Hơn 4.000 con người đang làm việc ở 4 nhà máy được xem là một trong những “tài sản” quan trọng mà Hukon có được sau gần 10 năm đầu tư ở Việt Nam. Để có thêm nguồn lực chuyên môn, gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất, kinh nghiệm của Hukon là xây dựng mối quan hệ đồng hành với đối tác.
* Là một thương hiệu đến từ Singapore, ông có thể chia sẻ nguyên nhân Hukon quyết định đầu tư vào Việt Nam?
– Gia đình tôi có truyền thống làm việc trong ngành nội thất. Tôi có dịp đến Việt Nam nhiều lần cho cả mục tiêu kinh doanh lẫn du lịch và yêu mến đất nước này, nhưng phải đến năm 2019 tôi mới quyết định chính thức đầu tư vào Việt Nam. Đây là thời điểm, theo tôi là chín muồi, vì vừa nhận được hỗ trợ tốt từ phía Nhà nước lẫn chính quyền địa phương Bình Dương, vừa có được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường nội thất quốc tế, đặc biệt là việc xuất khẩu sang Mỹ, thị trường chính của Hukon.
Văn hóa bản địa và con người siêng năng phù hợp với hoạt động sản xuất đồ nội thất cũng là những lợi thế. Nhờ những giá trị này mà chỉ trong 5 năm, Hukon đã triển khai 4 nhà máy, mở rộng sản xuất lẫn thị trường.
* Tập trung vào ngách riêng là tủ kệ bếp. Hukon đánh giá tiềm năng xuất khẩu của mảng sản phẩm này thế nào?
– Trung bình, năng lực xuất khẩu của Hukon đạt 200 container/tháng. Tủ kệ bếp là sản phẩm gần như không thể thiếu trong mọi gia đình nên ít bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu như lạm phát hay suy giảm kinh tế. Hiện, nhu cầu tủ kệ bếp vẫn đang tăng trưởng tốt với mức tiêu thụ nhiều nhất là ở Hoa Kỳ. Trong tương lai, tôi nghĩ mặt hàng này sẽ còn tăng trưởng tốt hơn vì tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu xây dựng nhà ở hiện đại ở nhiều nước cũng đang tăng cao.
* Như vậy, việc tập trung vào mảng sản phẩm tiềm năng giúp Hukon tránh được giai đoạn khó khăn chung của toàn ngành nội thất Việt Nam, thiếu đơn hàng sản xuất trong năm 2023?
– Thời gian đó, Hukon cũng sụt doanh số nhưng không nhiều. Tuy nhiên, yếu tố giúp chúng tôi vững vàng không phải là do ngành hàng mà là tính chủ động. Việc khan hiếm đơn hàng được chúng tôi dự đoán từ trước nên Hukon có những chuẩn bị kịp thời.
Cũng nhờ tính chủ động mà năm 2024, khi đơn hàng trở lại, dù chưa thể lấy lại được doanh số xuất khẩu như ở thời kỳ đỉnh cao nhưng dự tính, Hukon sẽ tăng trưởng từ 10 – 15% trong năm 2024.
* Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tính chủ động trong kinh doanh của Hukon?
– Giá trị của một doanh nghiệp (DN) được xây dựng trên nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ, cốt lõi trong mọi mô hình kinh doanh vẫn là vấn đề thiết lập và tổ chức các mối quan hệ. Quan hệ tốt với nhân lực thì DN có được tập thể tốt, quan hệ tốt với đối tác thì có được hợp đồng lâu dài, quan hệ tốt với các đơn vị cung ứng sẽ tạo được nguồn lực hỗ trợ mạnh mẽ…
Hukon xây dựng được các mối quan hệ tốt như vậy nên chúng tôi thích ứng được với những đòi hỏi mới của thị trường.
* Cụ thể hơn trong việc xây dựng quan hệ tốt với đối tác, thưa ông?
– Có thể kể trường hợp của đối tác cung ứng sơn cho chúng tôi là AkzoNobel. Quan hệ giữa chúng tôi không chỉ là đối tác mà còn là đơn vị đồng hành. Không chỉ thiết kế quy trình sơn bề mặt tại xưởng, AkzoNobel còn tư vấn nhà máy cải tiến quy trình sản xuất phù hợp. Họ cử hẳn đội ngũ chuyên gia của họ đến làm việc thường trực với nhà máy, giúp chúng tôi chuẩn chỉnh từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến sản xuất và sẵn sàng xử lý nếu chẳng may có sai sót thao tác nào đó.
Là một đơn vị gia công cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới, chúng tôi buộc phải đáp ứng được nhu cầu mới của khách hàng. Khi có thiết kế mới, đội ngũ chuyên gia của AkzoNobel sẽ cùng phòng R&D của Hukon nghiên cứu các giải pháp. Mỗi đơn vị sẽ có thế mạnh riêng, AkzoNobel tập trung nghiên cứu thế mạnh của họ, đưa ra giải pháp bề mặt còn Hukon tập trung vào giải pháp sản xuất. Tổng hòa các nguồn lực như thế giúp Hukon không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn có được lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
* Một trong những thách thức với các DN nội thất hiện nay là thị hiếu thay đổi rất nhanh, DN phải thay đổi mẫu mã liên tục. Hukon có đối diện với áp lực này?
– Tôi cho rằng, áp lực đó sẽ khiến DN nội thất sẽ phải năng động hơn, không chỉ đợi khách hàng đưa ra yêu cầu mà còn phải chủ động phát triển thiết kế mới, đón đầu xu hướng và cùng khách hàng phát triển mẫu cho thị trường tương lai.
Một xu hướng khác cũng đang tác động rất lớn đến ngành là nhu cầu nội thất xanh và tính bền vững trong sản xuất. Để đáp ứng được đòi hỏi này, DN không chỉ chuyển đổi xanh trong hoạt động riêng mình mà còn phải đảm bảo tính bền vững trên cả chuỗi cung ứng. Hukon đã và đang nỗ lực đáp ứng tất cả các yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu nhưng cũng đòi hỏi các đối tác cũng phải theo đuổi các giá trị tương ứng. Đó chính là lý do chúng tôi chọn AkzoNobel là nhà cung ứng sản phẩm lẫn giải pháp sơn bề mặt. Thương hiệu này có lịch sử thực hành và theo đuổi mục tiêu bền vững, giảm phát thải… Khi sử dụng sơn AkzoNobel trên bề mặt tủ kệ bếp, những chứng nhận bền vững mang tính toàn cầu của họ cũng sẽ bảo chứng cho các tiêu chuẩn chuỗi cung ứng xanh của Hukon.
* Với những lợi thế kể trên, dự định của Hukon tại Việt Nam thế nào trong thời gian tới?
– Đơn hàng cho năm 2025 của Hukon đã đầy trong 6 tháng đầu năm. Triển vọng phục hồi của thị trường nội thất toàn cầu cũng được đánh giá cao. Cơ hội cho các DN nội thất không hề nhỏ. Tôi tin là Hukon có thể tiếp tục phát triển và mở rộng tại Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Bảo Lê thực hiện