Ngày 10/1/2025, đơn hàng đầu tiên trong năm 2025 của Thành Thông CNC bàn giao thành công. Hệ thống CNC trung tâm 37 trục, dài 9 mét, phức hợp đa chức năng như mộng âm dương, khoan, xẻ rãnh, phay tiện… phục vụ doanh nghiệp chế biến gỗ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo ông Đỗ Sĩ Nga, nhà sáng lập Thành Thông CNC, thiết bị chế biến gỗ ứng dụng tại thị trường Việt Nam ngày càng hiện đại, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất.
* Sau thời gian thiếu đơn hàng khiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng, công nghiệp nội thất Việt Nam đã tìm được đà tăng trở lại trong năm 2024. Theo quan sát của ông, xuất khẩu tích cực có khiến nhu cầu trang bị thêm máy móc, thiết bị từ các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ gia tăng?
– Dựa vào đơn hàng của riêng Thành Thông thời gian qua cho thấy nhu cầu máy móc phục vụ sản xuất nội, ngoại thất lẫn thủ công mỹ nghệ đều tăng nhẹ. Bước sang năm 2025, những tín hiệu tích cực từ phía thị trường quốc tế đã khiến DN tự tin hơn trong các quyết định đầu tư.
Nếu so sánh với các quốc gia cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… hàm lượng công nghệ trong ngành chế biến gỗ Việt Nam đã vượt xa. Các DN đã có CNC, có cánh tay robot… Thế nhưng, nếu so sánh với những đối thủ cạnh tranh như Đức, Ý… chúng ta vẫn đi sau một bước. Từ vài năm trước, DN Đức đã ứng dụng AI vào sản xuất nội thất. Đến thời điểm này thì AI trở thành lợi thế cạnh tranh của họ.
* Rào cản nào khiến DN Việt Nam còn e dè với những công nghệ hiện đại?
– Chi phí đầu tư là trở ngại lớn vì thiết bị hiện đại luôn có giá cao. DN Việt Nam chưa sẵn sàng cho những khoản đầu tư này. Mặt khác, đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để có thể vận hành hệ thống hiện đại trong nước thực sự chưa nhiều.
Thực tế, năng suất lao động thấp đang là một trong những điểm yếu của ngành. Trong bối cảnh áp lực nhân công đang ngày lớn, lợi thế nhân công giá rẻ sẽ sớm không còn. Cộng thêm đòi hỏi về chất lượng, độ chính xác tăng cao từ phía các đơn vị đặt hàng, DN sẽ cân nhắc nhiều hơn đến việc tận dụng sức mạnh công nghệ để thay thế con người.
* Ông có thể cung cấp bài toán về hiệu suất đầu tư khi trang bị thiết bị hiện đại?
– Công nghệ sản xuất nội thất đã kết hợp hoàn hảo giữa AI và CNC. Chỉ vài thao tác đơn giản và vài giây để scan, nesting tối ưu, lọng CNC và cho ra các chi tiết hoàn chỉnh. DN chỉ cần hoàn thiện bề mặt và đóng gói sản phẩm. Thậm chí, những tình huống khó trong dây chuyền sản xuất trước đây như phần tựa của lưng ghế cũng được xử lý mượt mà, nhanh chóng.
Hệ thống tự động sẽ giải phóng sức lao động. Hình ảnh các nữ công nhân chân yếu tay mềm cũng có thể điều khiển máy cắt ống, hộp kim loại… thay thế hoàn toàn hàng loạt thao tác uốn, cắt… cần rất nhiều sức lực lẫn thời gian trước đây.
Công nghệ AI cũng đã thay con người vẽ và lọng, hai thao tác thách thức lớn trong chuyền sản xuất. Sau thao tác scan tự động, máy có thể lọng ra chi tiết, bỏ qua các thao tác thủ công như vẽ, làm rập… Máy cũng tự động nhận diện khuyến tật của gỗ, loại bỏ bìa vỏ, sắp xếp tối ưu nhiều sản phẩm lên cùng một tấm gỗ. Cả chuyền sản xuất chỉ cần 2 công nhân thay vì 8 như hiện tại, tăng năng suất lên 30 – 40%, tiết kiệm được hơn 10% nguyên liệu và độ chính xác thì tuyệt đối.
Rõ ràng công nghệ đã mở đường cho bài toán hiệu suất lao động, hiệu suất kinh doanh dù khoản đầu tư ban đầu không nhỏ.
* Hiện Thành Thông đang cung ứng những thiết bị hiện đại nào?
– Thành Thông đã chế tạo thành công chuyền ghép sử dụng công nghệ IoT. Chúng tôi cũng đã cung ứng hệ thống ứng dụng công nghệ AI, 3D để hỗ trợ DN sản xuất thực hiện các chi tiết không cần vẽ, không cần lọng…
Các ứng dụng này đều đã trải qua quá trình thử nghiệm kéo dài 36 tháng, trên 50 hệ thống vận hành ngày đêm để đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả nhất. Điều đặc biệt là công nghệ AI của Mỹ, nhưng các dây chuyền công nghệ cao này đều là thiết kế của Việt Nam và tỉ lệ nội địa hóa lên đến 70%. Điều này cho phép giá thành hệ thống giảm rất nhiều, mở ra cơ hội cho các DN trong ngành tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại.
* Đầu tư khá nhiều thời gian lẫn công sức nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất… Thành Thông có dự định gì trong tương lai với các chuyền sản xuất hiện đại này?
– Ngoài thị trường trong nước, chúng tôi có định hướng sẽ tiếp cận những thị trường tiềm năng như Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia… Nhu cầu tiêu dùng nội thất toàn cầu vẫn được đánh giá cao và dự báo tăng thời gian tới. Cơ hội cho các đơn vị chế tạo máy, cung ứng thiết bị sản xuất nội-ngoại thất cũng không hề nhỏ.
* Xin cảm ơn ông!
Mộng Long thực hiện