,

R&D – Chiếc thìa vàng cho công nghiệp nội thất

Thế giới đang thay đổi một cách chóng mặt, mọi thứ vận hành ngày càng nhanh và chính xác hơn. Đặc biệt, chuyển đổi số, nền tảng trực tuyến và trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta làm việc, giải trí, học tập, chăm sóc sức khỏe, và tiêu dùng. Sự thay đổi này tác động mạnh mẽ đến hành vi mua bán của người tiêu dùng, nếu không theo kịp, chúng ta sẽ dễ dàng bị tụt lại phía sau.

Những thay đổi nhanh chóng trong ngành nội thất

Chỉ cách đây 5 năm, khi xuất khẩu container đồ nội – ngoại thất, doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam không hề nghĩ có một ngày sản phẩm của họ cần phải có mã QR. Tuy nhiên, ngày nay điều này không còn mới lạ mà đang dần trở thành tiêu chuẩn. Người tiêu dùng và các cơ quan quản lý tại những quốc gia nhập khẩu có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc rừng của gỗ, nhà máy khai thác, nhà thiết kế và nhiều thông tin khác. Những quy định như EUDR hay CBAM đang buộc các nhà sản xuất trên toàn cầu trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn trong chuỗi cung ứng. Xu hướng truy xuất nguồn gốc không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là công cụ để các nhà tiếp thị cá nhân hóa sản phẩm và kể câu chuyện cho từng sản phẩm riêng biệt.

Việc ứng dụng công nghệ giúp DN nâng cao hiệu suất lao động, mở rộng quy mô, và mô hình D2C rút ngắn kênh phân phối, đưa DN đến gần hơn với người tiêu dùng. Những thay đổi này minh chứng cho tốc độ phát triển không ngừng của ngành nội thất cũng như các ngành sản xuất khác. Ngày nay, thay vì tất bật ra chợ hay siêu thị, người tiêu dùng chỉ cần ngồi tại nhà, lướt điện thoại để mua hàng qua các sàn thương mại điện tử. Cuộc cách mạng Metaverse đang từng bước đi vào đời sống, công nghệ VR/AR đang tạo ra những trải nghiệm mua sắm trực quan, tiện lợi và hiệu quả hơn.

Thay đổi trong hành vi và lối sống người tiêu dùng

Hành vi tiêu dùng không chỉ thay đổi mà sở thích và phong cách sống của người tiêu dùng cũng đã khác trước. Người tiêu dùng ngày nay tìm kiếm sự cá nhân hóa, tối giản, thoải mái và mong muốn các sản phẩm nội thất phải thông minh, tiện nghi. Vậy làm thế nào để DN có thể đáp ứng kịp thời những thay đổi này?

Câu trả lời chính là công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Chỉ có đầu tư vào R&D, DN mới có thể nhanh chóng thích ứng với những nhu cầu thay đổi từ người tiêu dùng. Hiểu được mong muốn của người dùng giúp DN phát triển những thiết kế mới, thử nghiệm những ý tưởng phù hợp với nhu cầu hiện tại của thị trường. Đầu tư vào R&D giúp DN cung cấp các sản phẩm nội thất có giá cả phù hợp với không gian sống đương đại. Ví dụ, trước khi kinh doanh online vào thị trường Mỹ, DN phải hiểu rõ tập quán tiêu dùng, gu thiết kế, cách thức mua hàng, giá cả, độ lớn thị trường, các đối thủ cạnh tranh,… thì mới đưa ra được chiến lược sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, phải tường tận trong vận hành như pháp lý, sở hữu trí tuệ, bảo hiểm, thuế,… để giảm rủi ro trong hoạt động đầu tư của DN.

R&D trong kỹ thuật sản xuất

Đầu tư R&D vào kỹ thuật sản xuất giúp DN tối ưu hóa quy trình, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và thời gian lao động. Thực tế, đã có những DN nội thất Việt Nam nhờ đầu tư vào R&D mà đạt được những sản phẩm mới độc đáo, khác biệt, có tính cạnh tranh cao. Điều này chứng tỏ R&D là chìa khóa giúp các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn, không chỉ sản xuất nội thất mà còn sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thu hút người tiêu dùng quốc tế.

Với định hướng trở thành quốc gia xuất khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới, đầu tư vào R&D chính là chiến lược then chốt để duy trì vị thế cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Mục tiêu xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào năm 2030 đòi hỏi việc quy hoạch nguồn nguyên liệu, cân đối sản lượng rừng trồng và nguyên liệu nhập khẩu, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu ngành một cách bài bản.

Câu chuyện kinh doanh nội thất đang diễn ra trên một thế giới phẳng. Số liệu từ việc đầu tư nghiên cứu không chỉ cho phép DN truy xuất theo nhóm ngành hàng, của dòng sản phẩm… mà còn truy xuất theo chiều sâu. Ví dụ: thông qua dữ liệu HS Code ở các cổng hải quan các nước, DN hoàn toàn có thể biết được nhà mua hàng đó đã và đang mua những mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, do nhà cung ứng nào cung cấp, thống kê thời gian… Bản thân các nhà mua hàng cũng đang dựa trên hệ thống số liệu toàn cầu để biết DN sản xuất đang làm hàng cho ai, xuất bao nhiêu và thậm chí là giá cả thế nào. Sở hữu được nguồn số liệu này, DN hoàn toàn chủ động tiếp cận trúng đích, giao thương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Vai trò của hiệp hội và hợp tác R&D

Với đa phần các DN Việt Nam là vừa và nhỏ, việc đầu tư vào R&D trở nên khó khăn vì chi phí cao. Vì vậy, các hiệp hội và tổ chức ngành nghề cần thúc đẩy những hoạt động R&D chung, xây dựng cơ sở nghiên cứu và chuyên môn chung cho toàn ngành. Các trung tâm R&D có thể tập trung vào vật liệu mới, công nghệ sản xuất tiên tiến và các phương pháp bền vững, từ đó giảm bớt gánh nặng chi phí cho từng DN trong khi khuyến khích sự hợp tác và sáng tạo. Đặc biệt trung tâm dữ liệu Gỗ & Nội ngoại thất, sẽ là cú hích tạo động lực cho toàn ngành.

Các hiệp hội cũng cần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa DN, trường đại học và viện nghiên cứu, mang lại ý tưởng mới, tiếp cận công nghệ tiên tiến, bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế thông qua việc xây dựng quan hệ với các tổ chức trong khu vực và toàn cầu. Những hợp tác này sẽ giúp các DN nội thất Việt Nam hòa nhập với văn hóa kinh doanh quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.

Trần Việt Tiến – Công ty CP Mỹ Thuật Gia Long

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác