Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), ngành chế biến gỗ hiện có khoảng 4.300 doanh nghiệp (DN), chủ yếu là vừa và nhỏ thuộc sở hữu tư nhân chiếm đến 95%. Từ rất lâu, việc liên kết giữa các DN này vì mục tiêu chung phát triển bền vững vô cùng nan giải. Đó cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến nhận định thẳng thắn và xác đáng cùng các đề xuất tháo gỡ vấn đề tại “Diễn đàn DN – Kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ” do HAWA, VIFORES và Forest Trends phối hợp tổ chức ngày 14/4 vừa qua.
Thiếu dẫn đến yếu
Báo cáo của Tổ chức Forest Trends nhận định: dù kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ liên tục tăng, năm 2016 đạt 7 tỉ USD nhưng nhìn chung năng suất lao động của ngành gỗ Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan… Tồn tại rõ nhất thể hiện ở vấn đề sử dụng lao động giá rẻ, nguyên liệu đầu vào chiếm 40-50% cơ cấu giá thành, giá trị gia tăng sản phẩm còn thấp. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự yếu kém này là chưa có tính liên kết trong ngành. Các DN Việt có xu hướng muốn làm từ A-Z, dẫn đến dàn trải đầu tư, công nghệ không đồng bộ.
Là người soạn thảo báo cáo, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc phân tích: “Thiếu liên kết làm lãng phí nguồn lực trong đầu tư, đặc biệt là trong dự trữ nguyên liệu của các DN chế biến. Một DN Việt Nam nếu một ngày sản xuất 10 container hàng hóa thì lượng nguyên liệu dự trữ đòi hỏi khoảng 10.000m3. Điều này đòi hỏi DN phải tập trung nguồn lực tài chính rất lớn, kéo theo đó là diện tích nhà xưởng đủ rộng để trữ, lãi suất ngân hàng, phòng trừ mối mọt, nhân công kho bãi… Thiếu liên kết còn dẫn đến đầu tư dàn trải, hạn chế khả năng chuyên môn hóa trong các khâu khác nhau của chuỗi cung, mất cơ hội thị trường”. Những thông tin chia sẻ từ DN cho thấy khoảng 60 – 70% số vốn DN được giành cho khâu dự trữ nguyên liệu.
Theo ông Điền Quang Hiệp – Giám đốc Công ty Minh Phát 2, liên kết là chuyện không mới nhưng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liên kết trong nội bộ ngành gỗ Việt Nam là rất yếu, mạnh ai nấy làm. Thiếu dẫn đến yếu thì khó phát triển bền vững và cạnh tranh với DN nước ngoài. Có những DN phát triển đạt đến đỉnh và… phá sản ngay lập tức vì không bền vững. Sự sống còn của DN chế biến gỗ Việt Nam chính là liên kết với nhau.
Những hình mẫu cần được nhân rộng và phát triển
Để duy trì nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp ổn định, mô hình liên kết giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ gia đình trồng rừng đã được hình thành và đang trên đà phát triển. Liên kết này dựa trên niềm tin rằng các nguồn lực của các bên tham gia liên kết sẽ được tối đa hóa. Cụ thể, công ty chế biến có tiềm lực về vốn đầu tư, kỹ thuật và công nghệ, trình độ quản lý và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, các hộ dân có nguồn đất trồng rừng và lao động.
Theo Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, hiện tại ở Việt Nam đã hình thành một số mô hình tiêu biểu. Liên kết giữa DN nhập khẩu/sản xuất gỗ nguyên liệu và các DN chế biến như mô hình của Công ty TAVICO (Đồng Nai) hay Công ty Tiến Đạt (Quy Nhơn) là ví dụ. Trong mô hình này, công ty nhập khẩu nguyên liệu đóng vai trò là nguồn cung gỗ đầu vào cho các DN chế biến. Một dạng khác của liên kết này là mô hình cung cấp gỗ nguyên liệu rừng trồng cho công ty chế biến đồ gỗ xuất khẩu như Công ty Thanh Hòa (TP.HCM). Trong mô hình này, Công ty Thanh Hòa sẽ đi tìm hiểu nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu của các công ty chế biến. Dựa trên nhu cầu đó, Thanh Hòa kết nối với các xưởng xẻ để đặt hàng. Thanh Hòa cũng đầu tư tài chính cho các xưởng để đổi mới, nâng cao công nghệ và xây dựng một số lò sấy.
Liên kết giữa công ty nhập khẩu gỗ nguyên liệu và các làng nghề như TAVICO đang làm với các làng nghề gỗ tại Hố Nai (Đồng Nai). TAVICO chịu trách nhiệm đào tạo nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ trưng bày sản phẩm và bán hàng trực tiếp, phát triển kênh phân phối sản phẩm. Đổi lại, TAVICO được quyền cung cấp gỗ nguyên liệu cho các hộ làng nghề. Theo ông Võ Quang Hà, giám đốc TAVICO cho biết: “Kênh phân phối sản phẩm trong liên kết này chủ yếu phát triển trên kênh phân phối truyền thống có sẵn của làng nghề. Không ai làm marketing trong kênh truyền thống này giỏi hơn người dân. Họ là những người hiểu cách thức thiết kế của thị trường đang cần, biết hệ thống phân phối và thị trường”.
Mô hình liên kết phát triển trồng rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một trong những ví dụ điển hình về liên kết giữa công ty chế biến gỗ và các hộ trồng rừng vùng núi hiện đang phát triển mạnh tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Yên Bái, Tuyên Quang… Sự phát triển mô hình này do yêu cầu của Tập đoàn IKEA (liên kết IKEA) đối với các đối tác gia công, cung cấp cho tập đoàn này: Woodsland, NAFOCO (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu gỗ Nam Định), Scansia Pacific. Các công ty này liên kết với các hộ trồng rừng, hỗ trợ chi phí và kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chí FSC, cho vay ưu đãi nhằm kéo dài chu kỳ phát triển của cây nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn. Các hộ trồng rừng có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây đúng quy định của FSC, bán gỗ cho công ty đầu tư khi đến kỳ khai thác với mức giá cao hơn thị trường 10 – 15%.
Đến nay, NAFOCO đã hợp tác với 495 hộ trồng rừng tại huyện Yên Bình (Yên Bái) với 1.737ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và tiếp tục mở rộng hợp tác tại Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Tại Tuyên Quang, Woodsland đã hợp đồng với 197 hộ dân tại huyện Yên Sơn, hỗ trợ kinh phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho 848ha rừng. Công ty Scansia Pacific đã thỏa thuận bao tiêu và tài trợ chi phí đánh giá FSC cho 1.392ha rừng trồng tại Quảng Trị, hiện mở rộng thêm quy mô tại Thừa Thiên – Huế.
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFORES cho rằng: “Liên kết này là rất quan trọng, sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản là nguồn cung nguyên liệu gỗ được đáp ứng, đảm bảo nguồn gốc gỗ, truy xuất gỗ một cách dễ dàng và lợi nhuận của các bên đều đạt được. Liên kết này là xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam trong tương lai vì liên quan đến sản xuất theo chuỗi, vì thị trường thế giới đang yêu cầu khắt khe về việc sử dụng sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Cụ thể sản phẩm này sẽ đáp ứng được các yêu cầu tại các thị trường khó tính như Mỹ (với Đạo luật Lacey Act) hoặc các nước EU (trong khuôn khổ của Quy định về gỗ EUTR). Vì vậy, Việt Nam phải đi theo xu hướng liên kết này”.
Làm gì để hình thành liên kết trong ngành chế biến gỗ?
Theo Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, liên kết các khâu trong chuỗi cung là nhu cầu tất yếu của các ngành sản xuất kinh doanh bao gồm cả ngành chế biến gỗ. Với ngành gỗ, hạn chế về liên kết là do thiếu vắng giá trị cốt lõi: lòng tin và chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của thể chế trong việc tạo ra sự thay đổi theo hướng tăng trưởng về chất lượng và bền vững trong tương lai.
Ông Võ Quang Hà cho rằng để liên kết thành công thì các DN phải có cùng chí hướng, vì mục tiêu chung. Vai trò của nhà nước và các hiệp hội phải được nâng cao để kết nối những tầm nhìn chung, tạo cơ chế khuyến khích phát triển. Ông Hà ví von: “Nếu các DN là cầu thủ thì hiệp hội là huấn luyện viên, đi tìm và kết nối các cầu thủ ăn ý với nhau. Nhà nước như nhà tổ chức giải đấu, tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế để các đội bóng phát triển”. Với mô hình đang thực hiện, ông Hà cho rằng cần khuyến khích hình thành các chợ gỗ đầu mối hoặc thành lập các cụm công nghiệp để các DN tập trung vào một địa bàn. Đồng ý với đề xuất này, ông Điền Quang Hiệp bổ sung thêm, mấu chốt để liên kết phát triển bền vững là tạo chuỗi giá trị để giải quyết 3 yếu tố: nguyên liệu, sản xuất – chế biến, thị trường.
Với xu hướng liên kết giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng, các DN kiến nghị nâng cao vai trò của chính quyền địa phương và các hiệp hội có tiếng nói quyết định đến những đề xuất về cơ chế chính sách đi kèm: hướng đến đẩy mạnh việc giao đất cho các hộ, chuyển các phần diện tích đất các công ty lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả sang các hộ dân, vay vốn ưu đãi, đảm bảo tính ổn định và hạn chế các rủi ro trong các hợp đồng giữa công ty với chủ rừng.