Liên thông nguồn lực trước biến động toàn cầu

Mô hình “Liên thông nguồn lực” – một phương thức kết hợp công nghệ, chuỗi cung ứng linh hoạt, với chiến lược B2C (Business-to-Customer)/ D2C (Direct-to-Consumer) và thương mại điện tử có thể giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam tối ưu hóa hoạt động, thích nghi được với những biến đổi mới của thị trường.

Với cam kết “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh của thuế nhập khẩu 10% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, 25% đối với sản phẩm sắt thép, nhôm, chất bán dẫn, và khả năng mở rộng sang gỗ nguyên liệu cùng sản phẩm từ gỗ. Chính sách trục xuất người nhập cư trái phép và yêu cầu thương mại công bằng với các đối tác cũng tạo ra những thách thức lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cân nhắc những thách thức

Ngành nội thất, một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đang đứng trước những biến động lớn. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam đạt khoảng 16,5 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 55% thị phần. Tuy nhiên, các chính sách thuế quan mới có thể làm gia tăng chi phí kinh doanh, giảm lợi thế cạnh tranh và thay đổi dòng chảy thương mại nói chung.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt 123,5 tỷ USD vào năm 2024, đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia xuất siêu vào Mỹ. Điều này có thể dẫn đến các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn. Ngoài ra, các đồng minh của Mỹ như châu Âu, Canada và Mexico cũng chịu áp lực từ chính sách thuế quan 25%, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên phức tạp hơn.

Thích nghi và phát triển

Để vượt qua những thách thức này, DN nội thất Việt Nam chủ động thích ứng nhanh với biến động, có thể tham khảo mô hình “Liên thông nguồn lực” – một phương thức kết hợp công nghệ, chuỗi cung ứng linh hoạt, chiến lược B2C/D2C và thương mại điện tử để tối ưu hóa hoạt động.

Tiếp cận người dùng cuối: Thông thường, 100 USD giá FOB đồ nội thất tại Việt Nam có thể được bán với giá 300 – 400 USD tới người dùng tại Mỹ do chi phí phân phối cao (logistics, thương hiệu, chi phí bán hàng…). Nếu thuế nhập khẩu tăng lên 25%, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến các DN chỉ tập trung vào xuất khẩu FOB. Tuy nhiên, nếu DN trực tiếp bán sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng, tác động của thuế quan sẽ giảm đáng kể. Đây chính là chiến lược mà nhiều DN Trung Quốc đã và đang áp dụng khá thành công.

Ngoài ra, thay vì chỉ bán sản phẩm gia công, DN có thể cung cấp giải pháp tổng thể một gói không gian nội thất như cách mà AA Corporation, An Cường hay Trần Đức đang làm. Không chỉ các công trình đẳng cấp, tại Mỹ, nhu cầu giải pháp tổng thể cho nhà ở, căn hộ, khách sạn, khu thương mại, nhà hàng… rất nhiều nhưng chưa được đáp ứng tốt, thị trường Mỹ lớn vô cùng lên đến 140 tỷ USD/năm cho đồ nội thất và trang trí. Vì thế, nếu có thể tiếp cận đối tượng khách hàng này, DN vừa có thể gia tăng giá trị, vừa giảm thiểu tác động của biến động thuế quan.

Kết hợp với thương mại điện tử: Theo báo cáo của eMarketer, thương mại điện tử toàn cầu dự kiến đạt 6,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025, với nội thất chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Một số DN như Lâm Hiệp Hưng, Yes4All, Thành Thắng khi đã thành công bán online, DN mở rộng thêm mô hình B2C/D2C tại Mỹ, giúp giảm chi phí trung gian, tăng biên lợi nhuận và kiểm soát tốt hơn trải nghiệm khách hàng.

Để triển khai thành công mô hình này, DN cần:

+ Xây dựng nền tảng số mạnh mẽ: Đầu tư vào hệ thống thương mại điện tử kết nối với các nền tảng quốc tế như Amazon, Wayfair, Walmart.

+ Kết hợp kênh bán hàng online và offline (O2O): Duy trì showroom vật lý với quy mô vừa phải, kết hợp với showroom ảo, công cụ số để tạo dựng niềm tin với khách hàng, đồng thời đẩy mạnh kênh online nhằm tiếp cận thị trường toàn cầu với chi phí tối ưu.

+ Liên thông nguồn lực marketing và bán hàng: Xây dựng thương hiệu mạnh mẽ trên các nền tảng số, tối ưu hóa SEO, tự động hóa bán hàng. Xây dựng bộ phận vận hành chính ở Việt Nam để giảm chi phí và phải có đội ngũ ở bản địa để nắm bắt thị trường, kịp thời hiệu chỉnh tác nghiệp kinh doanh.

+ Xây dựng sự hiện diện tại thị trường mục tiêu: Việc chính thức hiện diện, có đại diện hoặc thông qua đối tác uy tín tại Mỹ, đặc biệt đối tác đã có mạng lưới, nguồn lực sẵn sẽ giúp DN nội thất Việt Nam thâm nhập thị trường nhanh chóng và an toàn hơn. Sự hiện diện này không chỉ hỗ trợ hoạt động bán hàng mà còn giúp DN nắm bắt nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa R&D, tạo ra những sản phẩm phù hợp đi vào hệ sinh thái ngành, từ nhà thiết kế, nhà thầu xây dựng đến nhà đầu tư hay chủ nhà.

Ngành nội thất Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn đầy biến động với những thách thức lớn từ chính sách thương mại mới của chính quyền Trump. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng mô hình “Liên thông nguồn lực” từ Việt Nam với các thị trường trọng điểm như Mỹ, DN có thể biến thách thức thành cơ hội. Khi mở rộng thị trường, tối ưu hóa chuỗi giá trị, ngành nội thất Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp tục phát triển đi sâu vào chân rết hệ sinh thái ngành tại các thị trường trọng điểm và khẳng định vị thế trên bản đồ nội thất thương mại toàn cầu.

Trần Việt Tiến

Bài viết liên quan