,

Ông Lê Xuân Tân – Giám đốc điều hành Happy Furniture: Mục tiêu rõ ràng – chuyển đổi dễ dàng

Chuyển đổi xanh là mục tiêu và ước mơ của nhiều doanh nghiệp. Ở giai đoạn đầu của hành trình này, chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ chuyển đổi thành công và đã có không ít doanh nghiệp thất bại. Theo ông Lê Xuân Tân, dù đối mặt với nhiều thử thách, thực hiện chuyển đổi từ bây giờ là cách trang bị lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

 

* Đơn hàng được ghi nhận là đã trở lại sau đợt sụt giảm sâu của năm 2023. Tuy nhiên, đánh giá từ các doanh nghiệp (DN) cho thấy ngoài việc dung lượng đã thu nhỏ hơn, đơn hàng còn xuất hiện nhiều yêu cầu hơn trước như giảm giá, rút ngắn thời gian giao hàng, đặc biệt là các tiêu chuẩn về tiêu dùng bền vững. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng này?

– Nếu xét theo chu kỳ tăng trưởng thì việc sụt giảm chung của kinh tế thế giới dẫn đến tình trạng thiếu hụt đơn hàng của ngành chế biến gỗ thời gian qua. Đơn hàng đã trở lại nhưng các tín hiệu phục hồi không đảm bảo cho tiến trình phát triển bền vững.

Những đòi hỏi mới từ phía người mua hàng buộc DN phải điều chỉnh để thích ứng. Tôi cho rằng đây là bước chuẩn bị cần thiết cho những thay đổi lớn hơn của DN trong ngành. Lợi thế nhân công giá rẻ sẽ không còn kéo dài. DN chỉ còn khoảng hơn 2 năm nữa để tái cơ cấu trước khi đối mặt với khủng hoảng tiếp theo về mặt nhân lực.

* Như vậy việc tái cơ cấu cần tập trung vào những giá trị nào, thưa ông?

– Để gia tăng năng lực nội tại, thích ứng được những đòi hỏi mới của thị trường, cần có một chiến lược chuyển đổi tổng hòa từ chuyển đổi số đến chuyển đổi xanh. DN phải ứng dụng máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, giảm lệ thuộc lao động và đạt được các tiêu chuẩn phát triển bền vững thì mới có thể tiếp cận thị trường quốc tế.

Về chuyển đổi số, hiện công nghệ chế biến gỗ đã phát triển cả về chất và lượng, với những ứng dụng rất hiện đại, độ chính xác cao, thậm chí ở những nước phát triển tiên tiến, quá trình này đã tích lũy được tư liệu sản xuất, dữ liệu lớn  Big Data và từ đó áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình thiết kế và sản xuất,  phân phối sản phẩm. Lợi thế đi sau giúp DN trong ngành có thể lựa chọn được các thiết bị công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với mục tiêu sản xuất.

Hệ thống sạc pin cho xe điện trong nhà máy thay thế xe chạy bằng dầu. Ảnh: Quý Hòa

Với chuyển đổi xanh, các đòi hỏi mới từ thị trường nhập khẩu như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Quy định chống mất rừng của EU (EUDR)… dù chưa thực sự rõ ràng về chi tiết từng chỉ số nhưng cơ bản cũng đã giới hạn ở những tiêu chí cụ thể. Tiến trình chuyển đổi chắc chắn phát sinh nhiều vấn đề, sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao độ từ đội ngũ lãnh đạo DN.

Cũng cần lưu ý là quá trình chuyển đổi này gắn liền với tài sản lớn nhất của DN là con người. Mọi hoạch định, chính sách của DN đều cần được gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người lao động. DN có thể đối chiếu với khung giá trị của bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường-xã hội-quản trị DN) để có được hoạch định tốt nhất trong quá trình chuyển đổi.

* Câu hỏi mà phần lớn các DN hướng tới chuyển đổi số lẫn chuyển đổi xanh đều quan tâm hiện nay là: Bắt đầu từ đâu?

– Như một người bệnh, cần phải hiểu chính mình đang trục trặc ở đâu để trình bày với bác sĩ. DN cần phải “thăm khám” chính mình, xem mong muốn của DN là gì, các vướng mắc đang ở đâu trong nội tại và thậm chí là xem xét nguồn lực tài chính, nhân lực… xem mình có thể “chữa trị” theo phác đồ nào. Bước tiếp theo là nhờ đến đơn vị tư vấn độc lập khảo sát và đưa ra những tư vấn phù hợp. Khai bệnh đúng thì chữa trị mới hiệu quả chứ!

* Vấn đề thời gian thì sao?

– Tôi nghĩ việc chuyển đổi càng sớm càng tốt. Lộ trình áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững mới đã được EU đưa ra cụ thể. Đối chiếu với ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là hải sản, đã bị gắn thẻ vàng do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý… Ngành nội thất không chuyển đổi kịp thời thì cũng có nguy cơ bị gắn thẻ như vậy.

DN cũng cần thiết hoạch định cho mình lộ trình thời gian chuyển đổi cụ thể. Với mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để không bị mất phương hướng.

* Theo ông, hiệp hội cần có những hoạt động nào để hỗ trợ DN trong quá trình chuyển đổi xanh lẫn chuyển đổi số?

– Chuyển đổi là vấn đề và nhu cầu nội tại của DN, mang đến lợi ích cụ thể cho DN. Hiệp hội hay các cơ quan ban ngành không thể làm thay cũng như kêu gọi hay thúc đẩy DN chuyển đổi.

Trong vai trò dẫn dắt, hiệp hội có thể hỗ trợ các DN kết nối, tạo không gian chia sẻ những khúc mắc, những kinh nghiệm thực tiễn để các thành viên có được cái nhìn tổng thể hơn. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn phát triển bền vững hay các chỉ số ESG đều là khung giới hạn chung cho tất cả các ngành. Với thế mạnh là quy tụ được các chuyên gia, hiệp hội có thể lựa chọn từng tiêu chí phù hợp với DN chế biến gỗ. Như việc đưa ra “dress code” để các DN trong ngành có được bộ tiêu chuẩn chung. Điều này sẽ giúp các DN tránh được những thiếu sót và đầu tư dàn trải.

* Ông có thể chia sẻ cụ thể các mục tiêu mà Happy Furniture đề ra cho quá trình chuyển đổi?

– Chúng tôi đang tiến hành từng bước nhỏ với những hoạt động giảm phát thải, giảm tiêu thụ tài nguyên, vật liệu, kiểm soát năng lượng, lựa chọn các công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh… Nhà máy được tổ chức đảm bảo các nguyên tắc an toàn lao động, tiết kiệm sức lao động bằng các công cụ hỗ trợ sản xuất như bàn nâng, xe điện… để quá trình sản xuất tinh gọn, không nặng nhọc.

Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng được các tiêu chí xanh trong 3 năm tới để có thể tiến hành khảo sát đánh giá các chứng chỉ bền vững.

* Xin cảm ơn ông.

Quý Khang thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác