Thành lập văn phòng và triển khai 6 kho hàng tại các tiểu bang trọng điểm, đảm bảo giao hàng trong 48 giờ là con đường “danh chính ngôn thuận” mà Nghĩa Sơn đầu tư để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ bằng chính thương hiệu của mình.
* Khởi nghiệp từ năm 2006, gần hai thập kỷ qua, Nghĩa Sơn tập trung nhiều cho việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nguyên nhân nào khiến thời gian gần đây, Nghĩa Sơn chú trọng hơn thị trường Mỹ?
– Từ khi khởi nghiệp, cũng như các doanh nghiệp (DN) khác trong ngành, hoạt động của Nghĩa Sơn tập trung vào gia công, sản xuất và sản phẩm chủ lực là tấm vỉ lót sàn ngoài trời. Giai đoạn cao điểm, 3 nhà máy của chúng tôi quy tụ hơn 1.000 nhân lực. 80% sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, còn lại phục vụ thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Bám sát các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, Nghĩa Sơn theo đuổi nghiêm túc các yêu cầu quốc tế, từ chính sách phát triển con người của BSCI đến tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững của FSC, ISO; gần đây là tuân thủ các quy định của EUDR và cơ chế CBAM. Đến bây giờ, châu Âu vẫn là thị trường chính yếu trong hoạt động gia công sản xuất của Nghĩa Sơn. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt trội của thương mại điện tử (TMĐT), chúng tôi đã mở thêm một hướng đi mới. Và, con đường này phù hợp với thị trường Mỹ.
* Cụ thể, ông thấy được cơ hội nào cho ngành nội thất ở Mỹ?
– Theo báo cáo mới nhất từ Amazon Global Selling, TMĐT ngành nội – ngoại thất tại Mỹ hiện đang tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, đạt 165 tỷ USD vào năm 2024. Kênh bán hàng này giúp DN trực tiếp tiếp cận khách hàng và đòi hỏi họ phải đầu tư các giá trị khác trên chuỗi cung ứng như thiết kế, thương mại, marketing… Thực tế thời gian qua, các chuỗi siêu thị nội thất, mô hình bán hàng nội thất truyền thống tại Mỹ nói riêng và các nước châu Âu nói chung đều đã giảm sút trước sự càn quét của các nền tảng TMĐT.
DN nội thất Việt Nam đã sở hữu thế mạnh sản xuất nhưng phần lớn vẫn bằng lòng với hiện tại. Đợt suy giảm đơn hàng của năm 2023 khiến DN trong ngành phải xem lại mô hình sản xuất và hoạch định con đườg phát triển bền vững hơn. Tôi nghĩ, TMĐT sẽ là cánh cửa đưa ngành nội thất Việt Nam đến với những giá trị mới.
* Các DN Trung Quốc đã rất nhanh khi bắt được làn sóng mua hàng nội thất online. Liệu các DN nội thất Việt Nam có có khả năng cạnh tranh trên môi trường này?
– Đúng là DN Trung Quốc rất giỏi. Trung bình, họ có thể đạt doanh số 300 đến 800 triệu USD/năm trên môi trường online. Tôi từng tiếp cận các DN bán được 1 tỷ USD nội thất trên các nền tảng. Họ nhanh và mạnh dạn trong đầu tư hệ thống, từ logistics đến kho bãi. DN Trung Quốc đang gần như đã sở hữu hoàn chỉnh chuỗi cung ứng nội thất online của họ trên khắp nước Mỹ.
Nói như vậy không có nghĩa là DN Việt không thể tham gia. Thị trường lớn và còn khá mới nên cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Thời gian qua, khá nhiều DN Việt đã mạnh dạn tham gia thị trường này. Trong đó, DN phía Bắc có vẻ nhanh chân hơn một chút.
* Ông có thể chia sẻ cách thức Nghĩa Sơn đầu tư cho bán hàng qua TMĐT tại Mỹ?
– Đặc thù của người mua hàng online là đòi hỏi giao hàng nhanh. Ngoài kho Amazon, Nghĩa Sơn tổ chức hệ thống 6 kho hàng ở Mỹ, phần lớn ở bờ Tây để kịp tiến độ giao hàng trong 48 giờ. Ngoài việc đầu tư thiết kế sản phẩm, chúng tôi gây dựng thương hiệu riêng là Victory Relax Group và đầu tư hệ thống nhận diện thương hiệu, marketing, hình ảnh… rất bài bản.
Hai năm đầu, chúng tôi lỗ nặng nhưng khi quan sát lại thị trường, nắm bắt xu hướng mua hàng của khách online, chúng tôi đã điều chỉnh kịp thời. Hiện mức độ đón nhận của khách hàng khá tốt, trung bình 100 đơn hàng/ngày. Với các DN kinh doanh nội thất online, nếu đầu tư bài bản, khả năng có thể đạt 1.000 đơn/ngày là trong tầm tay. Tất nhiên, để đạt được con số ấy không dễ. Hành trình khá gian nan, đòi hỏi nhiều nỗ lực.
* Chiến lược nào ông sẽ áp dụng để phát triển Victory Relax Group tại Mỹ?
– Với tôi, TMĐT như biển lớn, với rất nhiều nền tảng như Amazon, Wayfair… DN nào khỏe hơn thì có khả năng bơi xa hơn. Một DN Việt Nam sẽ khó thể cạnh tranh trực tiếp với các DN Trung Quốc vì họ quá nhanh, tiềm lực quá lớn. Tuy nhiên, DN Việt có thể liên kết, tận dụng thế mạnh bù trừ cho các yếu điểm của nhau, tôi nghĩ khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn.
Bài học trong những thất bại thời gian qua đã cho Nghĩa Sơn kinh nghiệm quý báu để có thể phát triển trong môi trường TMĐT. Nhưng, xuất phát là đơn vị gia công, giới hạn của Nghĩa Sơn hiện nay là nguồn hàng chưa phong phú. Chúng tôi hướng đến việc mở rộng liên kết với các nhà máy sản xuất nội thất trong nước để có thể cùng nhau làm, cùng nhau phát triển.
Trong ba năm tới, mục tiêu của tôi là 100% sản phẩm của Nghĩa Sơn sẽ xuất khẩu theo mô hình B2C. Tôi tin, khi không phụ thuộc vào đơn hàng gia công, tiếp cận được người dùng bằng chính thương hiệu và thiết kế của mình, DN mới đảm bảo được con đường phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
Hoàng Yên thực hiện