Năm 2023, thế giới ghi nhận nhiều thảm họa thiên nhiên với tầng suất kỷ lục. Mỗi ngày, mỗi tuần đều có tin tức về những tác động xấu của môi trường ở nơi nào đó trên thế giới. Thiên nhiên đang gửi đến con người những thông điệp mạnh mẽ về tính trách nhiệm.
Con người là một thực thể không thể tách rời khỏi môi trường tự nhiên. Trách nhiệm với tự nhiên được bắt đầu từ việc hiểu rằng chúng ta là một, cùng sống với nhau dưới ngôi nhà chung Trái đất. Dưới mái nhà ấy, con người là loài duy nhất nhận thức và chủ động trước những tác động của mình với thiên nhiên. Do vậy, việc giữ gìn sự bền vững của môi sinh phụ thuộc hoàn toàn vào con người.
Chậm lại để thấu hiểu
Trong lịch sử phát triển, con người đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhu cầu mỗi lúc mỗi tăng cao. Có thể nói, đời sống hiện tại là giai đoạn mà con người có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất. Rất khó để con người có thể hoàn toàn hài lòng với những gì mình có bởi khi con người muốn sở hữu một thứ, họ sẽ nỗ lực để đạt được. Sắm được bộ sofa thật êm, lại muốn sofa của mình bọc da sẽ sang hơn. Rồi nhanh chóng chán và tiếp tục hướng đến những thứ mới mẻ khác. Nghĩa là, niềm vui sẽ chóng tàn, không thể nào đạt được thứ hạnh phúc lâu bền với vật chất.
Nói vậy không có nghĩa là bài xích tiêu dùng. Đời sống phát triển, mua sắm, trang bị các vật dụng, thực phẩm… làm cho cuộc sống thoải mái hơn là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Có trách nhiệm trong tiêu dùng là khi phát sinh nhu cầu về một sản phẩm, ta phải nghĩ rằng, để sản xuất ra được tủ, giường, bàn ghế, tủ lạnh, tivi điện thoại, quần áo… các doanh nghiệp (DN) đã phải tiêu tốn bao nhiêu nước, xả bao nhiêu hóa chất, chất thải độc hại vào môi trường… Đó có phải là nhu cầu thực sự của con người hay chỉ đơn giản là ý thích?
Khi nhìn rõ nhu cầu tiêu thụ lẫn tác động của mình, ngày sẽ có càng nhiều người chậm lại trong việc “chốt đơn” và đứng trước hai lựa chọn. Một, mặc kệ, tiếp tục mua sắm tùy thích. Môi trường bị khai thác quá mức tiếp tục phản ứng bằng những thiên tai và con người tiếp tục không hài lòng. Hai, hiểu rằng mình có trách nhiệm phải làm khác đi. Trách nhiệm này không thuộc ai đó mà là chính mình: Chúng ta chịu trách nhiệm cho chính những quyết định tiêu dùng của mình, với môi trường sống của mình trước tiên. Tiếp đó, là trách nhiệm với những thế hệ tiếp theo.
“Quyền lực” của người mua sắm
Khi đã có ý thức trong tiêu dùng, những ham muốn, nhu cầu quá mức cũng sẽ dần được hạn chế. Thực tế, tiêu dùng có trách nhiệm sẽ đi kèm với sự giản dị, lối sống đơn giản, hòa hợp với thiên nhiên, tận dụng các giá trị của tự nhiên mà không ảnh hưởng đến sự bền vững. Ví dụ, thay vì phải sắm một bộ bàn ghế bằng gỗ nhóm 1, khai thác từ rừng tự nhiên, lựa chọn ấy có thể chuyển sang gỗ rừng trồng, gỗ nhân tạo hoặc tiến bộ hơn là gỗ tái tạo.
Hình thành và thực hành lối sống giản dị, tiêu dùng có trách nhiệm sẽ giúp con người nhẹ nhàng trong suy nghĩ. Quan trọng hơn, là cảm nhận được vai trò của mình trong việc đóng góp, gìn giữ môi trường. Sống tự nhiên dẽ dễ cảm nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ bé trong đời sống này hơn.
Khi không phải mua sắm phục vụ cho nhu cầu thể hiện bản thân, người tiêu dùng sẽ thoát được cái bẫy của sự bon chen, từ quan niệm “Phải có cái này mới oách hơn ông kia, bà nọ”. Qua đó, có được sự tôn trọng dành cho bản thân, biết mình có giá trị từ những đóng góp trong đời sống chứ không phải vật chất mình sở hữu. Hơn nữa, sẽ có điều kiện dùng tài chính vào những mục tiêu khác, đảm bảo an toàn tài chính, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức. Có thể xem đó là câu chuyện của tiêu dùng hạnh phúc, tiêu dùng đúng với nhu cầu và đúng với khả năng đáp ứng của tự nhiên.
Người tiêu dùng hạnh phúc không thể nào đơn lẻ. Bởi hành vi của mỗi người luôn có ảnh hưởng đến cộng đồng. Khi có trách nhiệm kêu gọi cùng làm chung, cùng ý thức, tinh thần ấy sẽ có điều kiện lan tỏa và phát huy được sức mạnh thông qua “quyền lực” của người mua sắm. Việc các DN toàn cầu hiện nay phải bắt đầu chuyển đổi để có phương thức sản xuất xanh, phát triển bền vững chính là kết quả của các thể chế kết hợp với đòi hỏi từ phía người tiêu dùng. Sản xuất không thân thiện với môi sinh, DN sẽ không bán được hàng, không thể tồn tại.
Áp lực phải chuyển đổi là rất lớn, nhất là trong bối cảnh doanh thu không dồi dào như hiện nay, khi người dùng thắt chặt hầu bao. Nhưng, có khó như vậy, DN mới nỗ lực để sáng tạo hơn, tìm thêm giải pháp mới. Lúc này, áp lực sẽ là là nền tảng để DN có thể vươn lên tầm cao mới.
Trong tiến trình xanh hóa, DN không thể một mình mà phải là nỗ lực cùng nhau, nhiều DN cùng đồng lòng, hợp tác cùng nhau để cùng nhau phát triển. Với phần đông DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, để từ bỏ cách làm cũ, thực sự là sự hy sinh. Sự hy sinh này cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ trong quá trình chuyển đổi. Trọng tâm của mọi sự cố gắng đều hướng đến sự tốt đẹp. Chỉ cần nhìn thấy triển vọng, DN lẫn người tiêu dùng sẽ có thể tìm được giải pháp phù hợp với hiện trạng. Từ đó tiến đến một thị trường sản xuất lẫn tiêu dùng có trách nhiệm trên quy mô toàn cầu.
Nguyễn Thị Bích Hà – Đại diện Giá trị sống Việt Nam,
Thành viên Ban Thường trực ALIVE
(Hiệp hội Giáo dục các Giá trị sống quốc tế)
H.Y ghi