,

Nhân lực: Nhìn từ chuỗi giá trị ngành chế biến gỗ

Thời gian trước, nguồn nhân lực ngành gỗ bị đánh giá là có chất lượng không cao. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ nhà trường và doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện.

Nhu cầu nhân lực ngành gỗ không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các ngành, từ thiết kế – sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính, công nghệ…

Cải thiện năng suất

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), chế biến gỗ có tiềm năng phát triển và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, ngành gỗ đang có quy mô hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy (chưa kể hàng triệu lao động có liên quan). Tuy nhiên, chỉ 20 – 30% trong số đó được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70 – 80%). Đáng nói, số lượng kỹ sư ngành chế biến lâm sản, thiết kế nội thất chỉ chiếm 1 – 2%, quá bé nhỏ để tạo ra sự thúc đẩy và sức sáng tạo cho ngành.

Trước mục tiêu đạt doanh số 20 tỷ USD vào năm 2025, đồng nghĩa nguồn nhân lực cần phải tăng về số lượng và chất lượng với khoảng 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân kỹ thuật. Lao động khác trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến trung gian và công nghiệp phụ trợ sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với hiện tại.

Hiện nay, cả nước có 5 trường đại học đào tạo kỹ sư chế biến lâm sản, kỹ nghệ gỗ và nội thất, thiết kế nội thất, hàng năm tuyển khoảng 600 sinh viên. Ngoài ra còn có 7 trường nghề với quy mô khoảng 600 học viên. Như vậy, kỹ sư từ các trường đại học đào tạo ra cung không đủ cầu, các trường đào tạo nghề không thu hút được học viên ngành chế biến gỗ, các DN thiếu nguồn nhân công lành nghề có khả năng sử dụng những thiết bị tự động, điều khiển số. Đây chính là nguyên nhân có ý kiến đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành gỗ không cao.

Tuy nhiên, nhờ nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, thời gian qua các DN đã đầu tư nâng cao tay nghề cho công nhân, liên kết với các trường học, viện nghiên cứu để nâng cao kỹ năng cho cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật… Nhờ đó đã giúp chất lượng nhân lực của ngành có biến chuyển. Bên cạnh đó, 10 năm gần đây Chính phủ đã có đãi ngộ và các làng nghề rất quan tâm đào tạo nhân lực trẻ để tạo ra nhiều các nghệ nhân, thợ mộc có trình độ cao.

Cơ hội vàng

Việt Nam đã bước vào thời kỳ đỉnh cao của “cơ cấu dân số vàng”. Đây là “cơ hội vàng” tận dụng nguồn nhân lực cho phát triển. Song thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chỉ kéo dài từ 15 đến 40 năm tùy thuộc vào chính sách dân số của từng quốc gia và khả năng tận dụng “cơ hội vàng” để bứt phá.

Đặc điểm nổi bật của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay là đa số còn trẻ, có sức bật nhanh, thuận lợi cho việc đào tạo phát triển, tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Với ngành gỗ, ngoài yếu tố trẻ còn có yếu tố khéo léo. Đáng tiếc, sức hút của ngành gỗ với giới trẻ chưa cao nên đòi hỏi một giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Có một thực tế không vui là trong lúc ngành lâm nghiệp đang cần nhân lực, tái cơ cấu, đi vào thời kỳ công nghệ cao thì nguồn đào tạo lại có xu hướng giảm. Đơn cử, năm 2023 đầu vào của các trường nông nghiệp nói chung giảm về số lượng và nhân lực trình độ cao như tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư. Điều đó buộc chúng ta phải nhận thức đúng nguyên nhân của tình trạng trên để có giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các giải pháp

Để thu hút nhân lực trẻ có tay nghề cao, DN chế biến gỗ cần có những giải pháp thiết thực và Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ ngành chế biến gỗ, coi đó là ngành trọng điểm đặc thù.

Chọn kênh tuyển dụng chuyên nghiệp: Muốn thu hút ứng viên giỏi, DN cần lựa chọn kênh tuyển dụng chuyên nghiệp, hiệu quả. Nội dung tuyển dụng phải rõ ràng, nêu được vị trí tuyển dụng, số lượng, yêu cầu cụ thể về công việc, chế độ phúc lợi, mức lương và các thông tin liên hệ để ứng viên nắm được và có ấn tượng tốt về DN.

Quy trình tuyển dụng chuyên nghiệp: Nhà tuyển dụng cần xây dựng hình ảnh DN bằng cách áp dụng quy trình tuyển dụng khoa học.

– Chính sách đãi ngộ, phúc lợi tốt: Cần đưa ra một số chính sách đãi ngộ tốt nhằm thu hút ứng viên trẻ, giỏi. Ngoài ra chính sách phúc lợi cũng được nhiều người quan tâm, nhà tuyển dụng cần tận dụng các lợi thế, điểm mạnh về chính sách của DN để thu hút ứng viên giỏi.

Văn hóa doanh nghiệp: Văn hóa DN cởi mở, thân thiện là điều mà nhiều ứng viên giỏi tìm kiếm.

Phối hợp với các trường đại học tìm kiếm ứng viên trẻ, tài năng: Ngoài các web tuyển dụng, DN có thể tìm kiếm ứng viên trẻ tại các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề; trao học bổng cho sinh viên giỏi, tổ chức những cuộc thi tìm kiếm ứng viên tài năng, phối hợp với các trường đưa sinh viên về thực tập tại công ty…

Ngành gỗ cũng có thể tạo ra hình ảnh về sự sáng tạo, năng động bằng việc tổ chức các chương trình về sáng kiến đổi mới. Ngay cả công nhân cũng có thể liên tục sáng tạo trong công việc hằng ngày. Nếu biết khai thác và tận dụng thì sẽ nhận được rất nhiều giá trị mới và thúc đẩy sự sáng tạo cũng như tăng sự hấp dẫn đối với nhân lực chất lượng cao, nhân lực trẻ.

NGND-GS-TS. Trần Văn Chứ Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác