Ngành công nghiệp nội thất của Trung Quốc đang giữ vị trí hàng đầu trên thế giới, dự kiến sẽ tăng trưởng hằng năm 11,57% trong giai đoạn 2022 – 2026. Theo dữ liệu của Hiệp hội Nội thất Quốc gia Trung Quốc, có 6.647 doanh nhiệp nội thất đang hoạt động, doanh thu tích lũy là 800,46 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, tăng 13,5% so với năm 2020.
Quy mô của ngành nội thất Trung Quốc đã tăng đều đặn, với sản lượng chiếm khoảng 39% nội thất toàn thế giới. Hiện, 5 khu công nghiệp nội thất chính ở Trung Quốc tập trung 90% năng lực sản xuất, bao gồm Khu công nghiệp nội thất Đồng bằng sông Châu Giang, Khu công nghiệp nội thất Đồng bằng sông Dương Tử, Khu công nghiệp nội thất Bohai Rim, Khu công nghiệp nội thất Đông Bắc và Khu công nghiệp nội thất phía Tây. Thời gian gần đây, cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành nội thất Trung Quốc đang có sự chuyển đổi về nơi sản xuất, dần chuyển đến các vùng ven biển, các thành phố hoặc quận vừa và nhỏ như Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, Sơn Đông, An Huy… doanh nghiệp vẫn giữ hoạt động R&D và trụ sở chính ở các thành phố lớn.
Đáng chú ý, dù xuất khẩu nội thất hàng đầu thế giới nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu nội thất không ít. Tổng lượng nội thất nhập khẩu ở Trung Quốc là 58,39 tỷ USD vào năm 2020.
Thân thiện, thông minh và cá nhân hóa
Là một trong năm quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nhiều nhất, Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng. Nhưng để chinh phục người dùng Trung Quốc không đơn giản. Trước hết, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng đồ nội thất làm từ vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường. Nhu cầu này không chỉ nảy sinh vì mối quan tâm đến môi trường mà còn vì sợ hóa chất gây hại cho sức khỏe của khách hàng.
Một xu hướng khác có thể thấy rõ là nội thất đặt làm riêng. Tất nhiên, xu hướng này chủ yếu xuất hiện ở phân khúc khách hàng cao cấp. Nhưng với tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang gia tăng nhanh chóng thì đây cũng là một xu hướng đáng quan tâm.
Cuối cùng, nội thất thông minh đang trở thành xu thế chính. Theo báo cáo theo dõi hằng quý của IDC về thị trường thiết bị nhà ở thông minh ở Trung Quốc, thiết bị nhà ở thông minh tại Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 230 triệu sản phẩm vào năm 2021, tăng 14,6%. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Huawei và Xiaomi, cũng như những gã khổng lồ về internet như Baidu và JD.com đang tích cực quảng bá đồ nội thất thông minh với các sản phẩm đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Haier, gã khổng lồ thiết bị gia dụng tại Trung Quốc, cung cấp các giải pháp dưới thương hiệu Sanyiniao, bao gồm ban công, nhà bếp, hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, cấp nước,…
Hợp tác với nhà phân phối địa phương
Có một số kênh phân phối được sử dụng trong ngành nội thất Trung Quốc. Thứ nhất là các kênh bán hàng truyền thống. Các nhà sản xuất đồ nội thất bán hàng thông qua nhà phân phối hoặc thành lập các cửa hàng bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Ví dụ cho kênh này là chợ nội thất, trung tâm mua sắm nội thất cao cấp, và các chợ kiểu nhà kho như IKEA. Kênh bán hàng hiện đại hơn như thương mại điện tử đang là xu hướng ngày càng tăng ở nước này.
Bạn có thể mua bất cứ thứ gì trên mạng, đồ nội thất cũng không ngoại lệ. Các nhà sản xuất nội thất bán hàng thông qua các cửa hàng trực tuyến có uy tín, chẳng hạn như Aliexpress, Taobao hoặc Jingdong, hoặc mở cửa hàng trực tuyến riêng. Xu hướng thương mại điện tử của Trung Quốc và xu hướng nội thất đặt làm riêng đã kết hợp với nhau rất hiệu quả. Các cửa hàng nội thất trực tuyến thường cho phép lựa chọn tùy chỉnh sản phẩm theo ý thích của khách hàng.
Có ba cách để một công ty nội thất nước ngoài có thể thâm nhập vào ngành nội thất Trung Quốc: Xuất khẩu sang Trung Quốc với bao bì gốc, thông qua các hợp đồng ký gửi sản xuất và thành lập một công ty tại địa phương.
Đồ nội thất được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài có thị phần tương đối thấp ở Trung Quốc vì thường được bán với giá cao và được coi là sản phẩm cao cấp. Thông qua hợp đồng sản xuất, các thương hiệu nội thất nước ngoài sẽ ủy thác cho các nhà máy Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, nếu thương hiệu không được đăng ký là công ty ở Trung Quốc, thì công ty đó không thể bán đồ nội thất được sản xuất ra ở Trung Quốc. Do vậy, công ty chỉ có thể thâm nhập thị trường thành công bằng cách hợp tác với một nhà phân phối có kinh nghiệm ở địa phương. Nếu theo đuổi chiến lược này, họ sẽ không gặp rắc rối khi đăng ký và quản lý tổ chức của mình ở Trung Quốc.
Cuối cùng, các thương hiệu và công ty nước ngoài có thể thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (WFOE) để gia nhập ngành nội thất Trung Quốc. Doanh nghiệp WFOE tại Trung Quốc là công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) được thành lập bởi 100% vốn nước ngoài (hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài). Điều này ngụ ý rằng WFOE được sở hữu 100% bởi các cổ đông nước ngoài. Sau khi đăng ký, nhà máy của WFOE tại Trung Quốc được phép sản xuất, gia công đồ nội thất và bán trực tiếp cho thị trường quốc gia này.
Diệp An tổng hợp