Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia trong năm 2024 đạt 146,2 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Australia đều tăng trưởng tốt.
Cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Australia, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 46 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là ghế khung gỗ đạt 31,6 triệu USD, tăng 18,5%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 21,8 triệu USD, tăng 8,7%…
Theo Cục Thống kê Australia, dù chậm hơn so với mức 0,5% mà các nhà kinh tế dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,3% trong quý 3/2024, mức tăng nhanh nhất trong một năm và là quý tăng trưởng thứ 12 liên tiếp. Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, mặc dù tổng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ giảm, nhưng Australia vẫn tăng nhập khẩu mặt hàng này từ 3 thị trường cung cấp chính là Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia, trị giá nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 87,7% tổng trị giá nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng trị giá nhập khẩu. Cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khai thác thị trường này.
![](https://hawa.vn/wp-content/uploads/2025/02/17-Thien-nga-nuoc-Uc-2-1024x683.jpg)
Theo số liệu của OECDStat, năm 2022 người tiêu dùng Australia dành 4,7% tổng chi tiêu cho nhu cầu về nội thất, thiết bị gia dụng và bảo trì nhà cửa thường xuyên. Đây là nhóm hàng chính nằm trong các sản phẩm tiêu dùng chủ yếu của người Australia. Vì vậy, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới Australia được đánh giá là khả quan trong thời gian tới.
Đòi hỏi khắt khe
Dân số của Australia ngày càng tăng và đạt 26,8 triệu người vào năm 2024. Tăng trưởng dân số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu nhà ở. Hiện tại, sự thiếu hụt về nhà ở đang trở thành vấn đề trên toàn Australia. Đây là cơ hội của ngành bất động sản và xây dựng lẫn nội thất tại quốc gia này.
Ngày 7/3/2024, Việt Nam và Australia đã chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam tới Australia được cho là sẽ thuận lợi nhờ có Hiệp định CPTPP, sự quan tâm tích cực của Chính phủ hai nước đối với hoạt động thương mại, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, người tiêu dùng Australia có yêu cầu cao về tiêu chuẩn và chất lượng. Đánh giá từ Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, dù giá cả vẫn đóng một vai trò quan trọng nhưng các quyết định mua sắm của người dân Australia bị ảnh hưởng và chi phối rất nhiều bởi thiết kế và thương hiệu của sản phẩm. Để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Autralia, DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản; các thủ tục hải quan, đảm bảo thời gian vận chuyển…
Theo nguồn ABC News, những người ủng hộ ngành gỗ Australia đang kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với xuất xứ của các sản phẩm gỗ từ các thị trường nhập khẩu. Quyền giám đốc Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia bà Madeleine Osborn cho biết, có khoảng 15 – 30% tổng lượng gỗ được giao dịch trên toàn cầu là gỗ khai thác trái phép và 10% trên thị trường Australia là gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Khai thác và sử dụng gỗ trái phép đều được xem là “tội phạm môi trường”.
Hiệp hội Sản phẩm Lâm nghiệp Australia cũng trích dẫn lời của Tổng giám đốc điều hành Diana Hallam rằng Chính phủ Australia nên thực thi luật ghi nhãn xuất xứ đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Theo luật mới, các viên chức chính phủ có thể kiểm tra một số sản phẩm gỗ nhập khẩu để xác minh loài và quốc gia xuất xứ.
Trước đó, trong cuộc kiểm tra vào tháng 6/2024 mà Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia triển khai dựa trên ứng dụng công nghệ cao cho thấy thông tin mà các nhà xuất khẩu đang cung cấp là chưa chính xác. Có đến khoảng 25% sản phẩm được thử nghiệm mang thông tin về loài và nguồn gốc không chính xác. Điều này là tăng sự quan tâm của chính phủ Autralia về luật ghi nhãn xuất xứ đối với gỗ và các sản phẩm gỗ.
Do vậy, để có thể thâm nhập thị trường tiềm năng này, DN nội thất Việt Nam cần có những chuẩn bị và thực thi nghiêm túc các quy định về nguồn gốc xuất xứ cũng như chú trọng gia tăng các giá trị vô hình như thiết kế, thương hiệu…
Nguyên Khang