Các tòa nhà bằng gỗ hiện nay có thể được xây dựng cao hơn và nhanh hơn.
Nhà bằng gỗ sẽ ngày càng phổ biến hơn. Ít nhất, đó là lời đoan chắc của Tập đoàn AB Engineering France, có trụ sở ở Nanterre, ngoại ô Paris (Pháp).
Cao hơn, nhanh hơn
Hoạt động chính là nghiên cứu kỹ thuật đa ngành, trong đó có xây dựng công trình và kèm theo đó là văn phòng thiết kế với sản phẩm là khung gỗ đang phát triển mạnh, tập đoàn này đã đặt cược rằng công trình xây dựng bằng gỗ sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.
Trên thực tế, trong khi các công trình xây dựng bằng gỗ phổ biến khắp Đại Tây Dương và vùng sông Rhine thì các loại nhà bằng gỗ có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Pháp. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng, các tòa nhà bằng gỗ ngày nay có thể được xây dựng cao hơn và nhanh hơn. Trước đây độ cao công trình chỉ giới hạn khoảng 4 hoặc 5 tầng, nay các tòa nhà bằng loại vật liệu này đã tăng lên đáng kể. Kỹ thuật dán nhiều lớp theo hướng ép gỗ chéo (CLT: Cross Laminated Timber) cho phép xây dựng công trình gỗ cao hơn 15 tầng. Kỹ thuật này làm tăng đáng kể khả năng chịu lực và khả năng chịu tải của kết cấu gỗ.
Được xây dựng ở London, thủ đô Vương quốc Anh, The Stadthaus là nơi tiên phong mở đường cho các tòa nhà cao tầng bằng gỗ. Tòa nhà gỗ 9 tầng tuyệt đẹp này cung cấp 29 đơn vị nhà ở (tư nhân và xã hội) cũng như nhiều văn phòng ở tầng trệt. Trong số những đặc điểm đáng kinh ngạc của tòa nhà này, chúng ta có thể lưu ý đến các bức tường, sàn nhà, cầu thang bộ và thang máy, tất cả đều làm bằng gỗ. Các bức tường chịu lực cũng được làm bằng gỗ. Thông tin đáng ngạc nhiên khác liên quan đến tòa nhà do kiến trúc sư Waugh Thistleton thiết kế này là thời gian xây dựng và số người làm việc tại chỗ. Chỉ cần 3 công nhân, một quản đốc trong vòng 9 tuần đã lắp ráp xong tòa nhà. Xây dựng bằng gỗ còn mang lại lợi ích về sinh thái. Thậm chí rất sinh thái khi việc sử dụng gỗ đã tránh được quá trình phát thải gần 310 tấn CO2.
Chiến lược Carbon thấp
Để khuyến khích phát triển xây dựng bằng gỗ và vật liệu có nguồn gốc sinh học (như rơm rạ), Chính phủ Pháp đã thực hiện chiến lược carbon thấp và thông qua luật chuyển đổi năng lượng cho tăng trưởng xanh. Do đó, Chương trình Đầu tư tương lai (PIA) cung cấp cho các thành phố quan tâm khoản ngân sách 5,8 triệu euro để thực hiện các dự án xây dựng nhà cao tầng bằng gỗ. Khoản tiền này nhằm mục đích khuyến khích xây dựng sinh thái từ 5 đến 10 tòa nhà bằng gỗ và năng lượng tích cực cao đến 15 tầng. Khoản ngân sách này dựa trên tòa nhà 8 tầng bằng gỗ đầu tiên của Pháp, được xây dựng trong vòng chưa đầy một năm ở vùng Saint-Dié-des-Vosges dành cho công ty chuyên xây dựng nhà ở xã hội Toit Vosgien. Được gắn nhãn “xây dựng sinh thái” tòa nhà này được kết cấu bằng cách lắp ghép 700 khối hộp gỗ đúc sẵn trong xưởng. Rơm được bịt kín trong các vách ngăn để mang lại chất lượng cách nhiệt rất hiệu quả.
Ngoài mức tiêu thụ năng lượng rất thấp nhờ khả năng cách nhiệt được kiểm soát hoàn hảo, ưu điểm vượt trội của xây dựng bằng gỗ là chống lại lượng khí thải CO2 một cách bền vững. Thật vậy, theo Văn phòng Thiết kế Carbon 4, sản xuất 1m3 bê tông thải ra 471kg khí nhà kính (GES). Trong khi đó, việc sản xuất cùng một lượng CLT tương đương với việc lấy đi 460kg Carbon khỏi cân bằng khí quyển trong toàn bộ tuổi thọ của tòa nhà. Vì vậy, trong khi đối với nhà ở tập thể được xây bằng bê tông, mỗi mét vuông sẽ thải ra 420kg khí nhà kính thì 1m2 xây từ gỗ sẽ loại bỏ 60kg Carbon khỏi khí quyển. Do đó, đối với một ngôi nhà rộng 30m2, 15 tấn khí thải nhà kính được loại bỏ khỏi khí quyển, tương đương với 44 năm sưởi ấm bằng khí đốt cho ngôi nhà này.
Chưa hết, khi kiến trúc sư hợp sức với kỹ sư xây dựng, tham vọng của họ dường như vô hạn. Công ty Michael Green Architecture của Canada và DVVD của Pháp đã cùng REI France thiết kế tòa nhà cao tầng bằng gỗ cao nhất từng được xây dựng. Đây là dự án Baobab, một tòa nhà 35 tầng được họ thiết kế để dự cuộc thi mang tên Tái tạo Paris (Reinventer de Paris). Dự án quy mô lớn có khả năng không để phát tán 3.700 tấn CO2, tương đương với lượng khí thải của 2.207 ô tô trong một năm. Ngoài khả năng không để phát tán CO2, CLT còn mang lại nhiều lợi ích khác. Dạng gỗ này có độ ổn định kích thước tuyệt vời và tốc độ thực hiện tối ưu về lắp ráp, xây dựng. Với đặc tính linh hoạt và nhẹ nhàng ở gỗ và vẻ ngoài thẩm mỹ tự nhiên khiến nó trở thành vật liệu được các kiến trúc sư đánh giá cao. Mặt khác, hiệu suất nhiệt và âm thanh, độ bền cơ học cao và khả năng chống cháy khiến nó trở thành vật liệu xây dựng phù hợp cho các công trình nhà ở cao tầng.
Lan Nhã