Ngày 10/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức khởi xướng cuộc điều tra việc nhập khẩu gỗ (bao gồm gỗ, gỗ xẻ và các sản phẩm phái sinh như: sản phẩm giấy, đồ nội thất và tủ gỗ) vào Mỹ nhằm xem xét việc nhập khẩu này có đe dọa an ninh quốc gia hay không và có cần hành động để bảo vệ chuỗi cung ứng trong nước hay không.
Chính quyền Tổng thống Trump tin rằng ngành công nghiệp gỗ của Mỹ đang bị suy yếu bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Canada, Đức, Brazil và các nước khác, dẫn đến các nhà máy sản xuất gỗ của Mỹ phải đóng cửa và người lao động mất việc. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Viforest đánh giá cuộc điều tra này được xem là vấn đề quan trọng ở cấp chính phủ. Bộ Công Thương và các hiệp hội đã phối hợp với các bộ ngành liên quan để theo dõi chặt chẽ các diễn biến, trao đổi với cơ quan chức năng của Mỹ thông qua các kênh phù hợp.
Nguy cơ doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận
Hiện Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia nhập siêu vào Mỹ. Ngay khi có thông tin về cuộc điều trần, các hiệp hội đã đánh giá sơ bộ, đề xuất các giải pháp và Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã phản hồi nhanh chóng, cho thấy sự chủ động của các cơ quan quản lý Việt Nam.
Khác với cuộc điều tra chống lẩn tránh xuất xứ mang tên 301 trước đây, bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ Thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương) giải thích rằng cuộc điều tra lần này (mục 232) nhắm vào tất cả các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đây, điều tra 232 với nhôm thép ở Ấn Độ năm 2018 đã gây ra không ít khó khăn. Một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ đã phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Việc điều tra ngành gỗ lần này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của ngành xây dựng, nội thất Mỹ do tăng chi phí cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho nhà ở, có thể gây tác dụng ngược. “Mức thuế (nếu bị áp) sẽ không cao như thuế chống lẩn tránh xuất xứ nhưng các doanh nghiệp sẽ bị giảm lợi nhuận, dẫn đến tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của ngành”, bà Ngọc nói.
Chủ động ứng phó
Cuộc điều tra 232 được xem là hành động cụ thể bảo vệ ngành nội thất trong nước Mỹ, cũng phục vụ mục tiêu MAGA – khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại mà Tổng thống Trump luôn ấp ủ. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng Xử lý Phòng vệ Thương mại nước ngoài đánh giá việc đưa hoạt động sản xuất nội thất trở lại Mỹ là rất khó do đầu tư lớn, chi phí nhân công cao. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Mỹ chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Cáo buộc 232 sẽ bao trùm ảnh hưởng tất cả các quốc gia như: Trung Quốc, Mexico, Canada… Thậm chí Trung Quốc còn có thể chịu thuế chồng thuế nên năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn có thể duy trì. Bà Nga nhấn mạnh: “Việc tập trung vào các vấn đề cốt lõi mà DOC quan tâm và đưa ra các lập luận có căn cứ, thống nhất là rất quan trọng. Trước mắt, các bên liên quan nên hợp tác và đưa ra ý kiến, tập trung vào 7 vấn đề DOC quan tâm”.
Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp cùng các hiệp hội đang chuẩn bị số liệu để làm nổi bật nhu cầu nội thất của Mỹ, chứng minh năng lực và tính hợp pháp, bền vững của ngành gỗ Việt Nam (bao gồm nỗ lực chống gian lận xuất xứ). Trong đó sẽ tập trung lập luận Mỹ thiếu lao động lành nghề trong ngành gỗ, chứng tỏ thách thức trong việc tăng cung ứng nội địa, và việc áp thuế là không cần thiết, có thể gây gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát.
Ông Nguyễn Văn Diện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết kinh nghiệm làm việc với Mỹ là phải đối phó với các chính sách thay đổi, điều tra và kiện tụng liên tục. Ngoài đồ gỗ thành phẩm, phạm vi điều tra 232 có thể bao gồm các sản phẩm phái sinh từ gỗ tròn và gỗ xẻ. Ông Diện dự đoán khả năng sẽ có thêm nhiều vụ kiện khác trong thời gian tới. Do vậy các hiệp hội cần chung tay, nâng cao năng lực để đối phó.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cũng cho rằng các hiệp hội đóng vai trò chính trong việc phản hồi. Ở phía các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ cần theo dõi sát sao chính sách, diễn biến cuộc điều tra, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Mỹ khi được yêu cầu và liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội để được hỗ trợ.
Minh Anh