Việt Nam dựa vào lao động có kỹ năng thấp làm động lực tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đang trở thành một hạn chế lớn. Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank), để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, Việt Nam cần có những hành động cụ thể trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Báo cáo “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới thay đổi” do World Bank công bố ngày 20/11 vừa qua cho thấy, Việt Nam đang là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất nhờ thương mại toàn cầu trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện tại của Việt Nam chưa đủ để đạt được mục tiêu đó. Nguyên nhân là vì tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp. Muốn vậy, trong 20 năm tới, con số này phải tăng trên ba lần.
Chưa kết nối được với GVC
Tính toán của World Bank dựa trên WDI, OECD, UNCTAD… cho thấy, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ thương mại toàn cầu nhiều hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các chính sách thương mại bao gồm tự do hóa thuế quan mạnh mẽ, hình thành được mạng lưới các hiệp định thương mại rộng khắp, đã mang lại cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, DN nước ngoài đang đóng góp cho tăng trưởng thương mại của Việt Nam lên đến 73% kim ngạch xuất khẩu, một con số khá lớn. Mức độ tham gia của DN trong nước vào GVC giảm từ 35% xuống còn 18% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2023. Hầu hết, DN trong nước chưa kết nối được với GVC nên Việt Nam chỉ thu được được một phần nhỏ giá trị của kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia World Bank cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải chú trọng kết nối DN trong nước với DN theo định hướng xuất khẩu, nhằm củng cố nền kinh tế trong nước; Cải thiện môi trường kinh doanh qua giảm chi phí thủ tục hành chính và chuyển đổi số; Triển khai các cơ chế toàn diện về tài chính chuỗi cung ứng; Thiết lập chương trình phát triển nhà cung cấp…
Tăng trưởng bền vững và việc làm chất lượng cao
Mô hình xuất khẩu hiện tại của Việt Nam chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp cuối. Dịch vụ chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ 7% kim ngạch xuất khẩu hàng chế tạo chế biến. Báo cáo ghi nhận thực trạng Việt Nam dựa vào lao động có kỹ năng thấp làm động lực tham gia GVC. Trong điều kiện hiện tại, điều này đang trở thành một hạn chế lớn.
Thâm dụng lao động giúp tăng thu nhập cho lao động có kỹ năng thấp, như công nhân lắp ráp khâu cuối, nhân viên vận hành máy, công nhân may, công nhân sản xuất đồ nội thất… nhưng lại làm giảm động lực nâng cao kỹ năng. Dựa trên khảo sát lực lượng lao động (TFS) cho thấy, hiện Việt Nam chỉ có 5% lực lượng lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến hiện nay có tay nghề cao và chỉ có 10% dân số có bằng cử nhân. Nhu cầu ngày càng lớn về lao động có kỹ năng, nhất là trong các lĩnh vực chế tạo chế biến thâm dụng công nghệ, là dấu hiệu về tình trạng thiếu hụt kỹ năng gia tăng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực chế tạo chế biến thâm dụng công nghệ khiến cho mức lương trội ngày càng cao hơn. Thời gian tới, lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam cũng sẽ không còn.
Để đẩy mạnh tham gia GVC, World Bank cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đồng thời cải thiện hệ thống đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó là các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực như: Phát triển lực lượng lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến đòi hỏi kỹ năng cao; Nâng cao số lao động có trình độ sau phổ thông; Đầu tư về hệ thống nghiên cứu và phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM); Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và DN…
Ở các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, dịch vụ đóng góp ít nhất gấp đôi cho kim ngạch xuất khẩu. Muốn hướng đến các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn, cung ứng các dịch vụ… thì việc chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể chần chừ. Mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao của Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục nếu Nhà nước tập trung vào việc tạo thuận lợi, đảm bảo khả năng dịch chuyển của người lao động, sao cho họ có thể khai thác các cơ hội việc làm mới. Đồng thời xóa bỏ những hạn chế trong việc tiếp thu kỹ năng của người trẻ thông qua cung cấp thông tin, hỗ trợ tài chính và đào tạo nghề… Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội được tăng cường cũng sẽ hỗ trợ người lao động kỹ năng thấp tránh được những ảnh hưởng bất lợi trong quá trình nâng cao vị thế tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Minh Nhật (Theo World Bank)