,

Thương vụ tỷ USD cho sáng tạo

Nghệ sĩ, nhà thiết kế gốc Việt Chris Le có nhiều năm gắn bó với công việc sáng tạo. Bằng cách kết hợp sáng tạo với công nghệ, chàng trai trẻ này đã tạo nên được bước đi đột phá trong việc khai thác các giá trị vô hình, nâng giá trị sản phẩm lên một tầm cao mới. Ngành nội thất hoàn toàn có thể ứng dụng cách làm này.

* Mới chỉ start-up hơn 2 năm nhưng những sáng tạo của RTFKT đã làm khuấy động cộng đồng blockchain, anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về hành trình khởi nghiệp?

– Trước khi chính thức khởi nghiệp, tôi đã làm việc trong ngành nghệ thuật và giải trí nhiều năm, thử sức từ âm nhạc, phim ảnh đến trò chơi điện tử… Đứng ở vai trò của người nghệ sĩ, tôi cảm thấy trong toàn bộ quy trình chung, chúng tôi không thực sự được trao quyền và không nhận được phần lợi nhuận tương xứng. Tôi quyết định hợp tác với Zaptio và Benoit Pagotto, các nhà đồng sáng lập, để ra mắt RTFKT.

Thương hiệu của chúng tôi đại diện cho sự sáng tạo, thế hệ và văn hóa internet. RTFKT nuôi dưỡng một cộng đồng sáng tạo trên môi trường internet, ứng dụng công nghệ blockchain. Đây là một cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh. Chúng tôi cho ra mắt các sản phẩm có thể sưu tập như giày thể thao, quần áo, bất động sản, nhân vật ảo, và bất cứ vật phẩm nào có thể hình dung ra.

Hướng đi này được cộng đồng ủng hộ rất lớn. Chúng tôi đã trải qua hai vòng gọi vốn với các nhà đầu tư mạo hiểm, bao gồm a16z, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Đây là quỹ đầu tư đỡ đầu các start-up công nghệ trong nhiều lĩnh vực AI, sinh học, sức khỏe, game, fintech, hàng tiêu dùng và đặc biệt là crypto. a16z là cái tên đứng đằng sau sự thành công của các công ty công nghệ tỷ USD như Facebook, Twitter, Airbnb…

Cú hích lớn của RTFKT tạo ra khi chúng tôi hợp tác với Fewocious, một nghệ sĩ 18 tuổi. Chỉ trong chưa đầy bảy phút, RTFKT đã bán được hơn 3 triệu USD sản phẩm giày thể thao kỹ thuật số. Con số này mang đến góc nhìn hoàn toàn mới về thị trường thời trang truyền thống.

* Thương vụ với ông lớn ngành thời trang là Nike xuất phát từ đó?

– Nike là thương hiệu chia sẻ niềm đam mê sâu sắc của chúng tôi với đổi mới, sáng tạo và cộng đồng. Năm 2021 Nike mua lại RTFKT. Cùng với Nike, những sáng tạo được hình thành trong metaverse (tạm dịch vũ trụ ảo) của chúng tôi bước ra đời sống thực tiễn.

Nike đã phát hành bộ sưu tập giày thể thao ảo đầu tiên, được gọi là Cryptokicks, bao gồm 20.000 NFT. Trong đó, có một đôi do nghệ sĩ Takashi Marakami thiết kế và đã được mua với giá 134.000 USD. Có thể hình dung, mỗi đôi giày là một câu chuyện gắn liền với 4 giá trị. Bao gồm: tên tuổi của người thiết kế ra nó, người sở hữu, được định danh theo số thứ tự phiên bản giới hạn, đề cao tính cá nhân hóa. Khi hội tụ được các giá trị đó, từ một sản phẩm tiêu dùng, thêm vào giá trị sáng tạo, đôi giày được nâng tầm, trở thành tác phẩm nghệ thuật.

* Đối tượng khác hàng đón nhận những sản phẩm ấy?

– Đây là sản phẩm phù hợp với những khách hàng thích sưu tầm, thích công nghệ, đặc biệt trong thế giới của những bạn trẻ mê game. Sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc thông tin rất đơn giản chỉ quét hình bằng điện thoại. Không có chuyện khách hàng mua phải hàng nhái hàng giả bởi toàn bộ đời sống của sản phẩm đã được mã hóa theo công nghệ blockchain.

Tập đoàn Nike dùng nền tảng sáng tạo của RTFKT nhằm mở rộng phân khúc khách hàng cao cấp. Có thể hình dung, RTFKT là sàn catwalk thời trang để nâng cao hình ảnh thương hiệu Nike trong vũ trụ ảo. Đó cũng là lý do họ bỏ ra một số tiền lớn để thâu tóm chúng tôi. Tất nhiên, với những phiên bản thiết kế giới hạn ấy, giá bán sẽ cao hơn hẳn các sản phẩm được thiết kế hàng loạt.

* Nghĩa là giá trị sáng tạo trong ngành sản xuất đang được đưa lên một tầm cao mới?

– Nghệ thuật đã ăn sâu vào DNA của con người. Nếu không có sự sáng tạo, chúng ta không thể thực sự hạnh phúc. Tôi cảm nhận điều đó ở mọi hoạt động trong đời sống. Ở khía cạnh kinh doanh, doanh nghiệp (DN) cần phải bám lấy khía cạnh sáng tạo của sản phẩm, nghĩ nhiều hơn đến những cảm xúc mà nó gợi lên ở người khác khi họ thấy tác phẩm sáng tạo. Mang đến thị trường những trải nghiệm đó, DN sẽ làm tăng thêm giá trị vô hạn cho sản phẩm.

Mọi thứ tôi thiết kế đều dành cho bản thân và cho mọi người. Nếu tác phẩm của tôi không tạo ra tranh luận hay được nói đến thì tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi muốn số người phàn nàn về sản phẩm của mình cũng nhiều như số người đánh giá cao nó.

* Theo anh, xu hướng cá nhân hóa trong tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới?

– Xu hướng này luôn tồn tại trong ngành sưu tập, trong phân khúc tiêu dùng cao cấp. Sự khan hiếm và các đợt phát hành giới hạn tạo ra trải nghiệm khao khát về một thương hiệu. Càng cá nhân hóa, đội ngũ sáng tạo càng gắn chặt với cộng đồng của mình. Chúng tôi cảm nhận rõ điều này qua đợt phát hành sản phẩm mới nhất, Nike x RTFKT Dunk Genesis, cho phép người dùng tùy chỉnh giày thể thao của họ với các bộ phận in 3D mà họ tạo ra thông qua phần mềm 3D và quyền truy cập vào một máy in 3D. Khách hàng được nhận về một đôi giày hàng hiệu, không “đụng hàng”, do chính mình tạo ra. Trải nghiệm ấy thực sự giá trị.

* Đó là câu chuyện ở lĩnh vực thời trang. Liệu công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) có tiềm năng áp dụng vào lĩnh vực nội thất để gia tăng giá trị?

– AR có thể được dùng để trình bày các vật phẩm ảo trong không gian của bạn trước khi bạn quyết định mua. Tôi nghĩ các món nội thất được thiết kế sáng tạo sẽ trở nên rất có giá trị sưu tầm khi metaverse trở nên phổ biến.

Để nâng cao phần giá trị vô hình, ngành nội thất nên tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm thực sự sáng tạo. Khi DN thể hiện sự sáng tạo qua các sản phẩm, người dùng sẽ cảm nhận được điều đó và đánh giá sản phẩm của DN cao hơn.

* Cụ thể, làm thế nào để thu hút thêm giá trị sáng tạo cho các sản phẩm nội thất Việt Nam?

– Hãy hợp tác với các nhà sáng tạo từ nhiều lĩnh vực khác. Hãy hợp tác với các nghệ sĩ từ ngành công nghiệp game, vì họ mang lại một góc nhìn khác biệt. Hãy kết hợp chuyên môn của các nhà thiết kế sản phẩm công nghiệp với các nhà thiết kế từ ngành giải trí để tạo ra những điều mới mẻ và độc đáo cho ngành nội thất.

* Xin cảm ơn anh!

Victor Trần thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác