,

Sáng tạo là tất yếu

Chuỗi cung toàn cầu đang được định hình lại thông qua các nguồn cung ứng sản phẩm sáng tạo, song điều này tùy thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia. Theo TS. Võ Chí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam có nhiều lợi thế trong nhiều ngành hàng, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ và thiết kế đồ gỗ nội thất.

 

* Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố con số giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt 14.153 triệu USD, ông nhận xét thế nào về con số này?

– Con số này được thống kê theo cách thức của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Khái niệm kinh tế sáng tạo được nhìn theo nhiều chiều, gắn với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ liên quan đến các ngành: thủ công mỹ nghệ, thời trang và thiết kế, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, phim và truyền thông, công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm, du lịch và di sản văn hóa, âm nhạc và giải trí, xuất bản và văn học, sáng tạo nội dung số (blog, vlog, podcast và tạo nội dung trên mạng xã hội), tiếp thị và quảng cáo số.

Trên thực tế, việc đo lường, bóc tách riêng phần giá trị sáng tạo trên từng mặt hàng là rất khó. Do đó, đôi khi chúng ta phải chấp nhận sự “chồng lấn” ở một mức nhất định. Ví dụ, một sản phẩm đồ gỗ nội thất thiết kế sẽ mang lại giá trị cao cho nhà sản xuất, nhưng khi mang sản phẩm này làm hàng mẫu để sản xuất hàng loạt, việc tách riêng phần giá trị sáng tạo là rất khó.

* Có ảo tưởng không khi cho rằng Việt Nam thuộc Top 10 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hóa sáng tạo, trong khi nhiều mặt hàng vẫn chủ yếu xuất thô hoặc gia công theo đơn hàng có sẵn ?

– Tôi không nghĩ đó là ảo tưởng, bởi Việt Nam có nhiều lợi thế trong nhiều ngành hàng, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ và thiết kế đồ gỗ nội thất, với tính sáng tạo cao.

Năm 2011-2012, chúng tôi cũng là nhóm đầu tiên của CIEM nghiên cứu về kinh tế sáng tạo trong hai lĩnh vực được xem là có năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thiết kế nội thất và thời trang. Đây là những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tạo việc làm cho các nhóm yếu thế, vấn đề giới tính bao trùm cao do nhiều nữ giới làm việc trong các ngành này, đồng thời gắn với yếu tố thời đại là công nghệ số, nội dung số.

* Như ông nói, chúng ta đang thiếu những chính sách cụ thể thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ sáng tạo?

– Kinh tế sáng tạo là câu chuyện làm ăn mới mà doanh nghiệp các ngành này, dù muốn hay không cũng phải chuyển đổi. Nó tương tự chuyển sang kinh tế tuần hoàn trước đây, khi xã hội yêu cầu phải có chữ “xanh” trong sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, thúc đẩy kinh tế sáng tạo trong doanh nghiệp, chính sách là điểm mấu chốt.

Việt Nam đã có một số chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo, thuộc nhóm chính sách ưu đãi đầu tư, thuế và đất đai, cũng như pháp luật về thương mại, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ. Cùng với đó là những chính sách phát triển kinh tế sáng tạo ở cấp độ ngành, như Quyết định số 801/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, liên quan đến lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam đang có những hạn chế cố hữu, về nguồn vốn, tình trạng thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít ngành nghề, trong khi vẫn tồn tại những bất cập về kết cấu hạ tầng cứng và mềm trong phát triển kinh tế sáng tạo.

Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển kinh tế sáng tạo, bao gồm sản phẩm văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động, thành thạo công nghệ và những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Để thúc đẩy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, cách thức Hàn Quốc thực hiện chiến lược kinh tế từ năm 2013 để tạo ra các ngành công nghiệp và thị trường xuất khẩu mới, bằng cách tích hợp tính sáng tạo, khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông.

Chúng ta có thể học hỏi từ Mỹ kinh nghiệm áp dụng Đạo luật Thúc đẩy lực lượng lao động kinh tế sáng tạo và nghệ thuật địa phương (PLACE) vào năm 2022, để tăng nguồn lực và mở rộng lợi ích liên bang cho những người sử dụng tính sáng tạo và kỹ năng trong công việc; trao quyền cho những người lao động sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng ở các doanh nghiệp mới và hiện có, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu văn hoá Mỹ ra nước ngoài.

* Cảm ơn ông!

“Không thể tiếp tục duy trì tăng trưởng xuất khẩu 2 con số mà phải nhìn vào giá trị gia tăng. Do đó, việc xem xét quá trình chuyển dịch mô hình sản xuất, kinh doanh của các ngành hàng rất quan trọng trong xây dựng chính sách kinh tế sáng tạo, đồng thời tạo điều kiện cao nhất cho các ý tưởng sáng tạo của từng cá nhân” – TS. Võ Trí Thành.

Theo UNCTAD, xét theo ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, thiết kế là ngành xuất khẩu nhiều nhất trong suốt giai đoạn 2002 – 2020, đạt hơn 11,9 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 84,36% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam.

Hải Vân thực hiện

 

 

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác