Với tiềm lực và khả năng hiện có của ngành, ông Nguyễn Hữu Thông cho rằng, nếu hội tụ được 3 yếu tố: bền vững, chất lượng và cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) nội thất Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin ra biển lớn, kinh doanh trực tiếp ở thị trường xuất khẩu.
* Dấn thân vào ngành từ năm 2014, cơ duyên nào khiến ông chọn khởi nghiệp với gỗ?
– Tôi tốt nghiệp đại học kinh tế, đi làm tiếp thị bán hàng, nhưng khi tiếp cận được con đường của chuỗi cung ứng hàng hóa thì ước mơ của tôi là sản xuất, trực tiếp làm ra sản phẩm mang đến thị trường. Có điều kiện tiếp cận ngành gỗ, tôi thấy tiềm năng lớn và quyết định tham gia. Ban đầu, Hoàng Thông thử sức với sản xuất ván ghép, trải qua nhiều khó khăn, có nhiều bài học kinh nghiệm và nắm bắt được nguyên lý vận hành của ngành, chúng tôi có đủ điều kiện mở rộng quy mô.
* Mười năm với những con số khá ấn tượng như: 7 nhà máy, 1 nhà máy cưa xẻ sấy, 5 nhà máy ghép thanh, 1 nhà máy nội thất, tổng diện tích sản xuất lên đến hơn 130.000m² và số lao động đạt 3.000 người đã khiến ông hài lòng?
– Đó là một hành trình đầy thử thách. Sau những va vấp đầu tiên, Hoàng Thông đạt tốc độ phát triển nhanh chóng, mỗi năm mở thêm một nhà máy. Tuy nhiên, khi đạt đến con số 9 nhà máy thì đại dịch Covid-19 đã buộc chúng tôi phải thu hẹp lại. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung phát triển nhà máy sản xuất đồ nội thất. Doanh số hàng năm đạt 2.000 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng là xuất khẩu trực tiếp.
* Ông có thể chia sẻ bí quyết để có được tốc độ phát triển ấy?
– Hoàng Thông chú trọng tính chủ động và theo đuổi mô hình chuỗi sản xuất khép kín. Từ những ngày đầu tiếp cận với cao su, tôi đã quyết định phát triển sản phẩm từ nguyên liệu bản địa này. Hiện tại 100% sản phẩm của Hoàng Thông, từ ván đến sản phẩm nội thất đều sử dụng nguyên liệu cao su.
Cao su là loại gỗ tái sinh, được khai thác khi cây hết chu kỳ lấy mủ, nên không gây áp lực lên rừng tự nhiên. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện môi trường, có chứng nhận bền vững như FSC (Forest Stewardship Council). Vì thế, nội thất từ gỗ cao su không chỉ có giá trị về chất lượng mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, giúp DN Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh.
Cho đến bây giờ, khách hàng vẫn quen với nội thất gỗ cứng hơn gỗ cao su. Chúng tôi đã và sẽ còn mất nhiều thời gian thuyết phục khách hàng và đã có tín hiệu khá tích cực.
Dù đã đạt được những kết quả tương đối, tôi vẫn muốn Hoàng Thông tiếp tục phát triển theo định hướng bền vững. Chúng tôi hướng đến việc hoàn thiện chuỗi sản xuất nội thất, liên kết với 30 – 40 nhà cung ứng vệ tinh để nâng cao năng lực. Hiện, Hoàng Thông theo đuổi cả hai phương cách xuất khẩu là hàng rời và hàng lắp ráp. Nỗ lực cắt giảm khâu trung gian có thể giúp DN gia tăng lợi nhuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này.
* Ông nhận định như thế nào về tiềm năng thị trường Mỹ?
– Mãi đến năm 2023, chúng tôi mới bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về thị trường này. Hoàng Thông đã thành lập công ty tại Mỹ, kết hợp hệ thống kho và logistics từ đối tác Mỹ gốc Trung Quốc để tăng độ phủ khách hàng, chúng tôi đã mở rộng và học hỏi rất nhiều từ họ.
Để “thực chiến” tại thị trường này, tôi dành nhiều thời gian tham gia các triển lãm, mua và nghiên cứu các dữ liệu thị trường để tìm ra sản phẩm phù hợp. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu lớn trong lĩnh vực nội thất tủ bếp, ván sàn cả ở phương thức B2C lẫn B2B. Tuy nhiên, có những thách thức đòi hỏi DN phải nghiêm túc đầu tư và có khả năng thích ứng.
* Theo ông, đâu là lợi thế của DN nội thất Việt Nam khi tiếp cận sâu thị trường Mỹ?
– Lợi thế của DN Việt Nam là sự cần cù, sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh. Muốn trực tiếp bán hàng ở Mỹ, bỏ khâu trung gian, DN cần tư duy nghiêm túc đầu tư thời gian vào nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm để cùng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng vì nếu không có thương hiệu chỉ bán hàng giá rẻ. Việc sử dụng nguyên liệu bền vững cũng là thế mạnh, có thể đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới.
Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn với lợi thế về quy mô sản xuất, hệ thống logistics và tính đoàn kết cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi tin DN Việt Nam có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, sự sáng tạo và chiến lược khác biệt.
Với chính sách MAGA, tổng thống Mỹ đang kêu gọi thành lập DN, tạo việc làm cho người dân Mỹ, DN có thể xem xét việc đầu tư theo phương cách mới, tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất tại Việt Nam và kết hợp với đội ngũ R&D, nghiên cứu thị trường, marketing cùng hệ thống logistics hiệu quả ngay tại Mỹ là một chiến lược khả thi.
DN Việt Nam muốn vươn ra thị trường quốc tế cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác tin cậy và không ngừng học hỏi. Cộng đồng DN Việt Nam chưa xây dựng được hệ sinh thái ngành đầy đủ thì có thể tận dụng các DN Trung Quốc hiện hữu, họ có thâm niên, thế mạnh sẵn sàng chia sẻ, chúng ta có thể đồng hành hợp tác phát triển và học cái hay từ họ.
Thị trường nội thất toàn cầu có giá trị rất lớn mà doanh số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cung ứng chưa đến 10% nhu cầu. Tôi nghĩ, chúng ta cần học hỏi tinh thần kinh doanh ấy. Muốn kiến tạo phát triển cộng đồng, thì cần xây dựng trục lợi ích để gắn kết DN. Khi các DN tập trung được thành một khối, chắc chắn sẽ có lợi thế trong thương lượng với đối tác trên chuỗi cung ứng hơn là một DN đơn lẻ. Khi đặt sự thịnh vượng chung lên hàng đầu, DN có thể cùng nhau đi xa.
* Xin cảm ơn ông!
Minh Khuê thực hiện