,

Thêm thời gian, vững quyết tâm

Quyết định lùi thời hạn áp dụng Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của EU (EUDR) đến ngày 31/12/2025 cho phép doanh nghiệp (DN) các ngành hàng liên quan có thêm một năm chuẩn bị để có thể thích ứng với những yêu cầu tiêu dùng bền vững ở thị trường tiềm năng này.

Giữa tháng 10/2024, thông tin hoãn thực hiện EUDR thêm 12 tháng mà Ủy ban Châu Âu (EC) công bố khiến các DN xuất khẩu nông sản nhẹ nhõm phần nào. Áp lực truy xuất nguồn gốc vùng trồng mà Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra thực sự không hề nhỏ. Quyết định này đưa ra dựa trên những trao đổi của các quốc gia để giúp DN các ngành nông nghiệp liên quan như gỗ, cao su, cà phê sẽ có thêm 6 tháng để chuẩn bị.

Sẵn sàng thích ứng

Dù có lùi thời gian thực thi nhưng thời hạn mất rừng vẫn giữ nguyên ở mốc 31/12/2020. “Ở vị thế quốc gia, dù tiến độ đã được lùi nhưng Việt Nam vẫn duy trì tinh thần sẵn sàng và nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bền vững và hiệu quả”, ông Tô Việt Châu – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) khẳng định như vậy. Trong phiên họp kỹ thuật lần thứ 3 về EUDR: “Giới thiệu các công cụ truy xuất nguồn gốc và giải đáp các vướng mắc kỹ thuật” do Bộ NN-PTNT phối hợp Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức chiều 15/11, tại Hà Nội, các chuyên gia trong ngành đều thống nhất tinh thần sẵn sàng này.

Theo ông Châu, Việt Nam chú trọng chuẩn bị các thông tin giải trình để có thể được vào danh sách các quốc gia không có rủi ro. Hiện, Nghị viện Châu Âu (EP) đã chấp thuận thêm danh mục quốc gia không có rủi ro, bên cạnh 3 loại đã có là “thấp”, “chuẩn” và “cao” rủi ro. Các quốc gia được xếp vào loại “không có rủi ro” được định nghĩa là các quốc gia có diện tích rừng ổn định hoặc đang phát triển, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn do nguy cơ phá rừng gần như không tồn tại. EC sẽ hoàn thành hệ thống phân loại quốc gia trước ngày 30/6/2025. Việt Nam sẽ bám sát khung chiến lược đã hoạch định để thích ứng với các đòi hỏi từ EU.

Khai thác cơ hội

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của sản phẩm gỗ Việt Nam, nếu tính riêng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ thì EU là thị trường đứng thứ 2 sau thị trường Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới EU đạt 574,6 triệu USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ. Bởi EU là một trong những thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất trên toàn cầu, tăng trưởng ở thị trường này cho thấy các sản phẩm gỗ của Việt Nam đang đáp ứng được mong đợi của người dùng quốc tế.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến bảo hộ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… ở thị trường này được chú trọng. Ông Pascal Ripplinger, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, truy xuất nguồn gốc sẽ là điều kiện bắt buộc trên các chuỗi cung ứng nông sản đến châu Âu. Những yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ EUDR sẽ tác động lớn đến nông dân, buộc họ phải số hóa, cải thiện quản lý dữ liệu để có thể kiếm soát chuỗi cung ứng. “Dù có áp lực phải đầu tư và thích ứng nhưng việc vận hành được hệ thống thông tin ấy cũng sẽ giúp DN quản lý tốt hoạt động kinh doanh của mình. Dữ liệu dùng để giải trình có thể chinh phục người dùng, giúp DN có được “câu chuyện” về sản phẩm trong tiếp thị, tương tác với khách hàng”, ông Pascal Ripplinger tư vấn.

Hiện thị trường đã có nhiều giải pháp nhưng phía DN Việt Nam, với đặc thù phần lớn có quy mô vừa vả nhỏ đang thiếu kiến thức, hạn chế về giải pháp số hóa và hạn chế tính sẵn có vì thiếu phần cứng, thiết bị, cơ sở hạ tầng mạng, tốn kém chi phí đầu tư… cũng giới hạn cho việc thực thi EUDR.

Đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), ông Remi d’Annunzio cho biết, hiện công tác thách thức nhất trong vấn đề giải trình nguồn gốc nông sản tại Việt Nam là vấn đề tọa độ địa lý của thửa đất trồng. Ngoài vấn đề diện tích nhỏ lẻ, đất trồng tại Việt Nam còn có nhiều tầng lớp thông tin biến động, chồng chéo khiến công tác giám định thông tin không hề dễ dàng. Các chuyên gia trong ngành phải chọn lọc thậm chí là xuống tận hiện trường để khảo sát thông tin thực tế. Ông Remi d’Annunzio nhấn mạnh: “Dù vậy, trách nhiệm giải trình buộc phải được thực thi nếu DN muốn tiếp tục tham gia thị trường toàn cầu”.

Đồng quan điểm, bà Morgane Dejean, Cán bộ Chính sách, Tổng vụ Môi trường của EU cũng cho rằng, DN Việt Nam băn khoăn nhiều về tính pháp lý của đất trồng nhưng thực tế tọa độ địa lý mới đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin truy xuất cho DN nhập khẩu. Mỗi quốc gia có một khung pháp lý khác nhau, không đồng nhất… nên việc xác định sở hữu của chủ đất sản xuất không phải là yêu cầu về mặt pháp lý của EUDR. Do vậy, tọa độ địa lý sẽ là nguồn thông tin thống nhất để chứng minh. “Thông tin này sẽ được đối chiếu và kiểm tra chéo với ảnh vệ tinh. EU có công cụ hỗ trợ để các bên liên quan có thể kiểm tra được tính hợp pháp của tọa độ”, bà Morgane Dejean nhận xét.

Theo đại diện EC, dù khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng khi đã triển khai thành công, cơ sở dữ liệu này sẽ có vai trò rất lớn, không chỉ giúp quốc gia nhập khẩu nắm được tính hợp pháp của sản phẩm mà còn hỗ trợ các quốc gia xuất khẩu thống nhất được thông tin, làm nền tảng cho công tác quản lý, quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp nước nhà.

Tường Lam

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác