,

Thị trường tín chỉ carbon: Không thể cứ bàn mãi!

Ngày 6/9/2023, tại hội thảo do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, chủ đề “thị trường carbon” lại được xới lên. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà tư vấn… đã đặt những câu hỏi về thị trường carbon tại Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon (TCC) từ cơ chế CDM (phát triển sạch), khoảng 10 triệu TCC hình thành từ cơ chế GS (tiêu chuẩn vàng), VCS (carbon được thẩm định)… Nghĩa là thị trường TCC đã có “bổi” nhưng chưa hình thành thị trường đúng nghĩa!

Chưa có vai trò tư nhân

Cho rằng về TCC, hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN) chưa gặp nhau, bà Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV) kể sau 1 năm nói về TCC với nhiều địa phương, DN, hiện nhiều nơi vẫn hỏi những câu hỏi đã cũ! Các bộ thì nói họ đã làm rất nhiều việc nhưng không hiểu vì sao DN, địa phương vẫn nói không biết! Bà Thủy xác nhận hiện nhận thức về TCC rất phức tạp vì tạo ra không dễ: “Hiện năng lượng tái tạo tạo ngay được TCC. Còn dựa trên tài nguyên, đất đai rất khó vì liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng. TCC dựa trên chuyển đổi quy trình công nghệ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì cần vốn chuyển đổi, nguồn nhân lực… Chưa kể, năm 2023 sẽ có 1.912 DN nằm trong diện phải kiểm kê khí nhà kính nhưng đến nay chưa có con số bao nhiêu DN đã được kiểm kê!”.

Nói về hiện trạng TCC tại Việt Nam, TS. Tô Xuân Phúc – Giám đốc Chương trình Chính sách và Tài chính thương mại của Forest Trends (Hoa Kỳ) nêu thực tế: “Thị trường mua và bán TCC ở đâu, ai bán – ai mua, tín chỉ được Việt Nam công nhận có được giao dịch quốc tế hay không, ai sẽ công nhận về chất lượng của hơn 170 loại TCC… Để Việt Nam hình thành thị trường TCC còn quá nhiều điều phải làm. Hiện TCC Việt Nam nằm trong tay các cơ quan quản lý nhà nước, chưa mở cửa cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia là hạn chế đáng được lưu tâm”.

Càng chậm càng đánh mất cơ hội

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang, cho biết 8 tháng đầu năm 2023, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 là 3,6 tỷ USD. “5 năm nay, ngành dệt may đã và đang chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: đánh giá của nhãn hàng về khí thải, rác thải, môi trường làm việc, đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào những thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý hướng dẫn, hỗ trợ DN có vốn để đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh”. Ông Giang không ngần ngại nói rằng “lẽ ra ngành dệt may Việt Nam có nhiều đơn hàng hơn nhưng lại bị nhiều quốc gia như Bangladesh, Camphuchia… cạnh tranh vì họ có nhiều chứng chỉ xanh hơn”.

Một vấn đề bức thiết khác được Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa nêu lên với các cơ quan quản lý: “Ai cấp TCC cho DN, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu cần, phải mua của ai để bù đắp vì với nhiều thị trường khó tính, nhất là cộng đồng EU, nếu không đủ chuẩn xanh sẽ không xuất được hàng”.

Theo TS. Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được EU áp dụng từ năm 2026, trước 2 năm khi Việt Nam có sàn giao dịch ETS chính thức. Tác động của CBAM sẽ mạnh hơn đối với các DN xuất khẩu vào EU ở các ngành: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Nghiên cứu cho thấy các công ty nhôm, thép có thể giảm đến 4% xuất khẩu, kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,4 – 0,8%. “Khi ngày càng có nhiều DN trong nước và công ty FDI tuyên bố cam kết trung hòa carbon hay phát thải ròng bằng zero thì nhu cầu cho thị trường TCC bù đắp phát thải sẽ tăng lên. Việc thiếu vắng thị trường carbon tại Việt Nam sẽ đẩy dòng vốn trong nước mua hàng (carbon) sang Singapore, Thái Lan, Malaysia…”, TS. Chí cảnh báo.

Phải sớm hình thành thị trường TCC

Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng và vận hành thị trường TCC trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá TCC quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường TCC thế giới và khu vực, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Mong Bộ Tài chính sớm ban hành đề án tạo lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và TCC kèm theo quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi TCC trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới, mức thuế carbon (nếu có), hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ TCC trong nước và quốc tế…”, ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam đề nghị.

Như đã biết, từ ngày 1/10/2023, cộng đồng châu Âu (EU) sẽ sử dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Bộ Tài nguyên – Môi trường đã trình các quy định, hướng dẫn hỗ trợ DN lên Chính phủ. Về phía Bộ Tài chính, đại diện bộ này cho biết được giao xây dựng thị trường carbon nên các chính sách liên quan phải hoàn thành trước tháng 7/2024 để năm 2025 thí điểm thị trường giao dịch TCC. “Tôi mong các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải xây dựng hệ thống dữ liệu về thị trường TCC, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và TCC, ban hành định mức carbon trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phải có cơ quan chịu trách nhiệm để quản lý thị trường giao dịch TCC, kể cả các sàn giao dịch, thu thuế…”, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân đề nghị.

Mỹ Thạch

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác