,

Sáng tạo sẽ giải quyết được hiệu suất lẫn chi phí

Tám tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản phẩm chủ lực là ghế, nội thất phòng khách, nội thất phòng ngủ và đặc biệt là tủ kệ bếp… Theo ông Gregoire Mercie, Giám đốc thương mại khu vực Châu Á, mảng Sơn gỗ hoàn thiện, AkzoNobel, gia tăng hàm lượng sáng tạo trên nền tảng của hoạt động gia công là cách để doanh nghiệp Việt Nam giữ vững lợi thế cạnh tranh.

* Năm 2023, dù có giảm so với năm 2022 nhưng nội thất nhà bếp vẫn là mảng sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, chiếm gần 9% doanh số. Là đối tác cung ứng giải pháp bề mặt hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, ông đánh giá thế nào về khả năng tăng trưởng trở lại của phân khúc này?

– Ngành tủ kệ bếp Việt Nam đã có cơ hội thay da đổi thịt sau làn sóng dịch chuyển đơn hàng. Những khách hàng lớn của AkzoNobel từ Trung Quốc cũng đã dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để có lợi thế phục vụ cho khách hàng ở thị trường Mỹ. Dù đã bị ảnh hưởng không ít bởi đợt sụt giảm vừa qua nhưng tôi tin rằng thị trường sẽ có xu hướng tăng trưởng trong năm nay, sau khi đã phục hồi từ những biến động của năm 2023. Tôi dự đoán rằng thị trường sẽ ngày càng ổn định hơn khi Cục Dự trữ Liên bang thực hiện việc cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ và hỗ trợ các lĩnh vực liên quan như thị trường nhà ở và nội thất, đặc biệt là tủ bếp.

* Sự trở lại của đơn hàng sau thời gian thị trường tạm thời “đóng băng” có mang theo yêu cầu mới cho các đơn vị sản xuất?

– Sự thay đổi lớn nhất hiện nay là những ràng buộc về tính bền vững. Hầu như mọi thị trường đều yêu cầu các sản phẩm phải thân thiện với môi trường hơn và tuân thủ các tiêu chuẩn mới nhất về môi trường. Các DN sản xuất nội, ngoại thất nói riêng và các ngành khác đều phải đáp ứng yêu cầu này.

Ông Gregoire Mercie, Giám đốc thương mại khu vực Châu Á, mảng Sơn gỗ hoàn thiện, AkzoNobel

Khía cạnh thứ hai, các nhà sản xuất đòi hỏi sản phẩm phải giúp cho hoạt động của họ hiệu quả hơn về năng suất, chi phí để có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh. Hai yêu cầu trên buộc AkzoNobel phải tốt hơn ngày hôm qua, không ngừng cải tiến cả năng suất lẫn chất lượng. Trong chuỗi giá trị, chất lượng từng nguyên vật liệu cũng là một phần rất quan trọng của toàn bộ chi phí. Khi lựa chọn được những đơn vị cung ứng có chất lượng tốt, chi phí sản xuất của DN cũng sẽ giảm.

* Tâm lý tiêu dùng ngày nay thay đổi rất nhanh, các sản phẩm nội ngoại thất cũng được lựa chọn theo mùa, theo style… thì việc đảm bảo chất lượng có cần thiết?

– Khách hàng của AkzoNobel là những DN FDI và DN nội địa cung ứng nội thất cao cấp. Trong phân khúc tủ kệ bếp, khách hàng đòi hỏi các nhà cung ứng phải luôn tốt hơn. Chất lượng không phải là thách thức với AkzoNobel. Thứ áp lực mà những con người AkzoNobel tự đặt cho mình là việc không ngừng sáng tạo, cải tiến liên tục, trên tất cả các phân khúc, tất cả các khía cạnh: tính bền vững, chất lượng, năng suất và đặc biệt là những đổi mới trong thiết kế.

Như đã nói, vấn đề tiết giảm chi phí đang là đòi hỏi lớn từ phía các DN sản xuất. Chúng tôi tin rằng sáng tạo sẽ giải quyết được bài toán hiệu suất lẫn chi phí.

* Là một công ty nổi tiếng với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN sản xuất nội thất, AkzoNobel có chính sách cụ thể nào cho các nhà sản xuất tủ bếp Việt Nam?

– AkzoNobel không chỉ tập trung vào lĩnh vực đồ nội thất, không riêng tủ kệ bếp, mà với tất cả các DN sản xuất tủ bếp, AkzoNobel đều xây dựng mối quan hệ đồng hành thay vì chỉ đơn thuần là cung ứng. Là một trong số ít tập đoàn cung ứng sơn toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi hỗ trợ các DN trong toàn bộ hành trình từ từ thiết kế, sản xuất đến tận khi ra thị trường, dù công đoạn đó đang được thực hiện trong các nhà máy Việt Nam hay các phòng thiết kế ở Hoa Kỳ hoặc, châu Âu… Đội ngũ chuyên gia của AkzoNobel có mặt khắp thế giới, sẵn sàng đến làm việc ngay tại xưởng sản xuất nội thất, hỗ trợ đối tác lên thiết kế bề mặt mới, cùng nghiên cứu giải pháp và thậm chí là chăm sóc khách hàng giai đoạn hậu mãi nếu có những phát sinh thuộc chuyên môn.

AkzoNobel đã tổ chức thành công các studio nghiên cứu màu sắc toàn cầu, đặc biệt là ở thủ phủ của nội thất thế giới như Mỹ. Chúng tôi có thể hỗ trợ các DN sản xuất nội thất đưa ra các tư vấn về xu hướng màu sắc, bề mặt… giúp đón đầu thị hiếu.

* Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những khác biệt mà AkzoNobel có thể mang đến cho các DN sản xuất nội thất và tủ bếp không?

– Khác biệt đầu tiên là đội ngũ kỹ thuật AkzoNobel gắn bó trực tiếp tại xưởng sản xuất nội thất, đảm bảo kỹ thuật và quy trình thi công bề mặt được diễn ra chính xác nhất. Trước đây, tủ bếp thường trung thành với lớp hoàn thiện trong suốt, mang đậm dấu ấn truyền thống. Tuy nhiên, xu hướng thiết kế hiện đại đã mang đến một làn gió mới với sự lên ngôi của các màu sắc tự nhiên (pigmented colors), đáp ứng thẩm mỹ của thế hệ người dùng trẻ.

Là một tập đoàn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, các chứng chỉ chứng nhận sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường của AkzoNobel phù hợp với những đòi hỏi mới trong tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, thời gian thi công cũng được rút ngắn, giúp các DN tiết kiệm năng lượng lẫn nhân lực. AkzNobel cũng đang có kế hoạch triển khai hệ sơn gốc nước ứng dụng vào đồ nội thất và ngoại thất tại thị trường Việt Nam.

* Xuất khẩu tủ bếp đạt gần 1 tỷ USD vào năm 2023 và tăng đáng kể trong tám tháng đầu năm 2024, ông dự đoán tình hình tăng trưởng cuối năm thế nào?

– Mảng tủ kệ bếp Việt Nam hiện tại được đánh giá đang tăng trưởng khoảng 25% đến 30%. Trong phân khúc này, AkzoNobel đã tăng trưởng hơn 50% trong nửa đầu 2024. Có nghĩa chúng tôi đang phát triển nhanh hơn thị trường và các giải pháp chúng tôi cung cấp thực sự hiệu quả.

Thị trường Mỹ đang dần ổn định, các nhà sản xuất tủ bếp Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi. AkzoNobbel xác định nguồn cung ứng tủ bếp cho thị trường quốc tế vẫn tập trung ở Việt Nam. Đây cũng là nơi chúng tôi đặt tất cả nỗ lực và đầu tư. Do vậy, bên cạnh các tiêu chí hiện có, AkzoNobel đang đẩy mạnh đầu tư về sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể hỗ trợ tối đa cho các DN sản xuất. Đây là con đường để có thể cùng nhau phát triển.

* Cảm ơn ông.

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường tủ bếp toàn cầu ước tính đạt 75,66 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 96,05 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng ở tốc độ CAGR là 4,89% trong giai đoạn 2024 – 2029.

Trần Mai thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác