,

Mở kết nối, đón tiềm năng

Với việc mang kết nối đến các làng nghề, Câu lạc bộ HAWA Miền Bắc hướng đến mục tiêu xây dựng nền tảng cho chuỗi cung ứng nội thất nội địa, tạo môi trường để các xưởng mộc có thể cùng nhau mở rộng thị trường mục tiêu.

Đại diện của gần 200 xưởng mộc đã có mặt trong chương trình Mộc Kết thứ hai, diễn ra ngày 25/11 tại Thạch Thất, Hà Nội. Đây là sự kiện do Ban Xúc tiến thương mại – Câu lạc bộ HAWA Miền Bắc phối hợp với Ban Sản xuất – Hội Nội thất Việt Nam (VNIA) tổ chức. Sự hiện diện của những người gắn bó với gỗ, đến từ các làng nghề mộc khu vực Thạch Thất như Hữu Bằng, Sài Sơn, Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu, Cần Kiệm… đã mang đến không khí sôi nổi cho chương trình kết nối này.

Con đường cùng phát triển

Ông Phạm Đức Thiềng, Trưởng ban Ban thư ký Câu lạc bộ HAWA Miền Bắc cho biết, thị trường 100 triệu dân trong nước rất tiềm năng, nhưng đang bị các thương nhân nước ngoài “nhòm ngó”. Nếu các làng nghề không chú ý đến việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, không tích cực chuyển đổi thì họ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. “Mộc Kết không chỉ đơn thuần là chuỗi các sự kiện giao lưu kết nối giữa các xưởng mộc, mà còn là biểu tượng cho tinh thần phát huy giá trị truyền thống trên sự chuyển dịch của thời đại”, ông Thiềng nói.

Sau thành công của Mộc Kết lần thứ nhất, thấy rõ tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo có thể mang đến những giá trị chung cho cộng đồng, ở lần gặp gỡ này, ban tổ chức đã mời được các diễn giả uy tín như ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty TNHH IGA Việt Nam; kiến trúc sư Lê Anh Tuấn, nhà sáng lập cộng đồng thiết kế VietCG; và thạc sĩ Trần Lê Hồng Vân, chuyên gia về chuỗi cung ứng. Những chia sẻ từ phía các chuyên gia đã mang đến thêm góc nhìn mới cũng như các giải pháp thiết thực cho những người gắn bó với gỗ.

Hoạch định chiến lược mới

Sở hữu hơn 25 năm kinh nghiệm về chuỗi cung ứng tại các tập đoàn lớn, chuyên gia Trần Lê Hồng Vân cho rằng, trong bức tranh chung, các làng nghề gỗ hiện đang yếu thế với nhiều áp lực xuất phát từ quy mô sản xuất nhỏ, không tập trung, nguồn nguyên liệu không ổn định, thiếu kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, thiếu các tiêu chuẩn chất lượng… Trong đó, áp lực lớn nhất là phải cạnh tranh giá cả với Trung Quốc. “Việc tạo ra một hệ thống cung ứng ổn định và hiệu quả, đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng và giá cả cạnh tranh cho các làng nghề lẫn doanh nghiệp (DN) là điều cần thiết nhất lúc này”, bà Vân tư vấn.

Theo bà Vân, chi phí quản trị chuỗi cung ứng chiếm 40-60% giá vốn. Do vậy, bà tập trung hướng dẫn các xưởng mộc cách xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng bài bản, một hoạt động rất quan trọng nhưng lâu nay các xưởng mộc chưa chú ý đến.

Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho các làng nghề mộc, kiến trúc sư Lê Anh Tuấn cho rằng, cần thiết phải giới thiệu phương thức sản xuất kinh doanh mới dành cho các xưởng nội thất nhỏ và vừa. Theo ông Tuấn, chỉ khi có được sản phẩm chủ lực, làng nghề mới có thể cạnh tranh tốt. Hiện sản phẩm của của các làng nghề mộc đang rất đại trà, thiếu đặc trưng và dàn trải, khách hàng nào cũng phục vụ. Nếu mạnh dạn tiến hành chuyển đổi số, tận dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác thiết kế sản phẩm, gia tăng kết nối với khách hàng, các làng nghề sẽ kiến tạo được giá trị riêng.

Xu hướng kinh doanh nội thất trên kênh thương mại điện tử đang phát triển và là cơ hội cho những đơn vị có khả năng cung ứng các sản phẩm nội thất thông minh cũng như có khả năng đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa của khách hàng. Chia sẻ lại chính bài học kinh nghiệm của IGA trong giai đoạn khó khăn, tận dụng kênh bán hàng mới để bứt phá, theo ông Nguyễn Văn Giáp, DN đã cho các làng nghề thấy được vai trò và tác dụng của quy trình ứng dụng công nghệ quản lý hoàn chỉnh, từ thiết kế đến sản xuất và kinh doanh. “Đây là điều mà các DN cũng như làng nghề đều cần để có thể tiết kiệm thời gian, nâng cao tính chuyên nghiệp cả trên nền tảng online lẫn offline”, ông Giáp chia sẻ.

Trong không khí cởi mở, cuộc gặp giữa DN nội thất và đại diện các làng nghề đã trở thành diễn đàn giao lưu, kết nối để hình thành nên mạng lưới hoàn chỉnh để tự cường trên chuỗi cung ứng, chinh phục thị trường nội địa, bao gồm: nhà thiết kế, nhà cung ứng, nhà sản xuất lẫn đơn vị kinh doanh. Ông Thân Quốc Tuấn, Trưởng Ban Xúc tiến CLB HAWA miền Bắc cho biết, ngoài việc khơi dậy niềm tự hào nghề nghiệp, thúc đẩy tinh thần làm nghề chân chính và truyền cảm hứng để các thợ mộc, chủ xưởng tiếp tục gắn bó, đóng góp vào sự phát triển của làng nghề, sự kiện còn mở ra cơ hội để các thế hệ trẻ tiếp cận với ngành gỗ theo một góc nhìn mới, không chỉ là giữ gìn giá trị truyền thống, mà còn là tận dụng những tiến bộ công nghệ để tạo dựng giá trị riêng. Nghĩa là, không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà còn phải nâng cao giá trị thương mại và văn hóa của sản phẩm gỗ Việt, giúp các làng nghề xây dựng thương hiệu và tăng tính cạnh tranh.

Thanh Lam

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác