Song song với xu hướng đầu tư vào máy móc hiện đại, tiến sĩ Quách Văn Thiêm – Trưởng bộ môn Kỹ nghệ gỗ, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, cho rằng cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng vận hành và bảo trì để có thể đạt hiệu quả sử dụng thiết bị. Câu chuyện về con người luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của ngành chế biến gỗ Việt Nam.
* Việt Nam là một trong sáu quốc gia xuất khẩu đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ hàng đầu thế giới nhưng chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động của ngành lại được đánh giá là chưa cao. Ông nghĩ sao về điều này?
– Nếu nhìn vào chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), hiện nay ngành chế biến gỗ đang sử dụng khoảng 500.000 lao động, nhưng chỉ khoảng 20-30% có qua đào tạo, còn lại là lao động phổ thông. Đây là con số tương đối thấp khi so sánh với các quốc gia phát triển, nơi tỷ lệ lao động tay nghề cao chiếm trên 60%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động chưa cao là do hệ thống đào tạo trong ngành chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN). Một số cơ sở đào tạo vẫn chú trọng nhiều vào lý thuyết mà chưa đầu tư mạnh vào thực hành và các chương trình hợp tác với DN. Sự thiếu đồng bộ trong ứng dụng công nghệ hiện đại cũng khiến ngành không khai thác hết tiềm năng của lực lượng lao động. Chẳng hạn, dù đã có nhiều DN đầu tư vào máy móc hiện đại như máy CNC, hệ thống tự động hóa, nhưng việc thiếu nhân lực có kỹ năng vận hành và bảo trì đã làm giảm hiệu quả sử dụng các thiết bị.
Để giải quyết các vấn đề trên cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn từ cơ sở đào tạo, DN và Chính phủ.
* Có ý kiến cho rằng, công tác đào tạo chưa gắn liền với đòi hỏi từ DN là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?
– Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục đã có những nỗ lực nhất định trong việc đào tạo nhân lực cho ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, nếu xét một cách toàn diện, có thể thấy mức độ đầu tư vào công tác đào tạo hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của ngành do thiếu gắn kết giữa cơ sở giáo dục và DN. Hiện tại, chỉ khoảng dưới 30% DN trong ngành chế biến gỗ tham gia hợp tác đào tạo với các trường đại học và cao đẳng. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển, sự hợp tác này thường đạt trên 70%. Điều này khiến các chương trình đào tạo thiếu đi tính thực tiễn và chưa đáp ứng được nhu cầu cụ thể của DN.
Tuy nhiên, việc đào tạo không thể chỉ phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo mà cần có sự tham gia tích cực hơn từ phía DN và Chính phủ. DN cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào chương trình thực tập, đào tạo tại chỗ, cung cấp thiết bị hiện đại hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển giáo trình và đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp.
* Hiện, tỷ lệ sinh viên ngành Kỹ nghệ gỗ và nội thất của trường có được việc làm sau tốt nghiệp là bao nhiêu?
– Theo thống kê từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh về tỷ lệ sinh viên ngành Kỹ nghệ gỗ và nội thất có việc làm đúng ngành sau tốt nghiệp là trên 90%. Đây là con số phản ánh ngành gỗ đang có nhu cầu nguồn nhân lực lớn và khả năng hấp thụ lao động tốt trong tương lai.
Tuy nhiên, dù người trẻ hiện nay có sự hứng thú với ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, các DN lớn đã đầu tư vào công nghệ hiện đại và cải thiện môi trường làm việc, nhưng ở một số cơ sở nhỏ, tình trạng làm việc trong môi trường chưa đảm bảo an toàn lao động hoặc thiếu các phúc lợi cơ bản vẫn còn phổ biến. Những điều này khiến nhiều người trẻ khó có động lực gắn bó lâu dài với ngành.
* Theo ông, cần có những chính sách, hoạt động cụ thể nào từ phía các nguồn lực khác để thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành?
– Việc thu hút nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa các nguồn lực.
Thứ nhất, DN cần có các chính sách và hoạt động cụ thể để thu hút và giữ chân nhân lực. Xây dựng chương trình hợp tác đào tạo với trường học, cung cấp các suất học bổng và cơ hội thực tập cho sinh viên. Thiết kế lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng cho người lao động, tạo ra cơ hội thăng tiến và học tập để nâng cao tay nghề. Cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn lao động và đưa ra các phúc lợi hấp dẫn như bảo hiểm sức khỏe, nhà ở, hay hỗ trợ đi lại. Những chính sách này sẽ giúp tăng sức hút đối với lao động trẻ, đồng thời giữ chân nhân lực lâu dài.
Thứ hai, các hiệp hội ngành nghề như VIFOREST, HAWA, BIFA… cần đóng vai trò cầu nối giữa DN và cơ sở đào tạo. Hiệp hội có thể tổ chức các hội thảo chuyên đề, triển lãm nghề nghiệp, và các buổi gặp gỡ giữa sinh viên với DN để nâng cao nhận thức về cơ hội nghề nghiệp trong ngành. Hiệp hội phối hợp với Chính phủ để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đảm bảo người lao động được đào tạo đúng với yêu cầu thực tế của thị trường.
Thứ ba, Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ về tài chính và pháp lý để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ như: Ưu đãi thuế cho DN đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu phát triển; Hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo kỹ thuật và công nghệ cao, đặc biệt là tại các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề; Tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về ngành chế biến gỗ, là ngành thế mạng của người Việt manh lại nhiều lợi ích như: thu nhập ổn định, cơ hội làm việc quốc tế, và tiềm năng sáng tạo; Xây dựng chính sách nhập cư linh hoạt, cho phép các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ và kỹ năng cho lao động trong nước.
Cuối cùng, cần có sự phối hợp giữa các nguồn lực này để tạo ra một hệ sinh thái nhân lực bền vững. Ví dụ, DN và nhà trường có thể xây dựng các trung tâm đào tạo thực hành, nơi sinh viên vừa học vừa làm dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Các hiệp hội có thể đóng vai trò giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo, trong khi Chính phủ đảm bảo nguồn lực tài chính và chính sách hỗ trợ.
* Các hoạt động kết nối với trường học để đào tạo sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên thực tập cũng như “đặt hàng” để đào tạo trúng đích, trúng yêu cầu thực tế hoạt động của DN triển khai trong thời gian vừa qua có hiệu quả?
– Các hoạt động kết nối giữa DN và trường học trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề để cải thiện. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp sinh viên tiếp cận thực tế công việc và nâng cao cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình này vẫn phụ thuộc nhiều vào mức độ cam kết và sự phối hợp giữa các bên.
Như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã ký thoả thuận hợp tác với một số hiệp hội và DN như: HAWA, BIFA, AA Corporation, Tập đoàn Kim Tín, Công ty TAVICO, Công ty Thành Thông, Công ty Teckcom, Công ty Dũng Khanh… Thông qua các hợp tác này, Trường đã được hỗ trợ cơ sở vật chất; mở các lớp đào tạo kỹ năng vận hành máy CNC, sử dụng phần mềm thiết kế nội thất 3D, các kỹ năng quản lý sản xuất; DN trao học bổng, tổ chức các buổi thực tập tại nhà máy, tham gia xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tế… Các DN đã tuyển dụng được nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các hoạt động này rất hiệu quả, thiết thực và đáp ứng được nhu cầu của cơ sở đào tạo và DN.
* Cảm ơn ông về những trao đổi này!
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) có truyền thống lâu đời và là trường đào tạo về kỹ thuật hàng đầu ở Việt Nam. Trường thu hút sinh viên vào học ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất nói riêng và các ngành khác nói chung nhờ chất lượng đào tạo và công tác chăm sóc, hỗ trợ sinh viên tốt.
Chất lượng đào tạo ngày một nâng cao:
– Chương trình đào tạo theo định hướng công nghệ: Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành một cách hợp lý; đồng thời luôn được cập nhật, bổ sung những kiến thức mới vào chương trình đào tạo và đáp ứng được nhu cầu DN.
– Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại: Hằng năm trường đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên.
– Hợp tác với DN: Trường đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhiều DN trong ngành chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất; tạo cơ hội cho sinh viên tham gia thực tập thực tế và tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp… Đồng thời mời chuyên gia của các hiệp hội và DN cùng tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên…
Hoạt động chăm sóc và hỗ trợ sinh viên tốt:
– Học bổng và các chính sách hỗ trợ sinh viên: Hằng năm trường cấp từ 50 đến 70 tỷ đồng học bổng khuyến khích sinh viên; học bổng cho nữ sinh viên theo học các ngành kỹ thuật trong đó có ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất. Ngoài ra, trường thường xuyên liên hệ với các công ty, tập đoàn, các tổ chức trong nước và quốc tế để trao học bổng DN cho sinh viên…
– Hoạt động ngoại khóa và phát triển kỹ năng mềm: Trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ và hội thảo chuyên đề giúp sinh viên phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo. Những kỹ năng này rất quan trọng trong môi trường làm việc thực tế và giúp sinh viên tự tin hơn khi gia nhập thị trường lao động.
– Cam kết và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Minh Kiên thực hiện