,

Nhiều dư địa cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Hoa Kỳ

Chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất.

Trị giá xuất khẩu gỗ tới thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, với kim ngạch chiếm 88,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm tới thị trường Hoa Kỳ, đạt 2,1 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 748,5 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 588,9 triệu USD, giảm 4,6%…

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tới Hoa Kỳ đạt 257,2 triệu USD, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2022 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới Hoa Kỳ cũng tăng trưởng mạnh như gỗ, ván và ván sàn đạt 221,6 triệu USD, tăng 39,1% so với năm 2021; tiếp theo là mặt hàng cửa gỗ đạt 7,2 triệu USD, tăng 75,1%.

Bước sang tháng 4/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giữ đà tăng trưởng, đạt 1,59 tỷ USD, tăng 12% so với tháng 4/2021. Tính chung, 4 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 59,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hòe – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt, là từ cuối năm ngoái đến nay, nguyên nhân là do các sản phẩm gỗ của Trung Quốc trở lên đắt đỏ, chủ yếu do thu nhập của người Trung Quốc tăng lên nên chi phí nhân công cao. Bên cạnh đó, những năm gần đây, gỗ nội địa của Việt Nam phát triển mạnh do trồng rừng được bao phủ. Kết hợp với việc các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào Việt Nam, thị trường đầu vào là các nguyên liệu, vật tư đi kèm để sản xuất gỗ, trình độ sản xuất gỗ của các doanh nghiệp nói chung và của các công nhân người Việt cũng đã tăng nhanh.

Cộng với quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng khăng khít, và các Hiệp định thương mại tự do khiến hoạt động giao thương trở lên thông suốt, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã tin tưởng hơn các doanh nghiệp Việt Nam về cả năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, ý thức sản xuất bền vững cũng như tuân thủ được các tiêu chuẩn về hóa chất, về an toàn cũng như luật pháp Hoa Kỳ.

Dư địa tăng trưởng kèm theo nhiều thách thức

Chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất. Dư địa đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn rất lớn tại thị trường này, nên cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu là rất khả quan. Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 4,1 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, với tỷ trọng chiếm 33,9% trong 2 tháng đầu năm 2022. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, EU, Mexico, Malaysia…

Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng với ngành gỗ của Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp ngành này đang gặp một số trở ngại như thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu, giá gỗ nguyên liệu tăng cao….

Hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, biến động về giá cước vận tải trong 2 năm trở lại đây tác động rất lớn đến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới Hoa Kỳ. Hai năm trước, giá cước mỗi container 40 feet đi Hoa Kỳ khoảng 4.000 – 5.000 USD, hiện đã tăng 19.000 – 20.000 USD.

Hiện tại, gần như 100% mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu bán giá FOB. Song, giá cước tăng cao, thị trường Việt Nam không chỉ mất tính cạnh tranh mà doanh nghiệp cũng không thu được lợi nhuận như mong muốn khi phía đối tác đề nghị giảm giá, chia sẻ rủi ro giá cước tăng phi mã. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng thêm biến động về giá cước vận tải khiến doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn.

“Hệ lụy chi phí logistics sinh ra một nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đó là sự dịch chuyển đơn hàng. Hay nói cách khác, Hoa Kỳ và EU sẽ tăng cường sản xuất tại một số nước Nam Mỹ và một số nước Đông Âu. Ở đó họ cũng có những nguyên liệu rừng, cũng có mức giá cạnh tranh, có thể chi phí sản xuất, chi phí nhân công họ cao hơn nhưng bù lại với lợi thế về địa lý, chi phí logistics sẽ giảm mạnh. Đây là thách thức đối với doanh nghiệp Việt”, ông Nguyễn Sỹ Hòe chia sẻ.

Trước bài toán về sự tăng giá nguồn nguyên liệu đầu và chi phí logicstics, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) – cho rằng, để doanh nghiệp tiếp tục gia tăng xuất khẩu gỗ tại thị trường Hoa Kỳ, nhà sản xuất, doanh nghiệp và người mua hàng cùng nhau chia sẻ khó khăn này. Nghĩa là lợi nhuận của nhà sản xuất, nhà phân phối và người mua hàng giảm xuống mức có thể để cùng tồn tại, đợi chuỗi logistics phục hồi. Về phía nhà sản xuất, có thể thay đổi một số mẫu mã, kết cấu, nguyên liệu cho một dòng sản phẩm nào đó để đảm bảo rằng giá có thể giảm và nhà nhập khẩu vẫn bán được. Bên cạnh đó, cần xem lại chuỗi sản xuất của doanh nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí.

Nguồn: Báo Công Thương

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác