Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy năng suất lao động của Việt Nam là 2.400 USD, còn kém xa các thị trường cạnh tranh ở châu Á, trong khu vực chỉ bằng 1/3 so với Malaysia hay chỉ bằng 1/10 so với Singapore. Theo ông Phùng Đức Hoàng, câu chuyện về năng suất lao động và cách thức để doanh nghiệp chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cần được quan tâm nhiều hơn.
* Hướng đến cải thiện năng suất lao động, doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ đang có xu hướng gia tăng trang bị máy móc hiện đại hơn. Theo ông, giải pháp này liệu có cải thiện được năng suất?
– Để đạt được sự cải thiện đáng kể về năng suất lao động cần có một cách tiếp cận toàn diện. Các yếu tố chính để nâng cao năng suất bao gồm nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, tối ưu hóa quy trình và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Câu chuyện này cần có nỗ lực từ vi mô là DN và cả vĩ mô là chính sách Nhà nước. Riêng ngành chế biến gỗ, đặc biệt có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong các lĩnh vực này.
* Thực tế, hầu hết các công nhân trong ngành sản xuất đều tăng ca mới đủ thu nhập để duy trì cuộc sống. Nghĩa là, giá nhân công của Việt Nam đang rất rẻ?
– Làm thêm giờ không phải, và cũng không nên, là cách duy nhất để công nhân tăng thu nhập. Từ năm 2010, ILO đã tìm hiểu về tình trạng sản xuất của DN đạt năng suất thấp dẫn đến thời gian làm của công nhân nhiều hơn. Chúng tôi nhận ra, khi DN hoạt động hiệu quả với năng suất cao, công nhân có thể làm việc ít giờ hơn nhưng vẫn có thu nhập nhiều hơn. Để đạt được điều này, DN cần đầu tư vào đào tạo và phát triển, triển khai các quy trình hiệu quả và áp dụng công nghệ nâng cao năng suất.
* Việt Nam được xem là điểm đến cho các đơn hàng sản xuất. Các ngành thủy sản, dệt may, da giày đều cần rất nhiều lao động. Theo ông, liệu nhân lực có phải là thách thức mà DN sẽ phải đối mặt trong thời gian không xa?
– Khi FDI tăng, nhu cầu về lao động có kỹ năng sẽ tăng, tạo ra thách thức về nhân lực. Để giảm thiểu điều này, DN có thể tối đa hóa năng lực từ lực lượng lao động hiện có, giảm áp lực về nguồn cung lao động. Đầu tư vào phát triển lực lượng lao động và các phương pháp quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất là rất quan trọng để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.
Ngành gỗ có thể đối mặt với các thách thức tuyển dụng lao động đặc thù do điều kiện làm việc và yêu cầu kỹ năng cụ thể. DN nên tập trung vào việc cải thiện năng suất thông qua đào tạo và tối ưu hóa quy trình. Nâng cao năng suất không chỉ cải thiện khả năng cạnh tranh mà còn tạo ra điều kiện làm việc tốt hơn và là cơ hội cho người lao động, dẫn đến tăng trưởng bền vững. Khi năng lực ngành được cải thiện, môi trường lao động được nâng cao, DN có thể giữ chân và thu hút nhân tài tốt hơn.
* Trải qua thời gian nhiều thách thức, hiện DN các ngành sản xuất đều ở tình trạng “mất sức”. Theo ông, để có được hiệu quả làm việc tốt hơn, DN ngành chế biến gỗ cần ưu tiên tập trung vào nhiệm vụ nào trước?
– Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hướng đi tất yếu đối với nhu cầu thị trường, đặc biệt là DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các hoạt động chuyển đổi này khi được hoạch định chiến lược sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng suất bền vững cho DN. Đây là cơ hội cho các DN, vừa đạt được lợi ích cụ thể trong ngắn hạn vừa xây dựng được văn hóa phát triển bền vững trong dài hạn.
* ILO cùng HAWA đang triển khai nhiều hoạt động cho mục tiêu cải thiện năng suất của ngành gỗ Việt Nam. Cụ thể, DN sẽ được những lợi ích nào từ các chương trình ấy?
– Chương trình “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững” của ILO đề xuất các DN nên ưu tiên cải thiện năng suất thông qua các chương trình nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực, áp dụng các nguyên tắc sản xuất tinh gọn và sử dụng công nghệ số.
DN sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ đào tạo và tư vấn được thiết kế để nâng cao năng suất. Các chương trình này tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình vận hành, áp dụng các thực tiễn tốt nhất và sử dụng công nghệ. Trong tương lai gần, trọng tâm sẽ là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, cả hai yếu tố này đều cần thiết để duy trì và nâng cao năng suất một cách bền vững. Chương trình “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững” sẽ hợp tác với chương trình “Xúc tiến xuất khẩu Thụy Sĩ” (SIPPO) để hỗ trợ toàn diện hơn cho DN trong ngành, đặc biệt trong xúc tiến thương mại như một động lực quan trọng để cải thiện năng suất.
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức, hiệp hội… cũng chỉ mang tính hỗ trợ là chính. DN cần tích hợp việc cải thiện năng suất vào chiến lược cốt lõi. Điều này bao gồm đầu tư liên tục vào đào tạo nhân lực, tối ưu hóa quy trình và áp dụng công nghệ. Bằng cách ưu tiên năng suất, các công ty có thể đạt được hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Phát triển bền vững nên được tích hợp vào các sáng kiến năng suất để đảm bảo tính khả thi lâu dài và vị thế trên thị trường.
* Xin cảm ơn ông!
Hồng Thủy thực hiện