Mỗi vật liệu trong một thiết kế đều đóng vai trò riêng nhưng phải cùng hòa quyện để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là tạo nên một sản phẩm có hồn và đầy cảm xúc.
Tôi sinh ra và lớn lên tại làng mộc Hòa Bình, thuộc khu Hố Nai – Biên Hòa – Ðồng Nai, nơi mùi hương của gỗ đã trở thành một phần không thể tách rời trong nhịp sống thường ngày. Từ những ngày còn thơ, các mảnh gỗ vụn đã là món đồ chơi đầu tiên do chính tay tôi tạo nên. Những ký ức sâu đậm đó đã gieo trong tôi một niềm tin mãnh liệt rằng mỗi thiết kế trong không gian nội thất không chỉ đơn thuần là một sản phẩm mà phải là một tác phẩm nghệ thuật kể câu chuyện về sự kết nối giữa cảm xúc, con người và vật liệu.
Linh hồn của gỗ
Tôi luôn tin rằng, gỗ không chỉ là một nguyên liệu, mà nó còn là linh hồn và ngôn ngữ đầy sống động để thể hiện những ý tưởng lớn lao của người chế tác. Chính những ký ức tuổi thơ đã trở thành nền tảng cho sự tò mò không ngừng và giúp tôi khám phá những chiều sâu mới trong thiết kế. Mỗi sản phẩm tôi tạo ra không chỉ nhắm đến công năng, mà còn mong muốn trở thành một phần của bức tranh lớn hơn, kể câu chuyện về văn hóa và con người.
Trong mỗi thiết kế, tôi tìm kiếm sự giao tiếp thầm lặng giữa nội thất và con người. Một chiếc ghế hay một chiếc bàn không chỉ dừng lại ở vai trò của một vật dụng, mà phải trở thành cầu nối cảm xúc – từ ánh nhìn đầu tiên đến cảm giác khi chạm vào.
Từ khi bắt đầu, tôi đã hiểu ra rằng: thiết kế là sự cân bằng giữa chức năng và thẩm mỹ. Nhưng hơn thế, nó còn là hành trình khám phá và học hỏi không ngừng, nơi mỗi sản phẩm là một biểu tượng của sự kết nối bền vững giữa nghệ nhân, nhà thiết kế và người sử dụng.
Tôi luôn xem việc kết hợp các vật liệu trong thiết kế là một nghệ thuật, đòi hỏi sự cân bằng tinh tế. Ðây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tạo nên những tác phẩm độc đáo, kể câu chuyện riêng qua ngôn ngữ thị giác và cảm xúc.
Tôi luôn tuân thủ một số nguyên tắc chính để đạt được sự hài hòa: Ðiều đầu tiên và quan trọng nhất là phải hiểu rõ bản chất của từng vật liệu. Gỗ mang lại cảm giác ấm áp và gần gũi, bê-tông thể hiện sự mạnh mẽ và vững chãi, trong khi kim loại lại sắc nét và hiện đại, còn mây lại gợi lên nét thủ công truyền thống. Khi đặt các vật liệu này cạnh nhau, sự tương phản giữa chúng không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của từng thành phần mà còn tạo ra sự cân bằng tinh tế.
Giữ lại giá trị thủ công truyền thống
Mỗi vật liệu trong một thiết kế đều đóng vai trò riêng nhưng phải cùng hòa quyện để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là tạo nên một sản phẩm có hồn và đầy cảm xúc. Tôi luôn tìm cách giữ lại giá trị thủ công truyền thống trong cách xử lý vật liệu, như cách đan lát thủ công từ mây hoặc xử lý gỗ để làm nổi bật vân tự nhiên.
Tôi luôn tôn trọng vẻ đẹp nguyên bản của gỗ. Nhưng cũng phải nhận ra rằng việc biến tấu nó chính là cách để tạo ra những giá trị mới mẻ và độc đáo hơn. Ðiển hình như phủ chàm lên gỗ không chỉ là một kỹ thuật mà còn là một cách kể câu chuyện về văn hóa và truyền thống. Ðây là cách tôi kết nối với các giá trị bản địa, chẳng hạn như kỹ thuật nhuộm chàm của người H’Mông, vốn đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Lớp chàm không chỉ làm mới bề mặt gỗ mà còn gợi lên một cảm giác hoài cổ lẫn hiện đại.
Khi làm việc với vật liệu này, tôi thường cân nhắc ba yếu tố quan trọng:
- Khám phá tiềm năng tự nhiên: Gỗ có vân, màu sắc và mùi hương riêng, điều này tạo nên sức hút riêng biệt cho từng loại. Tôi luôn cố gắng làm nổi bật những đặc điểm tự nhiên này thay vì che lấp chúng. Ví dụ, trong một số thiết kế, tôi chọn chỉ phủ một lớp dầu bảo vệ để giữ nguyên vẹn sự tự nhiên của bề mặt gỗ.
- Kết nối văn hóa và truyền thống: Một số kỹ thuật như nhuộm chàm hay đánh bóng bằng sáp ong không chỉ làm tăng độ bền mà còn tạo giá trị thẩm mỹ.
- Sáng tạo qua cách xử lý: Tôi thường thử nghiệm với các kỹ thuật như đốt cháy bề mặt để tạo hiệu ứng than hóa hay sử dụng sơn mài truyền thống để làm nổi bật các đường nét. Những kỹ thuật này không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên mà còn tạo thêm chiều sâu cho sản phẩm.
Tuy nhiên, mọi tính toán đều dựa trên sự cân nhắc về mục đích sử dụng và cảm xúc mà sản phẩm mang lại. Gỗ có thể giữ nguyên vẻ đẹp nguyên bản, nhưng khi được xử lý một cách sáng tạo và tinh tế, nó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật, vượt qua ranh giới của chức năng để đạt giá trị cảm xúc và thẩm mỹ cao hơn.
Ðừng quên nguyên liệu bản địa
Việt Nam có lợi thế đặc biệt về nguồn nguyên liệu tự nhiên, với các loại gỗ bản địa như gỗ tràm, kết hợp cùng nguyên liệu đặc sắc như cỏ bàng, cói, và tre. Những vật liệu này không chỉ phong phú về chủng loại mà còn nổi bật với tính độc đáo trong đặc trưng.
Chẳng hạn như với cây tre, là minh chứng cho sự linh hoạt khi vừa mềm dẻo vừa bền vững. Qua các kỹ thuật xử lý hiện đại như ép nhiệt, tre có thể biến thành vật liệu chịu lực cao, đủ khả năng thay thế gỗ cứng trong các ứng dụng nội thất. Cỏ bàng và cói lại mang vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc, kết nối trực tiếp với thiên nhiên, trong khi vẫn tạo nên sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Ðội ngũ thiết kế cùng trang lứa với tôi, các bạn nhận thức rõ giá trị của việc khai thác nguyên liệu bản địa. Sự sáng tạo với tre, cỏ bàng không chỉ mang lại sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn tạo ra một sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Khi được xử lý đúng cách, những vật liệu này không chỉ đơn thuần là nguyên liệu, mà còn là linh hồn, giúp định hình bản sắc thiết kế nội thất tại Việt Nam.
Nhà thiết kế Huy H. Nguyen