Gỗ keo tràm đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Dư địa để phát triển nguồn nguyên liệu này khá rộng, đặc biệt ở khía cạnh tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Công bố của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2022 Việt Nam có 4,76 triệu ha rừng trồng, chủ yếu là các loài keo tràm, phân bố rộng rãi ở các vùng Đông Bắc (1,4 triệu ha), Bắc Trung bộ (0,9 triệu ha), Nam Trung bộ (0,8 triệu ha)… Năm 2022, Việt Nam khai thác khoảng 20,6 triệu m3 gỗ rừng trồng, sử dụng để sản xuất các mặt hàng khác nhau bao gồm đồ gỗ nội – ngoại thất, ván bóc/ván ép, MDF, dăm gỗ và viên nén.
Cơ hội rộng mở
Hiện gỗ keo đã tương đối phổ biến trong các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, gỗ keo có thể thay thế một số loại gỗ nhập khẩu hiện đang được sử dụng làm sản phẩm xuất khẩu. Vấn đề hiện nay là công tác quảng bá nguồn nguyên liệu này chưa được tổ chức bài bản. Xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường thế giới đang mở ra cơ hội cho nguồn nguyên liệu này. Xây dựng thương hiệu cho gỗ keo tràm với những thế mạnh như: gỗ hợp pháp, bền vững, là nguồn sinh kế quan trọng đối với các hộ nghèo là đồng bào dân tộc, giúp phủ xanh đất trống đồi trọc… tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các sản phẩm làm từ gỗ này có tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Song song với xuất khẩu là cơ hội đặc biệt lớn tại thị trường nội địa. Ít nhất có đến 3 nhóm mặt hàng có tiềm năng sử dụng gỗ keo; trong đó có các sản phẩm nội thất trong hệ thống sử dụng ngân sách công để mua sắm như bệnh viện, trường học, các cơ quan Nhà nước. Sản phẩm làm từ gỗ keo hoàn toàn có thể thay thế các sản phẩm làm bằng nhựa, gỗ tự nhiên hoặc gỗ nhân tạo.
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng trên dưới 2 triệu m3 gỗ từ rừng tự nhiên, bao gồm nhiều loài gỗ quý, từ trên dưới 30 quốc gia vùng nhiệt đới. Hầu hết nguồn gỗ nhập khẩu này được sử dụng tạo sản phẩm tiêu thụ nội địa, chủ yếu thông qua các làng nghề truyền thống như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Vạn Điểm (Hà Nội), La Xuyên (Nam Định). Một phần gỗ nhập khẩu được làm gỗ xây dựng. Sử dụng gỗ tự nhiên nhập khẩu với các rủi ro về tính pháp lý đã và đang tạo ra hình ảnh xấu cho ngành gỗ Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Với sản phẩm viên nén, hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất viên nén của các doanh nghiệp từ miền Trung trở ra phía Bắc chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu, gỗ thừa… từ gỗ rừng trồng. Đến nay hầu hết viên nén sản xuất ra là để xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết giảm phát thải, thay thế nguồn nguyên liệu có mức phát thải cao như than đá bằng các nguồn năng lượng sạch hơn, viên nén có tiềm năng rất lớn để thay thế nguồn nguyên liệu than đá hiện đang sử dụng trong các nhà máy điện và hệ thống nồi hơi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cầu viên nén nội địa tăng sẽ giúp nâng cao vị thế của nguồn gỗ rừng trồng.
Biến tiềm năng thành hiện thực
Khai thác tiềm năng đột phá của cây keo tràm trong tương lai đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Mô hình liên kết giữa công ty chế biến gỗ và các hộ trồng rừng giúp tiếp cận nguồn giống tốt và phương thức canh tác tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của gỗ. Nhà nước cũng cần có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hệ thống phân phối cây giống, hạn chế tối đa tình trạng giống trôi nổi như hiện nay. Đẩy mạnh công tác khuyến lâm cũng sẽ giúp các hộ tiếp cận tốt hơn với kiến thức khoa học kỹ thuật.
Nâng cao giá trị gia tăng cho gỗ thông qua việc tạo ra các sản phẩm chế biến sâu đòi hỏi các địa phương, đặc biệt tại những nơi có các diện tích rừng trồng lớn, đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Cơ chế chính sách có thể bao gồm việc ưu đãi tiền thuê đất, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp, ưu đãi về thuế, phí hỗ trợ thành lập hệ sinh thái ngành gỗ, hình thành liên kết giữa hộ và công ty…
Như đã nói, quảng bá thương hiệu gỗ keo tại các thị trường xuất khẩu đặc biệt quan trọng. Hoạt động này có thể thực hiện được thông qua hệ thống tham tán thương mại, qua các triển lãm quốc tế. Trong nước, chính sách mua sắm công cần ưu tiên sử dụng đồ gỗ được làm từ gỗ keo, có chứng chỉ, có nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quản lý chặt nguồn gỗ rủi ro nhập khẩu, tạo cơ hội cho nguồn gỗ trong nước thay thế cho phần nhập khẩu này. Ngoài ra, cũng nên có cơ chế đặc biệt, hạn chế các cơ sở phát thải cao sử dụng than đá và khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng sạch, bao gồm viên nén thay thế nguồn nhiên liệu phát thải cao.
Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các hoạt động này sẽ giúp biến các tiềm năng của nguồn gỗ keo nội địa thành hiện thực trong tương lai. Làm được điều đó, chính doanh nghiệp sản xuất nội thất sẽ được hưởng lợi đáng kể. Bởi nguyên liệu bản địa sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho ngành trên thị trường quốc tế.
Tô Xuân Phúc
Chuyên gia Phân tích chính sách, Forest Trends