Công tác nghiên cứu và phát triển là một phần thiết yếu để ngành chế biến gỗ đảm bảo được sự tồn tại lâu dài. Nhiều doanh nghiệp lớn đang gia tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất gỗ, giảm rác thải và tăng chất lượng sản phẩm.
Biến đổi khí hậu và việc lạm dụng các vật liệu không bền vững vượt quá khả năng tái tạo của hành tinh chúng ta đã buộc các quốc gia phải ban hành nhiều chính sách và quy định mới. Nhận thức về tính bền vững đã hồi sinh việc sử dụng các vật liệu tái tạo và bền vững như gỗ.
Gỗ đã trở lại đường đua
Từ đồ nội thất đến giấy, ngành chế biến gỗ đã từng đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta. Sau một vài thập kỷ chịu nhiều sự cạnh tranh khốc liệt từ các vật liệu mới, với nhận thức nhiều hơn về tính bền vững của vật liệu tái tạo và bền vững, gỗ trở lại đường đua và trở thành nguồn tài nguyên có giá trị cao. Gỗ một lần nữa trở thành nhân vật chính sau một thế kỷ ngoài lề.
Theo The Business Research Company, quy mô thị trường chế biến gỗ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ 153,44 tỷ USD vào năm 2023 lên 163,9 tỷ USD vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 6,8% và dự báo đạt 211,44 tỷ USD vào năm 2028.
Javier Portela López, giám đốc R&D của Finsa khẳng định: “Đối mặt với nhiều thách thức, các doanh nghiệp ngành gỗ phải nắm bắt được xu hướng thị trường hiện tại, tập trung tối đa vào công tác nghiên cứu và phát triển, liên tục đổi mới và thích ứng để cải thiện lợi thế cạnh tranh, đảm bảo lợi nhuận và tăng trưởng bền vững”.
Finsa, công ty chế biến gỗ đa quốc gia ở Galicia được thành lập vào năm 1931, là một trong những công ty đang dẫn đầu thị trường tại châu Âu. Công ty có 10 nhà máy sản xuất tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, với các sản phẩm: ván dăm, gỗ kỹ thuật, gỗ dán, gỗ trang trí, đồ nội thất và linh kiện, gỗ xẻ, sàn gỗ công nghiệp, giấy trang trí…
Cũng theo ông Javier Portela López, công tác nghiên cứu và sáng tạo là một phần thiết yếu để ngành chế biến gỗ đảm bảo được sự tồn tại lâu dài. Ngành gỗ hiện nay vẫn còn một chặng đường dài để đạt đến trình độ của các ngành công nghiệp khác. Làm sao để cải thiện độ bền và tính chất vật lý của gỗ? Làm sao để sử dụng gỗ như là nguồn vật liệu sinh học với những cơ hội mới đầy tiềm năng? Làm sao để tối ưu hóa quy trình và ứng dụng AI vào quá trình sản xuất?… Đó là những câu hỏi mà các doanh nghiệp phải tự tìm câu trả lời cho mình.
Về bản chất, gỗ là một nguyên liệu thô tuần hoàn với mức độ bền vững vượt xa các vật liệu khác mà nó cạnh tranh, là một vật liệu có thể tái chế và tái sử dụng gần như vô hạn. Một số nhà máy của Finsa có thể sử dụng tới 80% vật liệu tái chế làm nguyên liệu thô. Trong những năm gần đây, bộ phận R&D đã có nhiều sáng kiến sử dụng gỗ kết cấu trong xây dựng, trong việc tái chế gỗ, trong triển khai các chu kỳ đào tạo chuyên ngành về gỗ, trong các dự án nghiên cứu và phát triển để thích ứng, đổi mới công nghệ của các quy trình sản xuất.
Chỉ có thể là R&D
Tiếp nối Finsa, các doanh nghiệp lớn đang đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất gỗ, giảm rác thải và tăng chất lượng sản phẩm. R&D mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể:
Phát triển các sản phẩm mới sáng tạo: Giúp các công ty tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và thu hút khách hàng mới. In 3D là công nghệ tương đối mới mà ngành công nghiệp gỗ đã áp dụng, cho phép tạo ra các thiết kế phức tạp, tinh tế không thể sản xuất bằng các phương pháp truyền thống.
Cải thiện quy trình sản xuất: R&D giúp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất hoặc tự động hóa quy trình, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và sản phẩm đạt chất lượng cao hơn. AI bắt đầu được sử dụng trong ngành gỗ để phân tích dữ liệu cảm biến và dự đoán thời điểm thiết bị cần bảo trì hoặc sửa chữa. AI cũng có thể được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Đạt được mục tiêu phát triển bền vững: Đầu tư vào R&D có thể giúp các công ty phát triển vật liệu, sản phẩm và quy trình sản xuất mới bền vững hơn. Ví dụ, sử dụng các nguồn gỗ thay thế như tre hoặc gỗ tái chế, có thể giảm tác động môi trường của quá trình sản xuất gỗ.
Cải thiện sự hài lòng của khách hàng: Các công ty có thể hiểu rõ hơn thị hiếu và cải thiện sự hài lòng của khách hàng bằng cách phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ.
Thúc đẩy văn hóa đổi mới: Đầu tư vào R&D có thể giúp thúc đẩy văn hóa đổi mới bằng cách khuyến khích nhân viên suy nghĩ sáng tạo và khám phá những ý tưởng mới, các công ty chế biến gỗ có thể tạo ra một nền văn hóa coi trọng sự đổi mới và cải tiến liên tục. Ngoài ra, công nghệ thực tế ảo VR được sử dụng trong ngành gỗ để mô phỏng quy trình sản xuất, tạo ra môi trường ảo nơi công nhân có thể học các kỹ năng mới và thực hành các quy trình an toàn, hạn chế các rủi ro về chấn thương.
Phạm Hồng Thủy tổng hợp