Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Canada trong tháng 8/2024 ước tính đạt 19,6 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trên sang thị trường này ước đạt 153 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Canada liên tục tăng kể từ đầu năm tới nay, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng xuất khẩu chính. Tốc độ tăng trưởng khả quan của ngành hàng xuất khẩu này được ghi nhận là nhờ doanh nghiệp ngành gỗ đã có sự phối hợp với đối tác để cùng nghiên cứu nhu cầu, lập kế hoạch thị trường, liên doanh sản xuất các sản phẩm có giá trị cao cho thị trường xuất khẩu.
Top 5 tiềm năng
Trong 7 tháng đầu năm 2024, tính riêng kim ngạch xuất khẩu nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang thị trường Canada đạt 116,8 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ là nội thất phòng khách và phòng ăn, đạt 39,8 triệu USD, tăng 26,8%; tiếp theo là ghế khung gỗ, đạt 38,7 triệu USD, tăng 41,9%; nội thất phòng ngủ đạt 28,7 triệu USD, tăng 2,3%,… Ngoài ra, một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác cũng có tốc độ tăng trưởng tích cực.
Trên thị trường toàn cầu, Canada nằm trong nhóm 5 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất và luôn có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở mức cao. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Canada, tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1,16 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Canada lớn thứ ba, sau Trung Quốc và Mỹ, giá trị nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 15,9% tổng giá trị đồ nội thất nhập khẩu vào Canada. Thị trường này vẫn là mảnh đất còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị phần.
Tận dụng CPTPP
Trong bối cảnh hiện tại, để tăng cường xuất khẩu nội thất bằng gỗ sang thị trường Canada, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác những lợi thế từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hướng tới phát triển kinh tế xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam.
Dù mức tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng nội thất bằng gỗ từ Việt Nam sang Canada vẫn đang tương đối khả quan, nhưng hoạt động xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ nói riêng, cũng như hàng hóa nói chung, sang thị trường Canada sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể:
+ Trong thời gian qua, lợi thế về thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam đã dần mất đi, do Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do với một loạt đối tác Nam Mỹ, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, ASEAN,…). Bên cạnh đó, Canada cũng kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ, hướng về các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số lĩnh vực chế biến, chế tạo mà Việt Nam có thế mạnh như nội thất bằng gỗ.
+ Chi phí logistics nội địa tại Canada khá cao, dẫn đến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng do thiếu nhân công tại các cảng ở Canada cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam còn kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ. Đáng chú ý, đến tháng 12/2024, Việt Nam sẽ không còn được hưởng ưu đãi 0% thuế dành cho các nước có thu nhập thấp nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu doanh nghiệp không tận dụng được CPTPP, hàng Việt Nam tại thị trường Canada sẽ bị giảm khả năng cạnh tranh về giá so với các nước vẫn còn được ưu đãi như Indonesia, Campuchia,… Theo đó, doanh nghiệp cần áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp, để có thể xuất khẩu sang các địa bàn đã ký một hiệp định thương mại với thuế suất bằng 0. Hiện các doanh nghiệp Canada cũng rất quan tâm tới việc dùng nguyên liệu đầu vào có sử dụng CPTPP để sản xuất xuất khẩu. Việc tận dụng CPTPP cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược logistics, bởi các điều khoản trung chuyển trong đó cởi mở hơn rất nhiều so với các hiệp định thương mại khác. Ví dụ, thay vì xuất khẩu xuyên Thái Bình Dương, doanh nghiệp có thể trung chuyển qua khu vực Atlantic, đi vào bờ Đông của Canada để có chi phí thấp hơn.
Bùi Trần