,

Luật mềm buộc chặt

Ý tưởng về việc triển khai trung tâm phân phối ở thị trường trọng điểm là thiết thực và thực sự cần thiết, khi doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ Việt Nam muốn tham gia các phân khúc cao hơn của chuỗi cung ứng.

Mô hình này giúp DN có thể ứng nhu cầu cấp thiết của khách hàng, cũng như gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Nếu triển khai tại Mỹ, DN cần lưu ý về mặt pháp lý bởi sự khác biệt không hề nhỏ.

Hoa Kỳ có tới 50 tiểu bang. Mỗi tiểu bang có những luật lệ riêng về luật lẫn thuế. Vì vậy tìm được luật sư nắm rõ và có thể thích ứng với những khác biệt trong hệ thống pháp lý là vấn đề cần thiết. Xét về mặt luật pháp bản địa, những đòi hỏi trong hệ thống hành chính Mỹ sẽ rắc rối và phức tạp hơn. Ngoài những giấy phép cần thiết khi vận hành công ty, DN còn gặp phải nhiều vấn đề pháp lý khác như: cấu trúc DN, hợp đồng lao động với nhân viên, hợp đồng với đối tác…

Doanh nhân Việt Nam giao thương với nhau thường dựa vào sự tin tưởng, chữ tín của đối phương và những bản hợp đồng ký kết nhiều khi đơn giản chỉ là thủ tục. Ở Mỹ thì không như vậy. Những gì bạn nói, sự tin tưởng, hay sự đồng ý bằng miệng đều không có tính pháp lý thuyết phục bằng văn bản và hợp đồng. Vì vậy, các DN đều dựa vào hệ thống luật sư để có thể tư vấn, giải đáp, chỉnh sửa và thương lượng để bản hợp đồng được ký dựa trên sự thương luợng và đồng thuận giữa các bên. Ví dụ trong những bản hợp đồng hợp tác, đối phương có thể kèm những điều khoản độc quyền, hoặc không cạnh tranh với họ. Nếu không nắm rõ từng điều khoản, việc vận hành sẽ hàm chứa rủi ro rất cao.

DN cũng cần lưu ý, người tiêu dùng ở các quốc gia tiên tiến có quyền lực khá lớn. Khi tiếp cận trực tiếp thì dù là online hay offline cũng cần có những khuyến cáo rất cụ thể trên sản phẩm của mình. Câu chuyện cốc cà phê nóng khiến khách hàng bỏng 16%, buộc “ông hoàng fast food” McDonald’s phải bồi thường khoản tiền lên đến triệu USD là một ví dụ.

Tóm lại, muốn trực tiếp tham gia kinh doanh toàn cầu, ngoài sư chuẩn bị về nhân sự, chất lượng sản phẩm, DN cần có một kế hoạch chiến lược kinh doanh phù hợp và cần nhất là một đội ngũ am hiểu về thị trường và tâm lý tiêu dùng bản địa để kịp thời đáp ứng.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đồ nội thất sang thị trường Mỹ nhưng song song đó còn có thị trường châu Âu, Nhật, Hàn… Đây là những quốc gia tiên tiến, đặc biệt Hàn Quốc có hệ thống pháp luật khá giống Mỹ. Tôi tin rằng, khi đã có thể vận hành chặt chẽ, hiệu quả trung tâm phân phối ở Mỹ thì DN trong ngành hoàn toàn có thể triển khai mô hình trên sang các thị trường chủ lực khác. Từ đó, mở rộng khả năng thâm nhập thị trường thế giới cho sản phẩm nội thất Việt Nam.

Luật sư Thịnh Nguyễn

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác