Tối ưu hóa cơ hội xuất khẩu vào Mỹ

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ đạt 9,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2023. Chiếm hơn 50% tỉ lệ xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam, thị trường Mỹ giàu tiềm năng nhưng với sự chênh lệch cán cân thương mại giữa hai quốc gia như hiện nay, vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn.

 Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ, nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ là nhóm xuất khẩu chính chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.

Lợi thế cạnh tranh

Trong năm 2024, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2023. Tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 2,2 tỷ USD, tăng 28,9%. Đồ nội thất phòng ngủ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 44%… Ngoài ra, các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ… cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, thị trường cung cấp lớn nhất về trị giá là Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc và EU. Đáng chú ý, trong 3 thị trường cung cấp đồ nội thất lớn nhất, Mỹ chỉ tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này cho thấy sản phẩm nội thất của Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ, có lợi thế cạnh tranh về giá thành, doanh nghiệp (DN) tuân thủ nghiêm túc việc chứng nhận nguồn gốc bền vững (FSC). Với đà tăng trưởng hiện tại, các chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong năm 2025 đạt trên 10 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Xây dựng nhà Quốc gia Mỹ, dự kiến lãi suất thế chấp 30 năm của Mỹ sẽ giảm xuống còn dưới 6% vào cuối năm 2025, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản và tăng nhu cầu về sản phẩm nội thất.

Áp lực bất định

Song song với cơ hội, thách thức mà DN ngành gỗ phải đối mặt cũng khá lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt chính sách thuế quan mới đã được Tổng thống Donald Trump triển khai. Dù chưa trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng các ngành xuất khẩu của Việt Nam cũng không nằm trong vùng an toàn. Bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ hiện là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam đối mặt với 27 vụ thì đã có 11 vụ là phía Mỹ khởi xướng. Đây cũng là quốc gia tăng cường điều tra kép với Việt Nam, trong cùng một vụ việc họ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Ngoài ra, các chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ cũng thường xuyên thay đổi. Hai năm gần đây, họ 2 lần thay đổi biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là đưa ra khái niệm mới. Điển hình là khái niệm  trợ cấp xuyên quốc gia, chưa có trong tiền lệ và chưa được WTO điều chỉnh. Với việc đưa ra hàng loạt chính sách mới ngay trong những ngày đầu Tổng thống Trump nhậm chức, chính sách thương mại Mỹ hoàn toàn có thể tiếp tục có nhiều thay đổi trong tương lai.

Cũng theo bà Linh, việc chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường  cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vụ việc giải trình chống bán phá giá và chống trợ cấp. Nguyên nhân là vì cơ quan điều tra Mỹ sẽ không công nhận dữ liệu do DN Việt Nam cung cấp mà sử dụng dữ liệu của quốc gia thay thế. Trước đây, Mỹ sử dụng dữ liệu từ nước thay thế là Indonesia và Ấn Độ. Tuy nhiên với yêu cầu mới, có thể Hoa Kỳ sẽ tìm đến các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, dẫn đến biên độ phá giá ngày càng lớn. Do vậy, DN Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho các cáo buộc có thể xảy ra trong tương lai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng, rủi ro về thuế quan hoàn toàn có thể xảy ra với ngành gỗ cũng như các ngành xuất khẩu khác vào Mỹ. Tuy nhiên, nếu so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Trung Quốc thì ngành vẫn còn thuận lợi hơn. “Đáng lo ngại là vấn đề lạm phát. Dù lạm phát đã có phần được kiểm soát và doanh số xuất khẩu của ngành đã tăng trong năm 2024 nhưng với các chính sách kinh tế và chính trị mà Tổng thống Trump đang triển khai có thể khiến thị trường xây dựng của Mỹ chậm lại, và thị trường nội thất bị ảnh hưởng theo”, ông Bảo nói. Mặt hàng nội thất không phải sản phẩm thiết yếu, nếu như lạm phát tiếp diễn thì người dùng sẽ giảm khả năng chi trả cho mặt hàng này.

Tích hợp chuỗi cung ứng

DN Việt Nam hiện đã tuân thủ tốt việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp nhưng vẫn cần nỗ lực hơn để đảm bảo không vướng cáo buộc gian lận thương mại, núp bóng xuất xứ. Bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết, WTO và Mỹ đang dựa trên thay đổi thuế quan để xác định quy tắc xuất xứ. Ví dụ, nếu một sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ, nó sẽ được coi là xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đang thảo luận việc áp dụng thêm tiêu chí đánh giá đầu vào. Nếu một sản phẩm như điện thoại, có 30-50% nguyên liệu từ Trung Quốc, thì mức thuế quan đó có thể được áp dụng cho một phần của sản phẩm. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét quy tắc sở hữu. Nếu công ty sản xuất tại Việt Nam thuộc sở hữu Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu có thể bị đánh thuế khác biệt. “Chính phủ Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với Washington để tránh bất lợi trong vấn đề này”, bà tư vấn.

Bên cạnh đó, theo ông Giovanni Rojas, thành viên ban lãnh đạo AmCham cũng cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục xem xét chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, nội địa hóa càng nhiều càng tốt từ nguyên liệu thô, thiết kế, sản xuất đến thành phẩm. “Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để thích ứng với các thay đổi trong chính sách thuế và quy định để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu và tối ưu hóa cơ hội”, ông Giovanni Rojas khẳng định.

Hà Phương

Bài viết liên quan