,

Lối nhỏ trên biển lớn

“Giữa một biển cơ hội, hoặc choáng ngợp và bị nhấn chìm, hoặc chiếm lĩnh một lối đi riêng” – Trung Bùi, nhà sáng lập thương hiệu đồ dùng nhà bếp bằng gỗ TIDITA nói vậy về hành trình bước ra đại dương xanh trên internet. Chàng kỹ sư ấy quyết định dấn thân vào ngành chế biến gỗ khi nhận thấy thương mại điện tử đang mở ra cánh cửa rộng cho những sáng tạo của người trẻ.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer, chỉ tính riêng tại Mỹ, tổng giá trị thương mại điện tử cho nhóm hàng nội thất và trang trí nhà cửa đã đạt mức 145,56 tỷ USD trong năm 2022.

Tận dụng lợi thế gỗ bản địa

Theo thống kê của Amazon, đây là ngành hàng tăng trưởng vượt trội trong 3 năm trở lại đây, liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.

“Trong danh mục này, các sản phẩm nội thất từ gỗ kích thước lớn như bàn ghế, khung kệ giường, giá tủ, gỗ lát sàn trong nhà và ngoài trời,… chiếm tỷ lệ cao với sự có mặt của nhiều nhà sản xuất lớn. Các thương hiệu mới, sở hữu nguồn vốn tương đối nhỏ sẽ khó cạnh tranh bởi thị trường toàn cầu còn có các nhà cung cấp lớn từ Trung Quốc, Mexico với lợi thế về giá cả, vận chuyển”, Trung Bùi phân tích.

Trong bối cảnh ấy, anh hiểu rằng cần phải tìm được một ngách sản phẩm nhỏ hơn, chưa được khai thác nhiều, còn khoảng trống để phát triển. Đồng thời phải tận dụng được thế mạnh sản xuất của Việt Nam. Tập trung nghiên cứu thị trường, tận dụng các công cụ hỗ trợ thống kê (Product Opportunity Explorer) của nền tảng bán hàng online, Trung nhận ra xu hướng các sản phẩm trang trí nhà cửa mang phong cách cổ điển đang được ưa chuộng. Anh quyết định khởi nghiệp bằng cách kinh doanh đồ gia dụng nhà bếp mang hơi hướng “home-decor” (trang trí nhà cửa) để tiếp cận khách quốc tế trên Amazon.

Các sản phẩm chủ lực của TIDITA bao gồm: khay gỗ đa năng, thớt gỗ, kệ sắp xếp đồ bếp đa năng, tấm che bàn bếp bằng gỗ… Lựa chọn đầu tiên cho đến nay, Trung vẫn cảm thấy đó là lựa chọn sáng suốt nhất trong quá trình khởi nghiệp là việc gắn bó với gỗ keo (Acacia), loại nguyên liệu rừng trồng phổ biến ở Việt Nam. Đây là chất liệu gỗ keo tự nhiên, giá cả hợp lý, có độ bền cao, thuận lợi cho việc chế tác những thiết kế tinh xảo của TIDITA.

Xuất thân là một kỹ sư, kim chỉ nam của Trung là phải không ngừng nghiên cứu và cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng quốc tế. Việc đầu tư cho R&D của TIDITA có định hướng cụ thể: tệp khách hàng Mỹ yêu thích dụng cụ bếp, phong cách thiết kế cổ điển, trang nhã, đảm bảo công năng cao. Các sản phẩm của TIDITA phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có vòng đời dài hơn nhờ tính độc đáo, khác biệt so với đối thủ.

Xây thương hiệu, gặt trái ngọt

Nói về năm 2017, thời điểm mới khởi nghiệp, vốn hạn hẹp, Trung cho biết không chỉ chịu lỗ, anh thậm chí còn rơi vào bế tắc. Ban đầu, Trung tìm kiếm nhà sản xuất đặt hàng các thiết kế của mình nhưng bất lợi lớn là nguồn cung không ổn định. Các xưởng lớn có thể đáp ứng đơn đặt hàng thì thường quá tải công suất; các xưởng nhỏ lại không thể đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trung quyết định tự mở xưởng sản xuất để chủ động về nguồn cung và đảm bảo giá thành. Anh chọn Bình Dương, thủ phủ của ngành gỗ để mở nhà xưởng, bởi ở đây nhân công có tay nghề cao, cũng như hệ sinh thái của ngành công nghiệp khá hoàn thiện để có thể đáp ứng được mô hình kinh doanh B2B lẫn B2C.

Khi đã ổn định được nguồn hàng, Trung bắt đầu mở rộng công tác xúc tiến thương mại. Anh cho biết, bí quyết để có lợi thế kinh doanh online là tận dụng các công cụ của Amazon để hiểu thị trường, nắm xu hướng và hiểu khách hàng. Bên cạnh đó, anh chú trọng xây dựng thương hiệu với việc đầu tư cho gian hàng online một cách bài bản: nội dung chỉn chu từ giới thiệu sản phẩm, hình ảnh sản phẩm được chụp chuyên nghiệp, cách liệt kê tính năng sản phẩm rõ ràng, dễ hiểu, kèm gợi ý về cách sử dụng sản phẩm… Kinh nghiệm bán hàng của anh là kết hợp sử dụng từ khóa hiệu quả để sản phẩm dễ tiếp cận với khách hàng. Cùng với đó, Trung đăng ký bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, xây dựng một gian hàng với độ tin cậy và ưa thích cao trong mắt người tiêu dùng quốc tế.

Nhà sáng lập TIDITA cho biết, xuất khẩu xuyên biên giới trên môi trường internet hiện nay đã rất thuận lợi do các nền tảng đều đã cung ứng dịch vụ hoàn thiện đơn hàng, giúp DN tối ưu chi phí vận hành và tập trung vào thế mạnh là phát triển sản phẩm và sản xuất. Dịch vụ này giúp đơn hàng đến tay khách hàng quốc tế nhanh, đáp ứng nhu cầu và tâm lý muốn nhận và dùng ngay sản phẩm vừa đặt hàng. DN vừa có thể gia tăng sự hài lòng của khách hàng, vừa giảm thiểu nhiều rủi ro hậu cần và tinh gọn bộ máy nhân sự.

Năm 2022, 90% các sản phẩm của TIDITA được đánh giá trên 4.5* trên Amazon với xếp hạng listing 10/10, liên tục đạt được tăng trưởng doanh số 300% trong vài năm trở lại đây. Trái ngọt này là kết quả của quá trình vừa nỗ lực thích ứng, vừa tìm kiếm xây dựng giá trị riêng. “Tận dụng tốt nguyên liệu bản địa và thế mạnh nhân công của Việt Nam, gia tăng thêm yếu tố sáng tạo, DN chế biến gỗ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp lớn trên thế giới”, nhà sáng lập TIDITA nói vậy.

Thu Ân

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác