,

Người mới – tiếng nói mới

Biết đến và gắn kết với HAWA từ lâu nhưng đến nay mới quyết định tham gia vào ban chấp hành, những cái tên mới mang đến nhiệm kỳ IX những ấp ủ, trăn trở riêng nhưng tất cả lại cùng có cùng một mục tiêu: Góp phần xây dựng HAWA lớn mạnh hơn, mang đến cộng đồng doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực hơn.

 

Ông Đặng Công Quang – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam: Cánh tay nối dài

Với những hoạt động mang đến giá trị thiết thực cho các DN trong ngành, HAWA đã chứng minh được vai trò tiên phong của một tổ chức ngành nghề. .Tôi đánh giá cao về vai trò kết nối DN với các cơ quan quản lý, Hawa đã kịp thời đưa ra các chương trình vận động chính sách để hổ trợ các DN đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường châu Âu, Mỹ.

Tham gia vào BCH, tôi mong mình có thể mở rộng các kết nối giữa HAWA với những DN khu vực miền Trung, trở thành cánh tay nối dài để những hoạt động của HAWA có thể đến gần hơn nữa với cộng đồng DN trên cả nước.

Ông Huỳnh Lê Đại Thắng – Công ty Nội thất Nghĩa Sơn: Sức mạnh của sự gắn kết

Là một trong những DN tham gia thành viên HAWA từ thời kỳ đầu thành lập, tôi thực sự ấn tượng với những nỗ lực cống hiến của các thành viên BCH thời gian qua. Nhờ đó mà quy mô hiệp hội và những tác động của HAWA đến sự phát triển chung của ngành nội thất Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.

Đưa sản phẩm Việt Nam hiện diện nhiều hơn trên thị trường thế giới là giấc mơ của tất cả các DN trong ngành. Để làm được điều đó, ngành cần có được sức mạnh tổng hòa. Sức mạnh ấy có được từ những gắn kết sâu sắc hơn giữa các DN. Tôi hy vọng có thể góp sức mình vào việc tạo nên những gắn kết ấy.

Ông Vũ Hải Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland: Hoàn thiện chuỗi cung, lấy lại thị trường nội địa

Ngành nội thất Việt Nam có được nhiều hiệp hội đóng góp tích cực. Trong đó, HAWA gây ấn tượng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực bán hàng, vốn là điểm yếu của DN Việt Nam. HAWA cũng là tổ chức đưa ra những định hướng mang tính thời cuộc như: Chiến lược phát triển năng lực thiết kế, khuyến khích đội ngũ sáng tạo trẻ, theo đuổi mô hình ODM…

Tôi quyết định tham gia vào ban chấp hành (BCH) nhiệm kỳ IX với mong muốn thông qua hiệp hội, có thể góp sức mình hỗ trợ các chương trình nâng cao năng lực của các DN thành viên. Trước mắt là phát triển năng lực kinh doanh thông qua việc xây dựng thị trường nội địa và xa hơn là xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Không khó để nhận ra các DN Trung Quốc đang chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác trong khu vực. Chuỗi ấy rất gắn kết. DN Việt cần thiết lập được chuỗi cung ứng ổn định của riêng mình, tránh phụ thuộc để có thể tạo ra giá trị cạnh tranh tốt nhất. Làm được điều này là một thách thức lớn vì có nhiều mắt xích ngành vẫn chưa phát triển. Tôi hy vọng, tinh thần gắn kết các thành viên HAWA sẽ là chất keo gắn kết cho những hợp tác bền vững giữa các DN trong ngành, cùng chia sẻ nguồn lực để chinh phục mục tiêu tự cường trên chuỗi cung ứng.

Ông Lai Trí Mộc – Giám đốc Vietnam Housewares Corp: Chủ động nguồn nguyên liệu bền vững

Tham gia HAWA đã rất lâu, tôi ấn tượng với nhiệt huyết làm nghề của những anh em trong ngành. Tuy nhiên, mảng thủ công mỹ nghệ khá đặc thù nên cũng chưa có dịp tham gia nhiều trong các hoạt động của hội.

Tôi khá tâm đắc với thông điệp Tự cường trên chuỗi cung ứng mà nhiệm kỳ mới đề ra. Với kinh nghiệm gây dựng hệ thống cung ứng, triển khai sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủ công từ vùng Nam bộ, tôi hy vọng có thể góp sức cùng ban chấp hành nhiệm kỳ mới thiết lập nên vùng nguyên liệu bền vững cho ngành thủ công mỹ nghệ, gia tăng thêm hàm lượng sáng tạo để các sản phẩm Việt Nam tiếp tục chinh phục những thị trường mới. Thông qua đó, phần nào giải bài toán sinh kế cho người dân khu vực đồng bằng.

Ông Nguyễn Minh Cương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Gỗ Minh Long: Hoàn thiện hệ sinh thái để tự cường

Tôi tham gia mái nhà HAWA vào năm 2015, thông qua các hoạt động của CLB HAWA miền Bắc. Những kết nối với các thành viên HAWA thời đó cũng chỉ là hữu xạ tự nhiên hương, anh em trong ngành quý mến nhau, triển khai nhiều hoạt động kết nối, giao lưu nhưng sau thưa dần.

Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng lên lại là lúc anh em trong CLB gắn kết, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Khi ấy, tình cảm, tính tương trợ chính là sức mạnh để các DN trong CLB có thêm sức mạnh vượt khó. Cộng thêm những hỗ trợ thiết thực từ HAWA trong việc tác động tới chính sách hỗ trợ DN từ phía các cơ quan nhà nước, tôi nhận ra đây chính là môi trường tốt nhất để các DN nhỏ có thể cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh để có thể cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước những lựa chọn phong phú và trọn gói.

Những rào cản thương mại ngày càng lớn hơn, các quy chuẩn phát triển bền vững sẽ là thước đo cho khả năng thích ứng của ngành. Việc minh bạch ở thị trường nội địa sẽ giúp DN cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Do đó, để có thể vươn đến mục tiêu xa hơn là “Tự cường trên chuỗi cung ứng”, BCH mới sẽ cần chú ý đến việc tác động để có thể thiết lập những quy chuẩn hàng hóa, nguyên liệu riêng, phù hợp với các tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu để tất cả các DN trong ngành có được quy chuẩn chung. Khi có được thước đo cụ thể, DN cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc thiết lập mục tiêu phát triển cho mình.

Ông Lê Xuân Tân – Giám đốc điều hành Happy Furniture: Thế hệ nối tiếp thế hệ

Chuẩn bị cho một thế hệ kế thừa là điều mà bất kỳ ngành nghề nào cũng phải làm, nếu muốn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ấn tượng về ngành chế biến gỗ với nhiều người trẻ vẫn là làm việc trong nhà xưởng nóng bức, bụi mù, công nhân tay chân lấm lem… Muốn thu hút thế hệ kế thừa, cần xóa đi ấn tượng đó, cho người trẻ thấy được lộ trình, tương lai phát triển. Đồng thời, tạo môi trường cho họ trải nghiệm, tiếp xúc để từng bước nuôi dưỡng đam mê.

Tôi mong có thể góp một phần sức nhỏ vào giấc mơ lớn của ngành.

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác