của Mỹ và EU từ năm 2027.
“Việc gia tăng hàm lượng sáng tạo, thiết kế và thương hiệu cũng rất quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm và giảm phụ thuộc vào thị trường chủ lực. Cùng với đó, DN cần chủ động phát triển nguồn nguyên liệu bền vững và có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường mới”, ông Châu nói.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 3,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 2,4 tỷ USD, tăng 19,4%. Dăm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 20,7%. Đồ nội thất phòng ngủ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%. Gỗ ván và ván sàn đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,1%. Đồ nội thất nhà bếp đạt 1,3 tỷ USD, tăng 19,6%…
Hoài Thương